Phóng to |
Chợ nhãn đầu làng chỉ tấp nập mỗi dịp tháng 8 khi mùa nhãn chín rộ - Ảnh: Nguyễn Dịu |
Mới ra trường được vài tháng mà cuộc sống dường như thay đổi hẳn, bận hơn, lo nhiều thứ hơn khiến đôi khi nhìn lại chợt thấy mình lạ. Lâu lắm không về quê. Đi làm chẳng được như thời sinh viên muốn về là phi xe về ngay, để suốt ngày ra vườn nhãn giúp bố mẹ.
Xa quê, mỗi khi người ta khen “con gái Hưng Yên mắt đen như hạt nhãn lồng” là lại tủm tỉm cười vui. Mười mấy năm sống bên vườn nhãn, cứ thấy mọi thứ bình thường, mà khi xa sao thèm hương thơm hoa nhãn, thèm nhìn thấy chồi xanh non của mỗi lần nhãn đâm lộc, thèm phiên chợ mùa nhãn đông đúc… đến thế. |
Nhớ hồi nhỏ, bố mẹ bận đi làm, lũ nhỏ trong xóm thường rủ nhau chơi đồ hàng, hú tìm dưới những gốc nhãn, làm nhẵn cả một khoảng đất xung quanh gốc. Mỗi độ nhãn trổ hoa hay vào vụ thu hoạch, cả nhà cùng nhau làm vườn, cùng nhau trảy nhãn. Trẻ con mặt phụng phịu, mếo máo đòi đi chơi: “Chán trảy nhãn lắm rồi, chả lẽ cả đời phải trảy nhãn sao hở mẹ?!".
Suy nghĩ ngô nghê thuở nhỏ vẫn làm tôi nực cười mỗi lần nhớ lại.
Ở đất nhãn mỗi khi vào vụ, ra đường mọi người đều hỏi thăm nhau: “Năm nay có được quả không?”, “cây nhãn cội nhà bác vẫn đậu quả chứ?”, “đổ (bán) nhãn cho mối nào?”… Đám thanh niên thì ngêu ngao “thơ ca” vừa để trêu nhau: “Hoa nhãn trổ, hoa tỏa hương ngào ngạt/ Tình nồng nàn cũng nở rộ nỗi chờ mong”.
Phóng to |
Nhãn Hưng Yên thường có vỏ hơi dầy, gai, mã vàng sậm… - Ảnh: Nguyễn Dịu |
Có hai đợt thu hoạch nhãn mỗi vụ chín: nhãn trà sớm và nhãn chính vụ. Nhãn trà sớm là lứa nhãn ra hoa, kết quả và chín trước. Vì trái vụ nên loại nhãn này thường ngọt hơn, bán đắt hàng hơn.
Ngày trước nhãn trà tự nhiên, số lượng ít mà quả cũng to và ngon hơn. Nhãn trà vừa chín, bao giờ nội cũng phần cho tôi những chùm nhãn ngon ngọt nhất. Từng quả nhãn lồng, cùi dày trắng ngà, mọng nước, ngọt ngào như tấm lòng đầy tình thương yêu của nội dành cho cháu cưng…
Từ xưa đến nay, không phải ở đâu trên đất Hưng Yên đều có nhãn. Những xã ngoại thành thành phố, huyện Tiên Lữ, huyện Khoái Châu nhãn vừa ngon vừa có nhiều hơn cả. Nội tôi giải thích rằng cây nhãn chỉ tốt, quả chỉ ngon ngọt khi được trồng trên đất phù sa sông Hồng.
Người ta vẫn băn khoăn về cách gọi có phần lạ lùng - nhãn lồng. Ở quê tôi giải thích như thế này: Trước đây nhãn Hưng Yên ít hơn, cây cao hơn và quả cũng to, dày cùi và ăn ngọt hơn. Mỗi độ nhãn chín là rơi, chim hay bọ xít đến ăn quả, phá hoại chùm quả. Người dân tự sáng chế những lồng che chắn chùm nhãn. Rồi mỗi khi vào mùa, người ta chẳng còn nhìn thấy chùm nhãn mà nhìn thấy bao nhiêu lồng treo trên cây cao.
Phóng to |
… và cùi day, ăn giòn, ngọt thơm - Ảnh: T.Thành |
Nhãn lồng thân cây cổ thụ nay không còn nhiều, chỉ có trong những khu chùa chiền, vườn hoa trong thành phố hoặc mỗi nhà còn một vài cây. Đa số nhãn Hưng Yên hiện nay là nhãn giống mới, được trồng thành khu rộng, quả to nhưng không ngọt bằng nhãn lồng xưa.
Người ta vẫn bảo “Dù ai buôn Bắc bán Đông/ Đố ai quên được nhãn lồng Hưng Yên”. Và lại nhớ mỗi lần về quê, dọc triền đê hoa nhãn trắng xóa, hương thơm ngào ngạt.
Chợt nhớ, giờ này người quê tôi đang trảy nhãn…
Cách phân biệt nhãn lồng Hưng Yên và nhãn Trung Quốc: - Quan sát kỹ: nhãn Trung Quốc do vận chuyển xa nên phải dùng chất bảo quản, mã sáng, nhạt màu, vỏ mỏng. Đặc biệt, lá nhãn Trung Quốc có rất ít hoặc bị héo, bản lá to hơn; quả nhãn chỉ tươi trong thời gian ngắn, sau đó thâm lại. Còn nhãn Hưng Yên thường có vỏ hơi dày, gai, mã vàng sậm hơn (như màu đồng), để được lâu hơn. - Nếm thử: nhãn Hưng Yên cùi dày, ăn có vị thơm, không nhiều nước, khá giòn và vị ngọt sắc đặc trưng. - Ngoài ra, việc phân biệt còn có thể căn cứ vào giá bán. Giá của nhãn lồng thường đắt hơn nhiều so với các loại nhãn khác trên thị trường (trên 50.000 đồng/kg). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận