25/04/2019 11:37 GMT+7

Mua sắm online của người Việt đang phát triển "thần tốc"

N.BÌNH
N.BÌNH

TTO - Theo tính toán của cơ quan quản lý Việt Nam, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam sẽ đạt khoảng hơn 20%, tuy nhiên, con số này trên thực tế đang ở mức trên 30% và có thể đạt đến mức hơn 40% trong các năm tới.

Mua sắm online của người Việt đang phát triển thần tốc - Ảnh 1.

Người Việt Nam vẫn đang tiếp cận thương mại điện tử ngày càng nhiều. Trong ảnh: người mua hàng online nhận sản phẩm qua dịch vụ giao nhận - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đến nay, một phần ba dân số, tức 30 triệu người Việt Nam đã tham gia mua hàng trên mạng, riêng trong năm 2018 ước tính chi tiêu của mỗi cá nhân cho thương mại điện tử 208 USD, góp phần đưa miếng bánh thị trường này lên xấp xỉ 8 tỉ USD.

Ngày 25-4, tại hội thảo Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử được tổ chức ở TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Tuấn, đại diện Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công thương cho biết tăng trưởng của lĩnh vực kinh doanh mới này đã đạt mức 25-30%, có thể nói Việt Nam đang trong giai đoạn bùng nổ kinh doanh trực tuyến.

Theo thống kê của Google và Temasek, tính đến năm 2018 Việt Nam có 64 triệu người kết nối internet, chiếm 66% dân số, trung bình mỗi người Việt Nam đang sở hữu 1,4 thiết bị kết nối internet. Số liệu thống kê cũng cho thấy trong số này, có đến 62 triệu người Việt sử dụng internet có mạng xã hội.

"Nếu thống kê trong lĩnh vực chuyển phát cho thương mại điện tử, con số tăng trưởng còn cao hơn. Theo Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, 2018-2020, tốc độ tăng trưởng của chuyển phát cho thương mại điện tử là 60%, những doanh nghiệp có tốc độ phát triển thấp nhất là 30% và những đơn vị cao hơn có thể đạt 70%. Mức tăng trưởng này đều cao hơn với kỳ vọng của các nhà quản lý khi soạn thảo chính sách", ông Hữu Tuấn nói. 

Tuy phát triển nhanh và bùng nổ, nhưng hiện tượng lợi dụng hình thức kinh doanh trực tuyến để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt cho người tiêu dùng cũng xảy ra ngày càng phổ biến. 

Trong đó người dùng thường bị rơi vào trường hợp cung cấp thông tin về sản phẩm không đầy đủ, không chính xác về thành phần, không thực hiện trách nhiệm cung cấp hoá đơn, chứng từ giao dịch, vi phạm trách nhiệm về bảo hành, giao, nhận, đổi, trả hàng hoá, giao hàng hỏng nhưng không thu hồi lại, huỷ đơn hàng không có lý do.

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Cục trưởng Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, cho biết từ 2016 đến 2018, Cục đã nhận rất được nhiều đơn khiếu nại của người tiêu dùng, số đơn phản ánh chính thức ghi nhận 150 đơn, nhưng nếu tính cả những thông tin phản ánh qua tổng đài nhờ hỏi đáp, tư vấn, thắc mắc liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng thì con số khiếu nại còn nhiều hơn.

Ngoài chất lượng dịch vụ, vấn nạn lớn nhất của thương mại điện tử Việt Nam hiện nay là hàng gian, hàng giả. Trong năm 2018, ước tính đã có 36.000 sản phẩm được gỡ bỏ ra khỏi các sàn thương mại điện tử, khoảng 3.100 gian hàng trên sàn bị khoá. Đây mới chỉ là con số thống kê được trên vài sàn lớn, nếu mở rộng ra nhiều hơn thì con số này sẽ còn cao hơn nữa.

"Hiện nay dù phát triển nhanh, nhưng Việt Nam cũng chỉ mới trong giai đoạn đầu buổi sơ khai của thị trường thương mại điện tử, người tiêu dùng vẫn còn mơ hồ trong các giao dịch, do đó, giảm thiểu các tranh chấp giữa người mua và sàn thương mại điện tử cần sự chủ động, nhận thức của doanh nghiệp và cả năng lực chuyên môn của cán bộ thực thi", ông Nhật Tân nhấn mạnh.

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp