31/08/2014 11:37 GMT+7

Mua sắm dịp lễ: Thỏa sức đi, thi sức... ngắm

MAI HƯƠNG - VŨ THỦY
MAI HƯƠNG - VŨ THỦY

TT - Tại các trung tâm thương mại lớn ở TP.HCM vào những ngày nghỉ lễ Quốc khánh năm nay, mục đích “mua, sắm” của phần đông người Sài Gòn đã chuyển thành “đi, ngắm” là chủ yếu.

Giảm giá đáng kể tại hội chợ khuyến mãi năm 2014, tổ chức ở nhà thi đấu Phú Thọ (TP.HCM) - Ảnh: Hữu Khoa

Nhiều cửa hàng tại một trung tâm thương mại lớn đưa ra chương trình giảm giá nhưng vẫn vắng bóng người mua - Ảnh: Hữu Khoa

Từ khi cụm từ “khủng hoảng kinh tế” bắt đầu trở nên quen thuộc trên các phương tiện truyền thông, những kỳ nghỉ lễ dài hay ngắn đã không còn là dịp mua sắm nhộn nhịp tưng bừng theo tinh thần của câu slogan vốn quen thuộc ngày nào: “Thỏa sức mua, đua sức sắm”...

Chỗ nào chịu cho... sờ mới đông khách

Tối 29-8, buổi tối đầu tiên của kỳ nghỉ lễ, thương xá Tax (Q.1) tấp nập người. Đồng loạt các quầy hàng phân phối các thương hiệu thời trang nổi tiếng đều trưng biển giảm giá từ 20-70%.

Vô số cặp đôi dập dìu qua lại, nhiều gia đình 5-7 người kéo nhau đi rôm rả nhưng chẳng mấy ai tay xách nách mang. Hóa ra, rất đông người tới đây chỉ để tham gia phong trào “window shopping” (tạm dịch: mua sắm bằng mắt).

Sức thu hút khách không nằm ở kích thước biển giảm giá và tỉ lệ giảm giá khủng mà nằm ở độ... dễ dãi của nhân viên bán hàng. Quầy nào nhân viên dễ, chịu để cho khách sờ mó hàng hóa thoải mái thì quầy đó mới đông!

Hầu hết cửa hàng kính mắt, đồng hồ Thụy Sĩ... trưng bảng giảm giá 30-50% mà vắng như chùa bà đanh. Quầy bán đồng hồ Tissot giảm giá 30% cho rất nhiều mặt hàng, mới trông qua cứ tưởng quầy bỏ không, nhìn thật kỹ mới thấy một nhân viên ngồi lặng lẽ trong góc lướt điện thoại.

Cách đó không xa, anh Đặng Ngọc Viên - trưởng phòng marketing một công ty tư vấn du học Hàn Quốc - hộ tống chị gái và một nhóm nhân viên nữ trong công ty đến trung tâm mua sắm la cà.

Các cô gái tíu tít sà vào quầy hàng kính mắt trưng biển giảm giá 50% của nhiều thương hiệu thử đeo vài kiểu rồi rút điện thoại ra chụp hình... tự sướng. Chụp đã đời, các cô trả lại mắt kính rồi... bỏ đi.

“Trong này ghi giảm giá nhiều nhưng tụi em đâu biết giá thiệt là bao nhiêu. Có khi họ đôn giá cao rồi ghi giảm giá hổng chừng. Đi chơi chung cho vui, gặp gì thích mà rẻ mới mua chị ơi” - một cô gái trong nhóm nói.

Các shop đồ lót bán hàng của Minoshe, Triumph, Vera... cũng chung số phận, thậm chí phá lệ đến mức cho mặc thử nhưng khách thử xong cũng vẫn lắc đầu bỏ đi.

Tại một quầy bán đồ thời trang dành cho giới trẻ, hàng chữ giảm giá 50-70% in lớn dán khắp các cột trong cửa hàng.

Giày dép của Dr Martens, Kappa, Supergas, Converse... bày la liệt, các nhóm bạn trẻ và cả những cô cậu học trò được mẹ dắt đi chen chân vào lựa, nâng lên đặt xuống, mang thử vào chân, đi đi lại lại, soi gương ngắm nghía.

Một cậu bé chừng 16 tuổi cầm cái áo khoác Adidas giảm giá 50% đưa cho mẹ xem thì bà lắc đầu kéo đi. Cô Hạnh - mẹ cậu bé - bảo: “Thấy ghi giảm giá lớn ghé vô xem giá mà vẫn còn tiếc tiền. Còn phải để dành tiền lo học thêm nọ kia cho con nữa”. Người vào đông nghịt nhưng chẳng mấy ai đem đồ ra tính tiền.

20g, đang giờ đông khách thì bỗng nhiên ba cô thu ngân lục tục chạy lên lầu trên, vừa chạy vừa gọi với xuống dặn cô nhân viên duy nhất còn lại trông hàng để họ tranh thủ đi... mua áo khuyến mãi của quầy khác!

Nhân viên: nặn mụn, hát karaoke, chơi Facebook

Hơn 11g ngày 30-8 mà nhiều gian hàng ở trung tâm mua sắm Parkson (đường Lê Thánh Tôn, Q.1) vẫn chưa có khách mở hàng.

Một mình quanh quẩn giữa các tủ kính trưng nữ trang của thương hiệu Agatha, hết phủi bụi rồi đến lau kính cũng chưa thấy khách ghé qua, Phương - nhân viên bán hàng - tranh thủ ngồi... nặn mụn. Mãi đến khi chúng tôi ghé vào hỏi xem một dây chuyền bạc, cô mới lật đật chạy tới chạy lui đi kiếm chìa khóa tủ.

Với nhiều nhân viên bán hàng ở đây, chuyện ngồi không vào buổi sáng đã thành chuyện bình thường. Huyền, nhân viên bán quần áo cho một thương hiệu của Pháp, tâm sự: “Bán ngày lễ thì tụi em được thêm tiền thưởng bằng một ngày công thôi, nhưng lễ cũng vắng khách lắm. Lễ đông vui ở đâu không biết chứ trong này cũng như ngày thường. Người xem cũng vắng nói gì người mua”.

Đầu giờ chiều, nhiều gian hàng ở Parkson, Vincom chỉ thấy hàng mà không thấy người. Khách ghé vào ngắm nghía, đi mấy vòng, nhân viên cũng chưa chịu xuất hiện.

Chỉ khi có ai cầm hàng lên, dáo dác ngó quanh ngụ ý muốn tìm hiểu thì từ một góc nào đó, lập tức sẽ có người chạy ra. Kinh nghiệm từ những ngày ế khách đã trang bị cho nhân viên bán hàng nhiều cách để đối phó với khách window shopping.

Ở quầy bán quần áo, giày dép thời trang trong thương xá Tax có khoảng 15 nhân viên nhưng chỉ có bảo vệ tất bật coi chừng khách thử hàng, bốn nhân viên ngồi quầy thu ngân lại rất nhàn nhã, người mân mê điện thoại, người lại ngồi tỉ mẩn xỏ những dây nhựa thành hình trái tim để treo vào khóa dây kéo túi xách, balô.

Tại Aeon Mall (Q.Tân Phú), ở một dãy cửa hàng bán giày dép, túi xách của thương hiệu Crocodile, Marie Claire..., bốn nhân viên mặc đồng phục khác nhau (bán hàng cho những quầy khác nhau) túm tụm vào một chỗ cùng lướt Facebook rồi “tám” chuyện rôm rả.

Vân, một cô trong nhóm, bảo hồi mới khai trương trung tâm đông khách lắm, giờ vắng hơn nhiều. Chỉ có buổi tối còn bán được chút đỉnh chứ buổi sáng hầu như chẳng có khách mua dù là ngày nghỉ lễ.

“Làm ở đây nhàn lắm nên lương thấp, em phải đi làm thêm ở ngoài mới đủ sống chị ơi. Đi làm ngày lễ thì được trả lương gấp hai nên cũng ráng” - Vân kể.

Nhiều trung tâm điện máy cũng đăng bảng “bán hết giá” trong dịp lễ 2-9 nhưng không thu hút được nhiều khách hàng. Ở trung tâm điện máy Phan Khang (Q.Tân Bình), các sản phẩm máy ảnh, tivi, tủ lạnh, máy giặt đều được giảm giá từ 10-50% nhưng khắp ba tầng rộng lớn của trung tâm chỉ lèo tèo vài khách đến xem.

Nhân viên quầy karaoke thoải mái ngồi hát khoe giọng, còn ở góc bán dụng cụ, máy matxa khách lên xuống cầu thang đều được mời mọc “anh chị vào matxa nghỉ ngơi một chút”. Một nhân viên cho biết trên tivi phát quảng cáo chỉ khuyến mãi dịp lễ nhưng có nhiều mặt hàng khuyến mãi lâu hơn, nhất là những mẫu đã ngưng sản xuất.

Một nguyên nhân khiến khuyến mãi dịp lễ năm nay tại các trung tâm mua sắm không còn sức hút với khách hàng là vì các nhãn hàng không chỉ giảm giá mấy ngày lễ mà chương trình giảm giá đa số còn kéo dài đến hết tháng 9-2014, thậm chí lâu hơn.

Giảm giá ảo không còn hút khách

Tại trung tâm mua sắm Now Zone (Q.5), quảng cáo về chương trình “siêu giảm giá” ở tầng 4 được dán khắp nơi nhưng các gian hàng giảm giá không ai ghé vào.

Xem kỹ thì thấy hàng giảm giá đa số là hàng không có thương hiệu, hàng Trung Quốc có mẫu mã và chất lượng không nổi trội nhưng giá không hề rẻ.

Giá niêm yết là giá bán và nhân viên cho biết đó là giá đã giảm rồi nhưng không giải thích giảm bao nhiêu, giá gốc bao nhiêu.

Tại các tầng khác, quần áo đồng giá 500.000 đồng, 249.000 đồng được treo rất nhiều nhưng ít người hỏi mua.

Chị Dương Ngọc Hân, nhà ở Q.5, nhận xét: “Đồ nhìn cũ, lỗi thời quá. Với chất lượng cỡ đó, ra Co.op Mart mua rẻ hơn nhiều”.

Chỉ một số ít nhãn hàng có thương hiệu nổi tiếng và giảm giá sâu thật sự mới có khách mua như giày Geox (giảm giá từ 30-50% cho giày da thật, kể cả các mẫu hàng mới về), túi xách Nine West (giảm 50% cho bộ sưu tập xuân hè, 10% cho bộ sưu tập mới nhất).

Ngoài ra, những siêu thị bán lẻ thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt và những quầy thời trang bình dân cũng bán được hàng. Vợ chồng chị Linh (Q.Bình Tân) với cô con gái 3 tuổi lang thang trong Aeon Mall hơn một giờ.

Chị bảo: “Qua mấy shop thời trang lớn thấy đồ giảm giá cũng chỉ vào coi thôi chứ mua hàng hiệu tiếc tiền lắm”.

Chị vào cửa hàng Đan Châu lựa được cái áo ren ưng ý giá gần 300.000 đồng.

 

MAI HƯƠNG - VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp