Những viên tròn có đường kính khoảng 2,5cm cùng công thức hóa học bí mật sẽ là nguyên liệu để tạo nên mưa sao băng - Ảnh: ALE
Nếu thành công, công nghệ làm mưa sao băng có thể sẽ được sử dụng tại lễ khai mạc Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020.
Công thức bí mật
Theo báo Japan Times, nhóm nghiên cứu dựa trên nguyên lý hoạt động của mưa sao băng tự nhiên - các hạt bụi có kích thước vài milimet đi vào bầu khí quyển của Trái Đất và bị đốt cháy - để phát triển hai vệ tinh đưa các hạt làm sao băng vào không gian.
Một khi tiến đến vị trí ổn định trên quỹ đạo Trái Đất, vệ tinh có nhiệm vụ bắn ra những hạt đặc biệt có vận tốc 8km/s trước khi rơi vào bầu khí quyển. Mỗi ngôi sao sẽ tỏa sáng trong vài giây, tạo ra những vệt sáng cho người xem dưới mặt đất sau đó sẽ bị đốt cháy hoàn toàn.
Các hạt sao băng là những viên kim loại với công thức hóa học được đảm bảo bí mật tuyệt đối. Nhà sản xuất chỉ tiết lộ chúng có thể cháy với các ngọn lửa màu khác nhau như cam, lục, lam khi rơi vào khí quyển Trái Đất.
Mỗi vệ tinh có thể mang 400 quả cầu nhỏ có chứa một số chất hóa học để thúc đẩy quá trình đốt cháy. Số lượng quả cầu này có thể đủ dùng cho khoảng 20-30 sự kiện.
Mô phỏng hoạt động tạo mưa sao băng của công ty ALE - Nguồn: ALE
Theo kế hoạch, vệ tinh đầu tiên sẽ được phóng bằng tên lửa của Cơ quan vũ trụ quốc gia Nhật Bản vào tháng 3-2019, sau đó vài tháng tên lửa thứ 2 sẽ vào không gian nhờ một tên lửa tư nhân.
Dự kiến cơn mưa sao băng đầu tiên sẽ diễn ra vào mùa xuân năm 2020 tại thành phố Hiroshima, Nhật Bản.
Nếu thành công, công nghệ làm mưa sao băng có thể sẽ được sử dụng tại lễ khai mạc Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020.
Hơn 8.000 USD cho 1 vệt sáng?
Nếu thành công, những cơn mưa sao băng nhân tạo dự kiến sẽ góp mặt tại lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020 - Ảnh: GETTY IMAGES
"Ngày nay, mọi người thường thường chỉ cúi mặt xem điện thoại thông minh, do đó tôi muốn làm một thứ giúp họ có thể ngẩng đầu lên", Lena Okajima - nhà sáng lập đồng thời cũng là giám đốc điều hành của ALE chia sẻ.
Phát biểu này hoàn toàn khả thi bởi công ty cho biết nếu trời trong, mưa sao băng nhân tạo có thể được nhìn thấy trong một khu vực rộng 200km.
Lena cho biết ý tưởng 'thay trời' làm mưa sao băng đến trong một lần cô chiêm ngưỡng mưa sao băng vào năm 2001 khi còn là sinh viên chuyên ngành Thiên văn học tại ĐH Tokyo.
Đến năm 2015, nhóm nghiên cứu gồm 5 người bắt đầu công bố chi tiết dự án 'không tưởng' này.
Hiện nay, mức giá cho một cơn mưa sao băng nhân tạo chưa được tiết lộ nhưng công ty cho biết đã chi khoảng 20 triệu USD để phát triển, sản xuất, khởi động và đưa hai vệ tinh đi vào hoạt động.
Một số tờ báo dự đoán chi phí cho mỗi ngôi sao băng bay trên bầu trời sẽ không dưới 8.000 USD, chưa kể chi phí đưa vệ tinh vào không gian.
"Công ty tôi không bán các ngôi sao. Tôi chỉ muốn nhờ chúng tạo ra những sự kiện đẹp trên Trái Đất", Lena nói. Cô cũng cho biết ALE sẽ hướng đến khách hàng tiềm năng là những công ty giải trí, các đơn vị tổ chức sự kiện, nhất là những lễ hội tầm cỡ châu lục hay quốc tế.
Cũng theo Lena, ngoài giá trị giải trí, dự án của cô còn có thể giúp các nhà khoa học hiểu thêm về sao băng ngoài những thông tin đã biết như tốc độ và cấu tạo vật chất.
"Dữ liệu thu thập được thông qua dự án này có thể giúp dự đoán đường đi của những vệ tinh và vật thể nhân tạo khi vào khí quyển Trái Đất", Lena nói.
Kỳ tới: Mưa sao băng nhân tạo và tranh cãi môi trường
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận