Thí sinh tranh thủ trao đổi bài trước giờ thi môn sử, kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 tại hội đồng thi Trường THPT Gia Định, cụm thi của Đại học Quốc gia TP.HCM - Ảnh: Như Hùng |
Sắp đến mùa thi, khi các nhà trường ráo riết tăng cường học thêm, học tăng tiết thì các bạn học sinh cuối cấp căng thẳng với ba môn thi bắt buộc để xét tốt nghiệp là toán, văn, tiếng Anh và một môn thi tự chọn.
Năm nào cũng vậy, trường tôi năm nay chỉ có một học sinh tự chọn môn sử.
Từ khi có kỳ thi hai trong một, ở trường tôi tỉ lệ học sinh chọn môn sử không đáng là bao, chỉ một vài em mà thôi. Đó cũng là tình trạng chung của các trường phổ thông trên khắp cả nước, nghĩ mà buồn. Điều này làm cho nhiều giáo viên dạy sử chạnh lòng, bản thân tôi cũng ngậm ngùi.
Tháng 11-2015, Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo, đưa ra đề xuất để môn lịch sử thành môn học tích hợp với các môn giáo dục công dân và an ninh - quốc phòng, thành môn mới là “công dân với tổ quốc”.
Ngay lập tức đề xuất này bị giới chuyên môn, xã hội, giáo viên và học sinh... phản đối quyết liệt, chỉ trích Bộ GD-ĐT gần như đang “khai tử môn sử” khi xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới theo kiểu tích hợp này. Thực tế, vị thế môn sử trong nhà trường ngày càng không được coi trọng và hầu hết học sinh chán học bộ môn này.
Thuở xưa, trong các triều đại phong kiến, người ta tuyển chọn hiền tài bằng các môn thi xã hội như thi văn - sử, tài ứng khẩu trong văn chương...
Thời đó, ai đi thi muốn đỗ đạt phải “dùi mài kinh sử”, “nấu sử sôi kinh”... mới có hi vọng lọt qua khe cửa hẹp của kỳ thi để thăng quan tiến chức.
Đó là đối với người xưa, còn xã hội bây giờ, tuyển chọn hiền tài với văn - sử không còn hợp nữa mà thêm vào đó là nhiều môn học khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.
Xu hướng chung của học sinh là tập trung đầu tư những môn học tự nhiên hơn là xã hội. Học sinh chỉ thích học ban A, B để thi đại học, với nhiều sự lựa chọn nghề nghiệp sau này dễ xin việc.
Còn môn sử thuộc khối C, ít sự lựa chọn, ít ngành học, cơ hội việc làm vì thế cũng ít, nên hầu như các bạn trẻ không mặn mà môn sử, nhiều cô cậu học trò còn không thèm học môn sử, học chỉ để đối phó.
Khi tôi hỏi lý do vì sao không chọn môn sử để thi thì các em bảo là do kiến thức nhiều, học không nhớ nổi và không có thời gian để học bài môn sử vì bận học tăng tiết, học thêm những môn quan trọng khác.
Tôi còn nhớ ba năm trước, cũng vào dịp ôn thi tốt nghiệp như thế này, khi biết Bộ GD-ĐT công bố môn thi tốt nghiệp không có môn sử, ở một trường THPT trên địa bàn TP.HCM học sinh đồng loạt xé tài liệu ôn tập môn sử rồi tung lên trắng trời, trắng cả sân trường...
Năm học 2013-2014, có trường ở Hà Nội, cả hội đồng coi thi chỉ có duy nhất được một thí sinh dự thi môn sử. Mấy năm trở lại đây, khi Bộ GD-ĐT đổi mới phương thức thi tuyển để xét tốt nghiệp, tuyển sinh vào ĐH-CĐ thì môn sử lọt tốp có số lượng học sinh đăng ký dự thi tự chọn ít nhất, và hầu hết trường nào cũng phổ biến như vậy.
Vấn đề này là một câu chuyện dài kỳ, nguyên nhân có cả khách quan lẫn chủ quan và từ nhiều phía. Từ nội dung sách giáo khoa cho đến phương pháp dạy học; rồi thị hiếu của học sinh, phụ huynh chạy theo học các môn ban A để thi vào những ngành thời thượng, đảm bảo tương lai cho đầu ra.
Lời cuối, tôi tha thiết kêu gọi các bạn học sinh và người lớn chúng ta đừng quay lưng với môn học này. Có tìm hiểu lịch sử thì mới thấy hết cái hay, cái đẹp và giá trị lớn lao của môn học này.
Chúng ta đừng để giá trị vật chất của xã hội hiện đại làm mai một và lãng quên cả bề dày 4.000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc mình. Hãy yêu và trân quý nền lịch sử của nước nhà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận