23/09/2023 10:34 GMT+7

'Mùa thu rồi ngày hăm ba' của chứng nhân đặc biệt

'Nhiều năm rồi, tôi vẫn nhớ không khí quên mình cho đất nước ngày ấy hừng hực lắm. Làm sao thanh niên chúng tôi có thể đứng ngoài cuộc sinh tử của Tổ quốc'...

Nhân dân Nam Bộ hừng hực khí thế kháng chiến chống Pháp - Ảnh tư liệu: QUỐC MINH

Nhân dân Nam Bộ hừng hực khí thế kháng chiến chống Pháp - Ảnh tư liệu: QUỐC MINH

"Tôi vẫn nhớ mãi lời phát biểu của ông Trần Văn Giàu trong buổi lễ mừng Độc lập 2-9-1945 tại Sài Gòn. Những lời hào hùng đã đi vào trái tim thanh niên chúng tôi đang sục sôi tinh thần vệ quốc ở miền Nam. Những lời kêu gọi quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".

Đó là tâm sự của ông Trần Văn Dõi, một Thanh niên tiền phong tình nguyện trong giai đoạn máu lửa của đất nước và cũng là một chứng nhân rất đặc biệt. Ông sinh năm 1924, có cha là Trần Văn Hương. 

Theo dòng kháng chiến, ông Dõi đã Bắc tiến năm 1946 với tên mới là Lưu Vĩnh Châu tham chiến Điện Biên Phủ. Còn người cha là Trần Văn Hương, làm giáo viên, đã tham gia chính quyền Việt Nam cộng hòa rồi trở thành thủ tướng, phó tổng thống và tổng thống.

Là người trong cuộc từ Khởi nghĩa Nam Kỳ qua Tổng khởi nghĩa Tháng Tám và suốt 9 năm kháng chiến, tôi hiểu cái giá hy sinh mà đồng bào ta không hề tiếc.

Cố Thủ tướng VÕ VĂN KIỆT (trích lời giới thiệu sách Mùa thu rồi ngày hăm ba)

Theo lời hiệu triệu cứu nước

Những ngày cuối đời về sinh sống ở TP.HCM, ông Trần Văn Dõi đã cho tôi xem nhiều ghi chép của mình. Trong đó có một bản viết tay bằng mực đỏ lời phát biểu của ông Trần Văn Giàu tại lễ Độc lập được tổ chức vào chiều 2-9-1945 ở Sài Gòn. 

Kế hoạch là buổi lễ này sẽ tiếp sóng lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập ở Hà Nội, nhưng việc tiếp sóng tại Sài Gòn bị trục trặc không thực hiện được. Ông Trần Văn Giàu, lúc đó là bí thư Xứ ủy kiêm chủ tịch Ủy ban hành chánh lâm thời Nam Bộ, đã đọc lời phát biểu thay thế:

"Hỡi Quốc dân!

Hỡi đồng bào tận tâm cứu nước!

Việt Nam từ một xứ thuộc địa đã trở thành một nước độc lập.

Việt Nam từ một đế quốc đã trở thành một nước dân chủ cộng hòa.

Việt Nam đang tiến vào đường sống, sống danh dự với toàn cầu.

Hôm nay, tuân theo mạng lịnh của Chánh phủ trung ương do đồng chí Hồ Chí Minh lãnh đạo, chúng ta làm lễ Độc lập, mừng thắng lợi của Cách mạng trên cả nước Việt Nam.

Hôm nay, một lần nữa, chúng ta biểu thị cho Đồng minh và cho Thế giới, cho bạn bè và cho kẻ thù cái ý chí của tất cả đồng bào kiên quyết bảo vệ tới cùng quyền độc lập và nền dân chủ của chúng ta.

Mừng thắng lợi, nhưng đồng bào chớ say sưa vì thắng lợi.

Biểu thị ý chí độc lập, nhưng đồng bào chớ lầm tưởng rằng bấy nhiêu lực lượng phô trương ở đây là đủ.

Còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa.

Còn phải cần lao, trọng kỷ luật, kỷ luật nghiêm mật hơn nữa.

Bởi vì nước Việt Nam yêu quý của chúng ta đương gặp một tình cảnh nguy nan, không khéo lo, nước ta có thể bị tròng lại ách nô lệ.

Quốc dân! Hãy sẵn sàng chiến đấu!

Đồng bào! Hễ gặp dịp thì hiến thân cho nước!

Quét sạch những đồ phản quốc, quét sạch thực dân cường quyền!

Anh em chị em! Trong lúc phái bộ Đồng minh đến xứ ta, anh em chị em chớ để mất thanh danh một dân tộc đã từng sống vẻ vang.

Đứng lên!

Độc lập, tự do bắt đầu từ nay.

Tiến lên, vì độc lập, tự do.

Tiến tới mãi! Không một thành lũy nào ngăn cản nổi ý chí của muôn dân trên đường giải phóng".

Khoảng tháng 8-2009, ông Trần Văn Dõi khi còn khỏe mạnh xúc động kể lại rằng đây là bản viết tay mà ông đã phải bổ sung, chỉnh sửa nhiều lần vì không khí ngày lễ Độc lập ở Sài Gòn ngày ấy rất sôi động, khó ghi chép đầy đủ. 

Sau năm 1946, ông ra Hà Nội có chép thêm bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh, nhưng ông đã chép liền một mạch chỉ trong một buổi tối.

Bản hồi ký viết tay của ông Dõi cũng ghi lại tỉ mỉ ngày tháng hào hùng. Sau khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9-3-1945, ông đã tình nguyện tham gia lực lượng Thanh niên tiền phong, rồi dấn thân vào Cách mạng Tháng Tám với niềm vui "đất nước và mình không còn bị Tây cai trị".

Ngày 23-9-1945 bừng bừng khí thế Nam Bộ kháng chiến, ông Dõi cũng nhanh chóng dấn thân vào con đường tranh đấu bảo vệ Tổ quốc. 

"Nhiều năm rồi, tôi vẫn nhớ không khí quên mình cho đất nước ngày ấy hừng hực lắm. Làm sao thanh niên chúng tôi có thể đứng ngoài cuộc sinh tử của Tổ quốc" - ông kể thêm mình đã lập tức tham gia huấn luyện quân sự ở Trảng Bom, Đồng Nai. Khi Pháp đánh ra tới Biên Hòa, ông đã tình nguyện ở lại chiến đấu.

"Tiếng súng đã nghe khá rõ, trường huấn luyện chuẩn bị giải thể. Học viên một số chuẩn bị về địa phương, một số chuyển sang đi tổ chức các tổ du kích. Mình cùng anh Hùng Sơn và một số học viên theo nhiệm vụ 2, chuẩn bị chiến đấu... Buổi chiều đến ủy ban để gặp số thanh niên tổ chức đội du kích. Vũ khí ngoài dao, gậy gộc, không có gì!". 

Hồi ký ông Dõi kể thêm ngày 3-1-1945, ông rút về Tây Ninh và được giao nhiệm vụ ở ban tuyên truyền, nhưng tình nguyện đi chiến đấu. "Anh Mạnh giao cho mình phụ trách đội cảm tử có trên 100 người toàn trang bị dao găm, gậy gộc và ná...".

Vừa nhận nhiệm vụ một ngày thì ông rất mừng khi được nhận khẩu đại liên mới cướp được của lính Pháp sau trận đánh ở Trảng Bàng, nhưng súng đã hỏng hóc và không có đạn. Sau đó, ông được đổi khẩu đại liên này lấy khẩu trung liên FM và thấy "rất oai" dù súng đã rất cũ kỹ và ít đạn. Sau đó, ông lại tiếp tục lao vào trận đánh chặn quân Pháp ở Gò Dầu, Tây Ninh. 

Trận này may mắn không ai bị thương vong, nhưng trận đánh tiếp theo vào ngày 12-12-1945 ở Bến Cầu thì một đồng đội hy sinh ngay bên cạnh ông.

"Của bị trúng đạn vào cổ, giãy chết ngay bên cạnh mình. Mình bò qua lấy súng Của để bắn tiếp rồi hô anh em vừa bắn vừa rút". Ông Dõi kể vẫn nhớ mãi những chiến sĩ hy sinh thầm lặng như thế. "Anh em bộ đội hồi đó đa phần là dân làm đồn điền cao su, quê quán không ai biết, sổ sách không ghi chép, nên trường hợp hy sinh thế này là không sao ghi chép và báo cho ai được".

Hỡi các dân tộc trên thế giới đã chiến đấu cho nhân quyền và dân chủ, chống độc tài, phát xít! Dân tộc Việt Nam chúng tôi có quyền sống độc lập, tự do. Độc lập, tự do của chúng tôi không trái với độc lập, tự do của bất cứ một dân tộc nào khác.

TRẦN VĂN GIÀU (trích bài phát biểu tại Lễ mừng Độc lập 2-9-1945 ở Sài Gòn)
Ông Trần Văn Dõi và những trang nhật ký ghi lại ngày tháng hào hùng - Ảnh tư liệu: QUỐC MINH

Ông Trần Văn Dõi và những trang nhật ký ghi lại ngày tháng hào hùng - Ảnh tư liệu: QUỐC MINH

Non sông thống nhất và cuộc hội ngộ lịch sử

Cuối tháng 12-1945, lực lượng của ông Dõi hành quân về Đồng Tháp Mười để chuẩn bị chiến đấu lâu dài. Ở quê nhà Vĩnh Long, ông bà nội ông cứ tìm cách kêu ông về để cưới vợ, làm ăn và đã chọn cho ông một cô gái hàng xóm xinh xắn. Nhưng ông không trở về mà biên thư trả lời cô ấy: "Anh còn bận đi đánh giặc...".

Đầu tháng 10-1946, người thanh niên miền Nam được cử ra Bắc và tiếp tục cuộc kháng chiến. Trong hành trang có tờ giấy ghi hai câu thơ ông viết tay bằng mực đỏ: "Ra đi hai bàn tay trắng. Trở về một dải giang san". Lần đầu được ra đất Bắc trong tình hình kháng chiến đang rực lửa trên khắp cả nước, ông Dõi lại tiếp tục cầm súng chiến đấu và là một đại đội trưởng công binh tham gia từ đầu đến cuối chiến dịch Điện Biên Phủ...

Đất nước thống nhất, ông Dõi trở lại quê hương miền Nam và được gặp lại cha mình lúc bấy giờ đã là cựu tổng thống Việt Nam cộng hòa Trần Văn Hương. 

Hồi ký ông ghi ngày hội ngộ của cha con từng hai bên chiến tuyến: "Ba bây giờ đã già quá nhiều, ốm yếu bệnh tật. Ba rất xúc động và xem chừng cũng có ít nhiều mặc cảm. Mình ráng đừng để ông cụ phải nghĩ ngợi thêm". 

Không ghi chép chi tiết này, nhưng ông Dõi kể lại mình và cha đã ôm nhau khóc sau 29 năm xa cách. Giọt nước mắt như gột rửa nỗi niềm từng rất nặng nề của người cha là tổng thống chế độ Sài Gòn, con là sĩ quan cộng sản.

Trong hồi ký của mình, ông đã ghi chép nhiều về chiến đấu, về nhiệm vụ chính trị, nhưng phần ghi chép về cha mình chỉ có những tình cảm cha con. Việc đầu tiên hai cha con thực hiện là đi thăm mộ mẹ và ước gì mẹ còn sống để thấy cha con được sum vầy trên quê hương đã thôi cách trở, phân chia.

Nam Bộ kháng chiến năm ấy, cả biển người và rừng cờ hoa tràn về Sài GònNam Bộ kháng chiến năm ấy, cả biển người và rừng cờ hoa tràn về Sài Gòn

TTO - Đoàn người kéo xuống Phú Lâm, đến Chợ Lớn mới, theo đường xe lửa giữa (nay là đường Trần Hưng Đạo) ra Sài Gòn, hòa cùng biển người và rừng cờ hoa khắp Nam Bộ tề tựu về đây, chân đi rầm rập, miệng hát vang bài Lên đàng hùng tráng...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp