Theo nghị định 70/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của pháp lệnh ngoại hối và pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều pháp lệnh ngoại hối, công dân Việt Nam chỉ được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài cho các mục đích: học tập, chữa bệnh ở nước ngoài, đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài, trả các loại phí, lệ phí ở nước ngoài... và chuyển tiền một chiều cho các nhu cầu hợp pháp khác.
Khó chuyển theo đường chính thức
Còn về đầu tư ra nước ngoài, ông Nguyễn Hoàng Minh - phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) TP.HCM - cho biết theo quy định tại thông tư 12/2016 hướng dẫn về quản lý ngoại hối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài, cá nhân và tổ chức muốn chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài cần phải có giấy phép đầu tư ra nước ngoài của Bộ Kế hoạch - đầu tư (KH-ĐT), sau đó NHNN sẽ xác nhận tiến độ chuyển tiền ra nước ngoài và ngân hàng thương mại căn cứ theo đó thực hiện.
Chỉ qua con đường này thì cá nhân mới có thể chuyển tiền ra nước ngoài đầu tư bằng kênh chính thức là ngân hàng.
Lãnh đạo NHNN TP.HCM cũng nhấn mạnh theo quy định như trên, cá nhân, tổ chức phải được Bộ KH-ĐT cấp phép thì NHNN mới xác nhận tiến độ chuyển tiền. Nhưng hiện nay chưa có quy định cụ thể về chuyển tiền để đầu tư theo diện EB-5 hay đầu tư để có quốc tịch tại một số quốc gia như Malta, đảo Cyprus...
Điều đó có nghĩa là chưa có trường hợp nào được cấp phép chính thức để chuyển tiền theo diện trên. Cũng theo NHNN, ngay cả đầu tư gián tiếp cá nhân cũng không thể chuyển tiền trực tiếp mà phải ủy thác thông qua một quỹ đầu tư.
Liên quan đến quy định hiện nay là "có giấy phép đầu tư ra nước ngoài của Bộ KH-ĐT", quy định này tưởng chừng đơn giản nhưng theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ rất khó thực hiện vì thủ tục nhiêu khê.
Cụ thể, hồ sơ xin giấy phép đầu tư ra nước ngoài nộp lên Bộ KH-ĐT, cơ quan này yêu cầu phải có xác minh của tham tán lãnh sự ở nơi có dự án của nhà đầu tư. Khi tham tán lãnh sự của VN kiểm tra xong sẽ còn nhiều khâu khác như hợp thức hóa giấy tờ lãnh sự, đóng dấu, sau đó mới được công chứng và dịch.
Toàn bộ quy trình có khi mất nửa năm, trong khi dự án chỉ chờ nhà đầu tư vài tháng. Do vậy, cá nhân rất khó đeo đuổi hết các thủ tục này để có thể chuyển tiền theo kênh chính thức.
Nhiều đường chuyển ngoại tệ chui
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, do quy định chặt chẽ như trên nên hầu hết người có nhu cầu chuyển tiền để mua quốc tịch nước ngoài đều theo con đường chuyển chui, vẫn qua kênh ngân hàng nhưng "núp bóng" dưới nhiều dạng khác nhau.
Giám đốc một công ty tư vấn du học, định cư có trụ sở tại TP.HCM cho biết một kênh phổ biến dưới danh nghĩa thanh toán tiền xuất nhập khẩu hàng hóa, tức vẫn chuyển qua ngân hàng. Sau khi chuyển sang nước ngoài, khoản này sẽ được tách ra để mua quốc tịch, định cư, đầu tư bất động sản...
Có trường hợp lách dưới dạng tặng cho như cá nhân A có nhu cầu chuyển tiền sẽ làm hợp đồng công chứng để cho, tặng cá nhân B (thường là Việt kiều, có tài khoản ở nước ngoài và có mở tài khoản tại một số ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam), sau đó cá nhân B nhận khoản tiền tặng cho này nộp vào tài khoản và chuyển số tiền này qua tài khoản tại nước ngoài.
Qua đến nước ngoài cá nhân này lại rút ra và làm hợp đồng cho tặng lại. Bằng cách này khoản tiền được chuyển trót lọt qua kênh ngân hàng để đầu tư quốc tịch, mua suất định cư...
Theo vị giám đốc công ty tư vấn này, tùy theo quy định của từng quốc gia mà có yêu cầu chứng minh nguồn gốc khoản tiền chuyển này hay không. Nhưng với những quốc gia nhỏ, thông thoáng trong việc bán quốc tịch cho người nước ngoài thì thông thường họ không yêu cầu chứng minh nguồn tiền.
Hộ chiếu là một trong những loại giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của công dân - Ảnh: T.L.
Tiệm vàng chuyển tiền chui: chỉ làm "cò"
Giám đốc một công ty kinh doanh vàng tại TP.HCM tiết lộ một kênh chuyển tiền khác là thông qua các công ty vàng. Đây là một "đường dây" ngầm chỉ nội bộ trong giới biết với nhau và một số tiệm vàng dù nhận chuyển theo dạng này nhưng thực chất chỉ là "cò" chứ không phải là đơn vị chuyển trực tiếp.
"Chỉ có một số đầu nậu vàng lớn, có tài khoản ngoại tệ và có nhiều người thân cũng sinh sống ở nước ngoài mới có thể thực hiện được việc chuyển tiền vì phải chuyển đến đích danh một tài khoản tại nước ngoài.
Trước đây có thể chuyển mỗi lần từ 100.000 - 300.000 USD nhưng gần đây các ngân hàng tại Việt Nam đã siết chặt quy định, do vậy phải tách nhỏ khoản tiền, còn khoảng 20.000 USD/lần. Nếu chuyển số tiền lên đến hàng triệu USD phải chuyển nhiều lần, đến nhiều tài khoản khác nhau và phải thực hiện trong vòng nhiều tuần liền" - ông này tiết lộ.
Về mức phí chuyển tiền dạng này, theo vị giám đốc công ty kinh doanh vàng, phổ biến hiện dao động từ 0,8-1,2%, tùy chuyển nhanh hay chậm. Như vậy, nếu chuyển 100.000 USD thì mất từ 800 - 1.200 USD. Thời gian chuyển tiền cũng khá nhanh, thường chỉ trong vòng 24 giờ, chậm nhất cũng chỉ khoảng 3 ngày.
Một con đường khác để chuyển tiền đi là chuyển qua một nước trung gian láng giềng tại Việt Nam hoặc trong khu vực châu Á, từ đó mới chuyển tới đúng địa chỉ cần đến. Cách này tương tự như khi nhập vàng theo đường biên mậu và có thể dùng để chuyển số tiền lớn.
Nhiều rủi ro
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một số nguồn tin cho biết khi chuyển tiền qua đường không chính thức, hai bên giao dịch với nhau chủ yếu dựa trên chữ tín. Thời gian qua, không chỉ người có nhu cầu chuyển tiền đầu tư, mua quốc tịch mà cả những trường hợp muốn mua nhà ở nước ngoài cũng chuyển theo cách này.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, việc chuyển số tiền lớn, lên đến 2,5 triệu USD (tương đương 58 tỉ đồng) nhưng thực hiện qua các kênh "chui" hoặc núp dưới hình thức nào đó, ngoài việc phải trả phí rất cao còn đem đến rủi ro rất lớn cho cá nhân.
Siết chặt quy định chuyển tiền
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, gần đây các ngân hàng cũng siết chặt hơn các quy định về chuyển tiền.
Trong thông báo gửi khách hàng được phát đi vào tháng 2-2020, Vietcombank đề nghị khách hàng chủ động tuân thủ các quy định quản lý ngoại hối trong hoạt động vay, trả nợ nước ngoài, đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
Ngân hàng này cũng yêu cầu khách hàng khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền phải đảm bảo tính minh bạch, nội dung chuyển tiền cần được thể hiện đầy đủ, rõ ràng, chính xác.
Chưa cấp phép cho cá nhân chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để đầu tư
Trao đổi với Tuổi Trẻ, chiều 26-8, đại diện Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) khẳng định chưa có cá nhân nào được cấp phép chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để đầu tư.
Để được chuyển ngoại tệ ra nước ngoài đầu tư, nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện về tài sản, các tỉ lệ đảm bảo an toàn và phải được cấp phép đầu tư.
Một cá nhân có quốc tịch Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài muốn chuyển tiền ra nước ngoài để đầu tư có bị quản lý chặt chẽ như quy định không? Đại diện NHNN cho hay họ vẫn là người Việt Nam nên không có chuyện tự do chuyển ngoại tệ ra nước ngoài.
Về cấp phép cho cá nhân chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để đầu tư, đại diện Vụ Quản lý ngoại hối khẳng định: "Chưa cấp phép cho cá nhân nào chuyển ngoại tệ ra nước ngoài đầu tư. Việc cấp phép chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để đầu tư đều thông qua tổ chức dưới hình thức phát hành cổ phiếu thưởng cho nhân viên nhưng với số lượng vô cùng ít".
LÊ THANH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận