Hình ảnh một thẻ lên tàu giả |
Trưa ngày 11-12, hành khách V.T đến ga Sài Gòn xuất trình 4 thẻ lên tàu TN6, toa 3 từ Sài Gòn đi Huế ngày 23 và 25-1-2017.
Sau khi kiểm tra mã vé trên hệ thống bán vé điện tử, nhân viên nhà ga sài Gòn phát hiện 4 vé trên sai thông tin tên và CMND của hành khách.
Theo nhân viên nhà ga Sài Gòn, các vé này có dấu hiệu sửa tên và số giấy tờ tùy thân. Thông tin đúng trên hệ thống bán vé thì 4 vé này thuộc về những hành khách khác, đã đặt vé trên mạng và thanh toán tại các cửa vé, đại lý chính thức từ ngày 3 và 4-10-2016 với cùng hành trình từ Sài Gòn đi Huế.
Mua vé từ “cò”
Ông Đỗ Quang Văn, giám đốc chi nhánh Vận tải Đường sắt Sài Gòn cho biết đến sáng ngày 12-12 đã phát hiện 8 trường hợp người dân mua phải vé tàu giả từ “cò” với các chuyến đi trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới đây.
“Sau khi phát hiện có những người làm vé giả và bán cho khách, chúng tôi đã báo cáo sự việc với công an phường 9, quận 3 để có hướng kiểm tra, xử lý”, ông Văn cho hay.
Theo ông Đỗ Quang Văn, đối với những trường hợp mua vé tại các địa điểm không chính thức của Đường sắt VN, người dân nên tự kiểm tra lại vé bằng cách truy cập vào trang http://dsvn.vn hoặc có thể mang vé đến các nhà ga để các nhân viên đường sắt kiểm tra giúp.
Nhiều cách mua vé thuận tiện, đừng mua qua “cò”
Theo ông Đỗ Quang Văn, người dân có thể mua vé tàu một cách rất thuận tiện bằng việc vào trang http://dsvn.vn để chọn mua và thanh toán trực tiếp. Nếu không có tài khoản ngân hàng để thanh toán trực tuyến, người dân hoàn toàn có thể giữ đặt chỗ, sau đó đến các cửa bán vé, đại lý của nhà ga hoặc chi nhánh của ngân hàng VIB để trả tiền và hoàn thành việc mua vé.
Ngoài ra, người dân có thể tìm đến đại lý chính thức gần nơi mình sinh sống, làm việc hay các cửa bán vé của nhà ga để mua vé trực tiếp. Danh sách những đại lý chính thức của nhà ga được đăng tải đầy đủ trên website của đường sắt VN.
Tại khu vực TP.HCM, người dân có thể gọi điện đến số điện thoại 19001520 để được giao vé đến tận nhà.
“Việc mua vé tàu hiện đã rất tiện lợi, người dân có thể mua và thanh toán bằng nhiều cách thức khác nhau, không nên nghe và mua vé từ những “cò vé” hoặc các địa điểm bán vé không chính thống, tránh thiệt thòi cho mình”, ông Văn nói.
Bán vé giả: có thể truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo luật sư (LS) Nguyễn Hữu Thế Trạch, hành vi làm và bán vé giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội “Làm tem giả, vé giả, tội buôn bán tem giả, vé giả” căn cứ vào hành vi, số lượng vé bán ra thị trường theo quy định tại điều 164 BLHS 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.
Cụ thể, người nào làm, buôn bán các loại tem giả, vé giả với số lượng lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Phạm tội có tổ chức, lợi dụng chức vụ-quyền hạn, thu lợi bất chính hoặc tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
Bên cạnh đó, người “phe vé” hay còn gọi là “cò vé” sẽ bị xử phạt hành chính theo NĐ 171/2013/NĐ-CP với mức phạt từ 2 đến 4 triệu đồng.
LS Nguyễn Đức Chánh, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết thêm theo điều 68, Nghị định 46/2016 của Chính phủ thì cá nhân có hành vi tàng trữ và bán vé tàu giả có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 15 triệu đồng, bị tịch thu vé tàu giả và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính.
Theo LS Nguyễn Hữu Thế Trạch, khi mua nhằm vé giả, người dân nên trình báo ngay đến cơ quan công an gần nhất hoặc nhà ga nơi bán vé về sự việc.
“Người dân tuyệt đối không mua vé xe qua “cò” để bảo vệ quyền lợi của mình”, LS Nguyễn Hữu Thế Trạch nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận