08/10/2018 15:43 GMT+7

Múa rối bao giờ trở lại “quê nhà”?

THIÊN ĐIỂU - LINH ĐOAN
THIÊN ĐIỂU - LINH ĐOAN

TTO - Liên hoan múa rối quốc tế lần 5 - Hà Nội 2018 sẽ được bắt đầu từ tối nay, 8-10, tại Trung tâm biểu diễn nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội), kéo dài trong 1 tuần.

Múa rối bao giờ trở lại “quê nhà”? - Ảnh 1.

Khán giả Việt chỉ xem múa rối dịp Trung thu, ngày 1-6... Trong ảnh: xem biểu diễn múa rối nước tại Hoàng thành Thăng Long - Ảnh: T.ĐIỂU

Trước đó, Liên hoan Việt Nam vừa kết thúc hồi tháng 8 tại TP.HCM.

Hai năm vừa qua, trên cả nước có hàng chục sân khấu múa rối được mở ra phục vụ khán giả. Nhưng bất kể những thông tin cho thấy sự phát triển rầm rộ của múa rối Việt, một sự thật đáng buồn vừa được Hãng thông tấn AFP phản ánh: "Múa rối nước có vẻ bị lãng quên ngay tại quê nhà".

Múa rối phục vụ nhân dân

có 7 đơn vị quốc tế: Campuchia, Lào, Philippines, Thái Lan, Wallonie Bruxelles (Bỉ), Pháp, Brazil và 4 đơn vị nghệ thuật múa rối chuyên nghiệp của nước chủ nhà Việt Nam: Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát múa rối Thăng Long - Hà Nội, Đoàn nghệ thuật múa rối Hải Phòng, Đoàn nghệ thuật múa rối TP.HCM.

Một số tiết mục, chương trình đặc sắc của các nước tham dự sẽ được chọn để biểu diễn phục vụ nhân dân tại tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Ninh Bình.

Nghệ sĩ Đỗ Kỷ, thành viên ban tổ chức Liên hoan múa rối quốc tế lần 5 - Hà Nội 2018, cho biết đây không phải là lần đầu tiên liên hoan đưa các tiết mục đặc sắc biểu diễn phục vụ nhân dân tại các tỉnh thành, tuy nhiên lần liên hoan này ban tổ chức mong muốn đưa múa rối tới gần hơn với người dân nên tổ chức "rầm rộ hơn".

Về nỗ lực mang múa rối tới gần hơn với công chúng, ông Trần Hướng Dương - phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL), trưởng ban tổ chức Liên hoan múa rối quốc tế lần 5 - cho hay dù kỹ thuật múa rối Việt Nam được thừa nhận đã đạt đỉnh cao, liên tục đoạt được nhiều huy chương trong nước và quốc tế những năm gần đây, và hiện bán vé rất tốt cho khách du lịch nhưng lại chưa hấp dẫn với chính công chúng trong nước.

Do đó, ban tổ chức Liên hoan múa rối quốc tế năm nay đặc biệt chú trọng tới hoạt động mang các tiết mục dự thi đặc sắc để biểu diễn phục vụ nhân dân tại Vĩnh Phúc và Ninh Bình.

"Sống khỏe" nhờ du khách

2018 là năm đánh dấu Nhà hát múa rối Thăng Long tròn 5 năm giữ vững kỷ lục nhà hát duy nhất tại châu Á biểu diễn 365 ngày trong năm.

Nhận kỷ lục này năm 2013, nhà hát có lẽ sẽ tiếp tục giữ kỷ lục trong các năm kế tiếp. Mỗi ngày tổ chức từ 4-7 suất diễn cho khán phòng gần 300 chỗ, các suất diễn của nhà hát đều hầu như kín chỗ. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2018, nhà hát này đã đạt doanh thu 10 tỉ đồng.

Trong nhiều năm, Nhà hát múa rối Thăng Long luôn là niềm tự hào của Hà Nội khi doanh thu bán vé của nhà hát này thậm chí gấp nhiều lần của nhiều nhà hát còn lại thuộc Hà Nội cộng lại.

Cũng ở Hà Nội, Nhà hát Múa rối Việt Nam tuy ít rầm rộ hơn bởi không có vị trí "vàng" như Nhà hát Thăng Long nhưng doanh thu của nhà hát này rất lớn.

Bên cạnh hai nhà hát nói trên, Hà Nội còn một số địa điểm khác có phục vụ nghệ thuật rối nước thường xuyên cho du khách nước ngoài như Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Trung tâm rối nước Bông Sen của Nhà hát Nghệ thuật đương đại (trước đây là Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ Việt Nam).

Nghệ thuật múa rối nước cũng được phát triển ở một số địa phương thu hút khách du lịch như Quảng Ninh (khu du lịch Bãi Cháy và khu du lịch làng quê Yên Đức, Đông Triều), Hải Dương (phường rối Hồng Phong, Ninh Giang, Hải Dương)...

Các nhà hát, trung tâm, phường rối này hiện đều "sống khỏe" nhờ bán vé cho du khách, hầu hết là du khách nước ngoài.

Bên ngoài yêu thích, quê nhà lãng quên

Nhiều nghệ sĩ than phiền rằng với người Việt, "múa rối chỉ là trò dụ trẻ con". Nhưng khi câu chuyện này được Hãng AFP phản ánh trên một bài viết vào tháng 6-2018 càng khiến các nghệ sĩ chạnh lòng.

Bài báo có tên "Du khách giữ cho nghệ thuật rối nước Việt Nam phát triển" của AFP nhận định người Việt, đặc biệt là giới trẻ, đều "thích các loại hình giải trí điện tử hơn"; và trong khi chính du khách đang nuôi múa rối, giữ cho múa rối tiếp tục phát triển thì "rối nước có vẻ bị lãng quên tại quê nhà".

Thừa nhận thực tế đáng suy nghĩ nói trên, NSND Nguyễn Tiến Dũng - phó giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam - tự an ủi rằng: "Không riêng rối nước mà khán giả trẻ hiện nay cũng thiếu mặn mà với các loại hình nghệ thuật truyền thống khác. Đó là xu hướng chung của xã hội".

Ông cho rằng việc khán giả Việt thờ ơ là dễ hiểu bởi múa rối chỉ quanh quẩn mấy kịch bản cũ, các màn biểu diễn không thay đổi. Ông cho biết hiện nay các đơn vị tập trung diễn 16 vở chèo cổ.

"Người nước ngoài đến xem một, hai lần thì thấy thú vị. Thế nhưng, với khán giả Việt Nam, chúng ta không thể bắt họ xem đi xem lại những vở rối cũ như vậy" - ông Dũng nói.

Mấy năm nay, các nhà hát múa rối đã nỗ lực đầu tư cho các kịch bản mới, nhưng những nỗ lực này hầu như không mang lại kết quả.

Theo kế hoạch, từ tháng 6-2018, Nhà hát múa rối Thăng Long sẽ mở các buổi diễn định kỳ cho thiếu nhi vào sáng thứ bảy và chủ nhật hằng tuần để tăng tỉ lệ khách Việt cho nhà hát, tuy nhiên đến nay kế hoạch này vẫn không thực hiện được.

Đại diện nhà hát này cho biết ngoài những buổi diễn cho thiếu nhi dịp 1-6 và Trung thu thì nhà hát vẫn hầu như "trắng" khán giả Việt.

Mở cửa miễn phí cho người xem

Các tiết mục dự thi của Liên hoan múa rối quốc tế lần 5 - Hà Nội 2018 sẽ diễn ra tại:

- Trung tâm biểu diễn nghệ thuật Âu Cơ (đoàn Pháp và Đoàn nghệ thuật múa rối TP.HCM thi tối 8-10, đoàn Vương quốc Campuchia và Vương quốc Thái Lan thi vào 20h ngày 9-10, Cộng hòa Philippines và đoàn rối của Brazil thi vào 20h ngày 10-10, đoàn CHDCND Lào và Vương quốc Bỉ vào 20h ngày 11-10, Đoàn nghệ thuật múa rối Hải Phòng thi vào 20h ngày 14-10);

- Nhà hát múa rối Thăng Long (đoàn Nhà hát múa Rối Thăng Long thi vào 9h ngày 9-10);

- Nhà hát Múa rối Việt Nam (đoàn Nhà hát Múa Rối Việt Nam thi vào 20h ngày 12-10);

- Nhà thi đấu thể thao khu Văn Công Mai Dịch (Đoàn nghệ thuật múa rối TP.HCM thi vào 20h ngày 13-10).

Tất cả buổi diễn đều miễn phí cho người xem.

Tích cực tìm kiếm khán giả

Hiện hoạt động biểu diễn múa rối ở TP.HCM mạnh nhất vẫn là múa rối nước. Trong đó, điểm diễn được nhiều người biết đến là Nhà hát múa rối nước Rồng Vàng (thuộc Công ty sân khấu nghệ thuật Thái Dương và Công ty một thành viên Nhà hát Trẻ) tại Cung văn hóa Lao động TP.HCM.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, giám đốc công ty, cho biết mỗi ngày nhà hát diễn 2-3 suất (400-500 khán giả/suất). Lượng khách rất ổn định nhờ có sự phối hợp với các công ty du lịch.

Trong khi đó, đoàn rối của Nhà hát nghệ thuật Phương Nam cũng hoạt động ổn định với 4 suất/ngày (trừ thứ hai) tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM. Mỗi suất trên dưới 100 ghế chủ yếu là khách đi tour, khách tàu biển...

Rối nước khá yên tâm, trong khi biểu diễn rối cạn khá lao đao.

Ông Nguyễn Đức Thế, giám đốc Nhà hát Phương Nam, cho biết: "Từ khi mất rạp Măng Non, rối cạn gần như không có điểm diễn, chúng tôi chủ yếu đi diễn phục vụ vào các mùa cao điểm như hè, khai giảng năm học, Trung thu, lễ tết.

Trước đây nhà hát cũng đã thuê sân khấu Nhà thiếu nhi TP và Nhà hát Trần Hữu Trang nhưng không bù lỗ nổi nên phải buông. Sắp tới, sau khi rạp bạt Gia Định được sửa lại, chúng tôi cố gắng sắp xếp 2 suất diễn định kỳ sáng thứ bảy, chủ nhật hằng tuần để diễn rối cạn".

Trước thực trạng khó khăn trong việc tìm kiếm khán giả, ông Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ người tổ chức biểu diễn phải tích cực đi giới thiệu, chào hàng: "Nhà hát múa rối Nụ Cười của chúng tôi nỗ lực lắm mỗi năm mới có được khoảng 400 suất diễn"...

Ba lần đóng cửa Nhà hát múa rối Cố đô Huế

TTO - Là một điểm đến níu chân khách du lịch về đêm hiệu quả và đang ăn nên làm ra, bỗng dưng Nhà hát Múa rối cố đô Huế phải đóng cửa vì bị thu hồi mặt bằng.

THIÊN ĐIỂU - LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp