25/01/2013 18:03 GMT+7

Mua nhà, đất phải thanh toán qua ngân hàng: nhiều phiền toái

TTO
TTO

TTO - Quy định "không được sang tên khi mua nhà, đất, ôtô trả tiền mặt" đã dấy lên nhiều tranh luận từ phía bạn đọc, với nhiều ý kiến cho rằng quy định này gây thêm phiền toái cho người dân.

Tuy nhiên cũng có ý kiến nói việc làm này là cần thiết. Để rộng đường dư luận, TTO trích đăng một số ý kiến.

Btn3J76I.jpgPhóng to

Nếu mua, nhà đất bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng, phòng giao dịch của các ngân hàng có thể bị quá tải và người dân mất thời gian chờ đợi - Ảnh tư liệu

* Việc không cho người đứng tên khi dùng tiền mặt mua tài sản giá trị lớn là vi phạm quyền tự do của người dân và thể hiện tiền mặt của Nhà nước không có giá trị sử dụng trao đổi. Ngân hàng Nhà nước đưa ra đề nghị này chủ yếu có lợi cho ngân hàng, trong khi đó cơ sở hạ tầng, các dịch vụ hiện tại của ngân hàng không đủ đáp ứng.

Người dân có quyền sử dụng bất cứ hình thức thanh toán nào thuận tiện, an toàn nhất cho mình chứ không bắt buộc phải thông qua ngân hàng. Các nước trên thế giới không ai ra luật như vậy. Nếu nói giao dịch bằng tiền mặt liên quan đến an toàn trộm cướp, tham nhũng, rửa tiền... thì hình như vấn đề này quá lớn, các cơ quan nhà nước không phòng chống tốt nên đẩy cho người dân?

Tran Hien

* Chưa hiểu chi tiết của nghị định này thế nào, nhưng xem ra nếu không cẩn thận thì lợi bất cập hại. Các thủ tục hành chính của ta vốn đã quá rườm rà, cản trở nhiều cho sự phát triển kinh tế. Chưa đơn giản hóa được cái cũ, nay lại đặt ra một quy định mới muốn kiểm soát tất tật các giao dịch (đáng tiền) của người dân. Tôi có thể tưởng tượng ra trước mắt hình ảnh các phòng giao dịch ngân hàng chen chúc người chờ đợi, lãng phí một lượng thời gian khổng lồ của dân, "hãm" bớt tốc độ phát triển của nền kinh tế...

Nguyễn Phú

* Giải pháp thanh toán qua ngân hàng, hạn chế sử dụng tiền mặt là hay, nhưng có lẽ thuận lợi cho người dân đô thị hơn. Ở TP ra ngõ là gặp ngân hàng, nhưng ở nông thôn ít ai có tài khoản ngân hàng và ngân hàng nông thôn lại xa, hơn nữa việc thanh toán qua ngân hàng nông dân không rành... nên cần tính toán lại. Hơn nữa, cần xem lại quyết định nếu không thanh toán qua ngân hàng không được đổi chủ sang tên có trái với Luật dân sự không?

Huỳnh Biển

* Theo tôi, để thực hiện các vấn đề trên cần phải đưa ra lộ trình thực hiện. Thông báo rộng rãi với người dân và khuyến khích người dân sử dụng nhiều dịch vụ tiện ích từ ngân hàng. Về phía ngân hàng nên đưa ra các mức phí hợp lý để người dân chấp nhận được, chứ đừng nói suông. Phía ngân hàng nhà nước cũng nên đưa ra những việc có lợi cho người dân chứ đừng nói mà không làm. Và đừng cho rằng chuyển tiền qua ngân hàng là không tham nhũng.

Trang Nguyễn

* Tôi thì băn khoăn phí giao dịch. Tôi nhớ cách đây mấy năm có bán một miếng đất ở quận 2, theo thỏa thuận người mua phải chuyển cho vợ chồng tôi đợt 1 là 2 tỉ đồng. Ngân hàng bên người mua là BIDV, còn ngân hàng bên chúng tôi là ACB, khi làm thủ tục BIDV yêu cầu chúng tôi thanh toán phí khi chuyển khoản cho số tiền trên là gần 2 triệu, trong khi nếu rút tiền mặt thì không mất đồng nào.

Cuối cùng chúng tôi quyết định rút 2 tỉ tiền mặt leo lên taxi chạy đến chi nhánh ACB gần nhất gửi vào, phí taxi chưa đến 100.000 đồng, các bạn nghĩ sao? Tôi không phản đối khi Nhà nước ra nghị định này nhằm đối phó với các hình thức lách luật, trốn thuế hay rửa tiền, nhưng với mức phí khi chuyển khoản cao như vậy liệu khách hàng có muốn sử dụng hay không?

Xuân Phong

* Thanh toán bằng tiền mặt là văn minh, nhưng ở VN dịch vụ ngân hàng chưa tốt, dân chưa tin tưởng và chưa quen giao dịch qua ngân hàng, thị trường ôtô, bất động sản lại đang trầm lắng, kinh tế đang rất khó khăn. Nếu chỉ nghĩ đến việc muốn tăng thanh toán qua ngân hàng, muốn chống tham nhũng thì có khi thị trường bất động sản và ôtô chưa kịp phục hồi đã lại chết nặng. Làm chính sách phải nghĩ tổng thể, không nên nghĩ ngắn hạn, bó hẹp trong một vài ngành kẻo lợi bất cập hại, chính sách không vào cuộc sống nhưng hậu quả thì thấy ngay.

Hải

* Trước tiên khi soạn thảo một nghị định, một điều luật mới, cần phải lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân trong xã hội xem có phù hợp không, bất cập chỗ nào, cần chỉnh sửa chỗ nào? Luật này, nghị định này sau bao nhiêu năm thì còn thích hợp? Soạn thảo luật thì phải sát với thực tế, với đa số tầng lớp người dân, nói chung là phải dân chủ, công khai.

Nói về vấn đề thanh toán qua ngân hàng, đã triệt để vấn đề giao dịch ngầm chưa? Tôi khẳng định là không thể. Rồi có thích hợp với những người nông dân chân lấm tay bùn không? Đừng làm kiểu đánh trống bỏ dùi như nghị định 71 về xe không chính chủ vừa rồi, làm mất lòng tin của người dân đối với đường lối của Đảng và Chính phủ...

Nguyen Thanh

* Mô hình thanh toán không sử dụng tiền mặt là mô hình tiên tiến, nhiều nước phát triển đang áp dụng. Chắc chắn sẽ rất có lợi cho người thanh toán và việc quản lý của các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, việc thanh toán phải có cơ sở hạ tầng thật tốt và ý thức của người thanh toán phải tốt. Ví dụ, ông A mua hàng của tôi 100 triệu đồng, ông A cố tình muốn trả nợ chậm, hẹn nhiều lần. Lúc này thì việc tôi phải buộc ông A ra ngân hàng chuyển tiền cho tôi là rất khó, tôi phải đến tận nhà gặp trực tiếp để nhận tiền. Tôi nghĩ dự thảo này không khả thi.

Nguyễn Mỹ Na

* Theo tôi, không phải người dân nào cũng đủ kiến thức để giao dịch trên giấy tờ, mà trên giấy tờ thì rất phức tạp, có thể người dân sẽ bị mắc lừa nữa. Thời buổi này tiền trao cháo múc là an toàn nhất.

Alibaba

* Phương án hay nhưng trước hết xin ông ngân hàng cải tổ lại bộ máy, xin đừng được thêm quyền rồi lại hành dân. Tôi ví dụ: cách đây mấy ngày tôi chuyển khoản từ Vĩnh Long lên TP.HCM mất hai ngày mới nhận được, rồi chuyển từ quận 5 qua Bình Tân mất ngày rưỡi nữa, lý do khác hệ thống. Nói thật, tôi vác đống tiền đấy đi bộ cũng tới nhanh hơn ông ngân hàng.

Le Thanh

* Tôi ủng hộ giải pháp này của Nhà nước ta. Chuyện quản lý tiền tệ theo cách như vậy ở các nước khác đã thực hiện từ lâu lắm rồi, giờ ta mới làm là quá chậm. Nếu làm tốt Nhà nước sẽ luôn có dự trữ tiền mặt cho quốc gia, người dân sẽ quen dần với giao dịch bằng thẻ tín dụng, đỡ phiền toái lại an toàn, loại bỏ dần thói quen dự trữ tiền mặt trong nhà của người dân và cũng ngăn chặn được nhiều đồng tiền tiêu cực trong xã hội. Nếu cứ để tình trạng lưu thông và lưu giữ tiền mặt tự do như hiện nay, hằng năm Nhà nước có in thêm bao nhiêu tiền cũng không đủ cho 80 triệu người dân cất giữ và giao dịch!

Lê Nguyên

* Trước tiên phải nói rằng chủ trương trên cực kỳ đúng đắn. Mục tiêu là nhằm hạn chế và triệt tiêu những giao dịch ngầm, lách thuế, trốn thuế... Tuy nhiên, nói đi thì phải xét lại. Muốn tất cả giao dịch thông qua ngân hàng thì phải xét lại tiện ích của ngân hàng hiện nay như thế nào, phí và các khoản liên quan ra sao, xem đã có phù hợp chưa.

Nếu những thứ ấy chưa đồng bộ và tương xứng với khối lượng giao dịch khổng lồ trong tương lai, chắc hẳn đấy là nỗi khổ của người dân. Tóm lại, trước khi ra quyết định gì nên cân nhắc kỹ cũng như phải chuẩn bị hạ tầng cho đàng hoàng rồi mới ban hành, chứ đừng làm theo cảm tính rồi chỉ khổ cho người dân mà thôi.

Trần Công Bảo

* Thói quen của người Việt mình xưa này là dùng tiền mặt để thanh toán trong giao dịch, nếu đột nhiên buộc họ phải dùng ngân hàng làm trung gian thanh toán sẽ gây khó khăn và tạo tâm lý bất an cho người dân. Trước mắt nên thí điểm ở các cơ quan, đơn vị kinh doanh, sau đến các cán bộ đảng viên và khi các quy định đã được hoàn chỉnh thì mới phổ cập từ các thành phố lớn và dần dần đến toàn quốc.

Nguyễn Thanh Hiệp

* Giữa hai người mua và bán với nhau có thỏa thuận ngầm, trên hợp đồng chuyển nhượng chỉ để giá trị ảo để tượng trưng thôi, còn đằng sau họ mới thanh toán giá trị thật sự thì hỏi làm sao mà quản lý được?

Anh Tuấn

* Đặt trường hợp họ vẫn lách luật giống như cách lách các dự án xây dựng thì sao?? Giả sử quy định giá từ 1 tỉ đồng trở lên phải chuyển khoản thì họ lại chia làm hai hợp đồng 990 triệu để thanh toán số tiền gần 2 tỉ thì sao? Cái chính là cải cách để phương thức thanh toán thuận tiện, ít phiền hà thì người dân ủng hộ chứ không phải là cứ quy định kiểu này...

D.K.

* Ngân hàng viện cớ rằng: "Việc sử dụng tiền mặt có giá trị lớn trong các giao dịch này đã tạo nên những mầm mống bất ổn về an ninh trật tự xã hội, làm thất thu thuế và tạo điều kiện cho các hành vi tham nhũng...". Vậy xin cho hỏi tất cả giao dịch mua nhà, đất, ôtô từ trước đến giờ Nhà nước vẫn thất thu thuế, vẫn có nạn tham nhũng đó hay sao? Nếu cái nghị định này ra đời thì chắc chắn người dân lại mất thêm một khoản phí kha khá nộp cho ngân hàng ngoài những khoản thuế nộp cho Nhà nước. Việc này chỉ nên khuyến khích chứ không nên bắt buộc vì không ai lại muốn tốn thêm tiền cho ngân hàng khi mua nhà, đất, ôtô.

Nam Trần

* Không hiểu họ nghĩ gì mà đưa ra một quyết định lạc hậu, sai lầm gây phiền hà cho người dân như vậy. Tiền của dân, họ muốn làm gì thì làm, cớ sao lại bắt người dân đóng tiền để làm giàu cho tổ chức ngân hàng làm trung gian. Như vậy phí chồng phí, thuế chồng thuế, giá trị bất động sản càng tăng lên, người dân nghèo nào có thể mua nổi? Quyết định này chỉ gây thêm khó khăn và đẩy người dân vào cảnh luồn lách, tìm cách né quy định. Tốt nhất hãy để người dân tự nguyện, đừng ép buộc họ phải tiêu xài đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình theo mệnh lệnh hành chính như thế này nữa.

Quoc Huy

TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp