08/04/2019 12:03 GMT+7

Mua nhà rồi cưới, hay cưới rồi tính?

RA NY
RA NY

TTO - Một số cặp vợ chồng trẻ sinh sống ở TP.HCM phải chật vật trước câu hỏi này, thậm chí có người chưa biết tính sao trước quyết định kết hôn khi chưa có chỗ ở ổn định.

Mua nhà rồi cưới, hay cưới rồi tính? - Ảnh 1.

"Cưới trước hay mua nhà trước" là bài toán không dễ giải - Ảnh minh họa: C.K.

Chị Tuyết Nhung (30 tuổi, trọ tại Q.7, TP.HCM) đăng trên Facebook hình chụp bữa cơm chiều, có 2 món mặn và một món rau, một tô canh. "Tôi đang có bầu nên phải ăn uống tẩm bổ. Mỗi bữa ăn chừng đó trong lòng cũng xót vì đang tiết kiệm tiền", chị nói.

Chị Nhung chờ đến 19h để chồng chị đi làm ở Đồng Nai về ăn cùng. Hai vợ chồng cưới nhau được một năm, dự định gom góp vay mượn mua căn hộ thì chị mang thai. Kế hoạch mua nhà đành gác lại.

Không biết tính sao

Trước khi cưới, chị Nhung đã nghĩ đến chuyện sau này không có chỗ ở. "Nhưng mình nghĩ hai vợ chồng cùng làm, thế nào cũng dành dụm được, cứ lần lựa thì bao giờ mới cưới. Cưới rồi mới thấy bao nhiêu là cái phải chi tiêu, có khi thâm hụt cả tiền để dành", chị cho biết.

Vợ chồng chị Nhung thuê một căn phòng 2,7 triệu đồng/tháng gần nơi chị làm việc. Vì mục tiêu mua căn hộ, hai người chắt bóp để mỗi tháng dành ra ít nhất 15 triệu đồng. "Sau một năm, hai đứa cũng được gần 200 triệu, cộng thêm khoản mượn họ hàng, vay ngân hàng sẽ mua được căn hộ nhỏ ngoại thành. Nhưng bây giờ phải ưu tiên chuyện sinh đẻ", chị chia sẻ.

Cuối cùng, chị Nhung dự định thuê một căn hộ chung cư khoảng 5-6 triệu đồng/tháng ở Q.Thủ Đức để "cưa đôi" quãng đường đi làm của hai vợ chồng, thuận tiện cho việc chăm sóc em bé, và cho thuê lại một phòng trong căn hộ đó.

Chị Nhung nói: "Lẽ ra tôi nên tính toán việc mua nhà trước khi cưới, cứ ỷ y rồi bây giờ khổ. Chưa kể tới lúc sinh con phải thêm tiền mướn người giúp việc 4-5 triệu đồng một tháng, vì người nhà không vào chăm được. Thêm tiền thuê căn hộ nữa là mỗi tháng tốn chục triệu rồi".

Chưa cưới cũng... run

Đối với những bạn trẻ trước ngưỡng cửa hôn nhân, câu chuyện mua nhà cũng là nỗi lo thường trực. Yêu nhau gần 2 năm, anh Mạnh Quân (26 tuổi, làm việc ở Q.1) dự định làm đám cưới, nhưng chưa biết tính sao.

"Cưới sẽ tốn một khoảng không nhỏ, trong khi tôi tính gom tiền mua căn hộ trả góp. Tôi muốn ráng thêm chừng một năm nữa, nhưng ở quê, ba mẹ lớn tuổi nên hay hối thúc", anh nói. Bạn gái anh đôi khi không hiểu nỗi lo này, hai người lâu lâu lại giận hờn cũng vì chuyện nhà cửa.

Theo anh Quân, mua căn hộ là vấn đề ảnh hưởng đến tình cảm các cặp đôi. "Nếu hai đứa đồng lòng, chuyện này hoàn toàn có thể, nhưng khổ nỗi cổ thu nhập bấp bênh, lương tôi không cao. Mình là đàn ông, dĩ nhiên phải gánh vác mọi việc, nhưng nhiều lúc thấy đuối vô cùng", anh nói.

Vì muốn có tương lai ổn định, anh Quân đành thuyết phục bạn gái cố gắng sang năm rồi tính chuyện cưới xin. "Bản thân tôi phải chắt bóp hơn. Hai đứa hạn chế vô những nơi sang chảnh. Những khi một mình, tôi ăn cơm bụi, mì gói cũng xong", anh kể.

Cần có kế hoạch chi tiêu rõ ràng

Khác với những cặp đôi đang phân vân trước việc cưới rồi mua nhà, hay mua nhà rồi cưới, một số bạn trẻ chọn cách cưới rồi cùng dành dụm, dĩ nhiên phải có kế hoạch chi tiêu hợp lý và đề ra số tiền để dành cụ thể.

Nhìn lại 3 năm chung sống, chị Phạm Hải (28 tuổi, đang ở thuê một căn hộ tại Q.Thủ Đức) thấy rằng quyết định "cưới xong rồi tính" là đúng đắn. Chồng làm nhân viên một hãng phim, chị là MC một công ty truyền thông, thu nhập cộng lại hơn 20 triệu đồng/tháng. 

"Trước khi cưới, ảnh đã bàn kỹ với mình phải để dành ra sao. Cả hai về ở chung sẽ tiết kiệm được tiền trọ, tiền ăn, chi tiêu cũng khoa học hơn", chị Hải cho biết.

Năm ngoái, chị Hải sinh con. Chị nói việc này hai người đã tính kỹ, nên không ảnh hưởng nhiều đến tài chính. Mẹ chị ở Bình Phước lên phụ chăm em bé, lo chuyện nấu nướng phần nhiều từ thực phẩm ở quê gửi lên, nên tiết kiệm được đáng kể.

"Cũng năm ngoái hai đứa đã mua căn hộ 800 triệu ở quốc lộ 13 chỗ sát Q.Thủ Đức, tháng 9 này giao nhà. Phải vay ngân hàng một nửa, nhưng tính ra việc trả góp mỗi tháng cũng không tới nỗi nào, hai vợ chồng cố gắng dành dụm, tiết kiệm thêm là được", chị Hải chia sẻ.

Theo kinh nghiệm của chị Hải, các cặp đôi yêu nhau trước khi có quyết định kết hôn nên ngồi lại để tính toán xem mình đã có gì trong tay. 

"Yêu đương lãng mạn, còn lấy nhau rồi, cơm áo gạo tiền đủ thứ phải lo nên cần lường trước. Nếu chưa có nhà thì phải vạch ra kế hoạch để dành trong bao lâu, đồng lòng thì mới mua được", chị nói.

Chị Hải cho rằng các cặp đôi nên có một số tiền tích lũy trước khi cưới để làm động lực tiếp tục dành dụm. Chị nói: "Cưới rồi, nên có sổ chi tiêu để ghi lại tiền xài vô việc gì, để dành bao nhiêu, có thâm hụt gì không. Nói không với những thứ không cần thiết nhưng đừng nên quá tiết kiệm, không dám ăn uống đầy đủ thì sức đâu làm việc. Sau cỡ 2 năm sẽ có một khoản tiền kha khá để mua căn hộ trả góp".

Cuộc hôn nhân của chị H.P. (31 tuổi, nhân viên một công ty hướng nghiệp) rạn nứt sau ba năm chung sống. Cái khổ bên cạnh nỗi đau tinh thần là hai người khi cưới đã mua trả góp căn hộ 1,2 tỉ đồng ở Q.Bình Tân. 

"Mới góp được hơn hai năm, còn nợ ngân hàng hơn 400 triệu. Giờ tôi thật sự không biết nên tiếp tục chung sống khi chỉ toàn là mâu thuẫn, hay là chấm dứt, bán lại căn hộ để trả nợ ngân hàng rồi ra ở trọ", chị P. chia sẻ.

Bạn có cho rằng người trẻ nên nhất định dành dụm tiền để mua nhà, hay nên thoải mái tận hưởng cuộc sống, đầu tư cho học hành? Mời bạn gửi ý kiến về địa chỉ [email protected]. Vui lòng cung cấp thông tin để tòa soạn gửi nhuận bút sau khi đăng bài. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.

Lương thấp vẫn "sốt vó" mua nhà là để sống trong mái ấm của mình

TTO - Khi sở hữu một căn nhà, bạn toàn quyền quyết định trong việc sử dụng căn nhà đó, không cần phải hỏi ý kiến của chủ nhà nếu bạn đi thuê, cũng không phải bất ngờ trả nhà.

RA NY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp