Tuyến quốc lộ 7 ở tỉnh Nghệ An bị ngập, giao thông bị chia cắt hơn 10 giờ đồng hồ. Người dân phải dùng xe kéo đưa xe máy qua đoạn đường ngập - Ảnh: DOÃN HÒA
Theo thống kê, cũng làm hàng ngàn căn nhà bị sập và bị ngập, hàng trăm nhà dân phải di dời khẩn cấp.
Thanh Hóa: sơ tán hơn 6.000 người
Do nước lũ sông Mã dâng cao, từ trưa đến chiều 18-8, hơn 6.000 người dân ở vùng ngoại đê sông Mã đã phải rời nhà cửa ngập lụt, sơ tán đến khu vực an toàn để tránh lũ.
Ông Lê Anh Xuân, chủ tịch UBND TP Thanh Hóa, cho biết: "Khoảng 10h ngày 18-8, khi nước sông Mã phía hạ du dâng cao, chúng tôi đã sơ tán ngay 1.700 hộ với 6.354 nhân khẩu đến nơi an toàn".
Tại xã Thiệu Dương (TP Thanh Hóa), nơi có 7 thôn ở phía ngoại đê sông Mã thường xuyên bị ngập lụt mỗi khi mùa về, người già, trẻ em đã được sơ tán đến nhà người thân ở phía trong đê để tránh ngập lụt.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, các xã, phường nêu trên của TP Thanh Hóa là vùng "sống chung với ngập lụt" ở ngoại đê sông Mã hàng chục năm nay.
Đến nay, TP Thanh Hóa chưa có phương án di dân ở các khu vực này đến vùng trong đê, tránh ngập lụt hằng năm, bởi số lượng người dân ở vùng ngoại đê khá đông nên quỹ đất tái định cư lớn.
Theo thống kê của văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, đến chiều 18-8, mưa lũ đã làm 1 người chết, 1 người mất tích, 18 ngôi nhà bị sập, hư hại. Nhiều tuyến đường giao thông ở các huyện miền núi, vùng cao của tỉnh bị sạt lở nghiêm trọng.
Riêng hai tuyến đường lên huyện vùng cao Mường Lát có hàng chục điểm sạt lở đất đá từ trên đồi xuống mặt đường, gây ách tắc giao thông hai ngày nay.
Địa phương này đang tập trung phương tiện, máy móc giải phóng các điểm ách tắc trên quốc lộ 15C và đường Chiềng Nưa lên huyện Mường Lát để thông xe trong hôm nay 19-8. Đến cuối giờ chiều 18-8, tại Thanh Hóa đã ngớt mưa, nước lũ các sông, suối đang xuống chậm.
Theo báo cáo của ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, tính đến 18h ngày 18-8, mưa lũ sau bão số 4 đã làm 8 người chết (Sơn La 2 người, Thanh Hóa 1 người, Nghệ An 5 người) và 2 người mất tích do lũ cuốn trôi (Sơn La 1 người, Nghệ An 1 người).
Mưa lũ cũng làm 21 nhà bị sập, 1.323 nhà bị ngập, 202 nhà phải di dời khẩn cấp; 7.394 con gia súc bị chết (Nghệ An), 723ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.
Nghệ An: 5 người chết, 1 người mất tích
Tại Nghệ An, mưa lũ cộng với việc hàng loạt nhà máy thủy điện xả lũ đã gây hậu quả nặng nề tại các huyện dọc sông Cả dọc tuyến quốc lộ 7.
Đã có ít nhất 5 người chết, 1 người mất tích, nhiều tài sản, hoa màu của người dân bị cuốn trôi.
Từ trưa 17-8, nước lũ bắt đầu dâng làm ngập cả mét trên quốc lộ 7. Lượng đất đá sạt lở lớn làm tuyến giao thông huyết mạch từ các huyện miền núi Kỳ Sơn, Tương Dương xuống các huyện đồng bằng và ngược lại bị chia cắt hoàn toàn.
Dù ngành giao thông vận tải Nghệ An đã huy động hàng chục chiếc máy ủi để giải phóng đất đá nhưng phải đến đầu giờ chiều 18-8, tuyến quốc lộ 7 mới được thông.
Tại xã Chiêu Lưu (huyện Kỳ Sơn), bao trùm không khí tang thương khi có 3 người bị lũ cuốn, trong đó mới chỉ tìm thấy thi thể 2 người. Ông La Thanh Quế - xã đội trưởng Chiêu Lưu - cho hay xã vừa làm đám tang cho hai em Cụt Văn Thôn (11 tuổi) và Lữu Văn Giáp (14 tuổi) và huy động khoảng 300 người tìm kiếm chị Moong Mẹ Tân (37 tuổi) dọc các khe suối nhưng vẫn chưa có kết quả.
Sau một đêm trắng tìm vợ, anh Moong Văn Lợi (chồng chị Tân) kể trong nước mắt: trưa 17-8, vợ chồng anh cùng đứa con đi đón hai cháu Thôn và Giáp từ trường về. Khi vừa đi qua cầu tràn thì bất ngờ bị lũ cuốn. Anh may mắn bám được vào gốc cây và cứu được con mình, còn vợ và 2 cháu thì bị lũ cuốn trôi.
Giảm nguy cơ lũ, ngập vẫn ở mức cao
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ hôm nay (19-8) mưa sẽ giảm dần ở khu vực Bắc Bộ.
Trước đó, do ảnh hưởng hoàn lưu bão liên tục từ ngày 16 đến 18-8, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to.
Tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm, một số nơi mưa lớn như: Sơn La 333mm, Hòa Bình 335mm, Vĩnh Phúc 225mm, Thanh Hóa 232mm và nhiều nơi ở Nghệ An từ 273-307mm, gây ngập lụt tại một số khu vực.
Tuy nhiên theo dự báo từ ngày 19-8, mưa lớn ở vùng núi Bắc Bộ có xu hướng giảm dần. Dự báo lũ trên các sông sẽ xuống chậm nhưng nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét và ngập lụt vẫn ở mức cao tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Tại Nam Bộ, do ảnh hưởng từ rìa phía nam dải hội tụ nhiệt đới nối với hoàn lưu bão kết hợp với gió tây nam mức độ trung bình nên cũng có mưa trên diện rộng.
Khả năng mưa tại khu vực Nam Bộ cũng sẽ giảm dần từ ngày 19-8.
Theo dự báo, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ lên nhanh từ ngày 22 đến 25-8. Mực nước cao nhất tại Tân Châu (sông Tiền) và Châu Đốc (sông Hậu) có thể lên mức cao hơn mức báo động 1 từ 0,25-0,3m, sau đó còn tiếp tục lên và diễn biến phức tạp. (Q.KHẢI)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận