14/11/2023 13:13 GMT+7

Mưa lũ miền Trung: Quảng Ngãi có nơi mưa đến 470mm, lũ rất phức tạp

Mưa lớn, lũ trên các sông tại Quảng Ngãi đang lên nhanh, miền núi sạt lở, vùng trũng ngập sâu dần, nhiều tuyến đường bị cô lập.

Cầu Sông Rin (thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi) đã ngập, dự báo nước lũ trên sông Rin còn lên cao - Ảnh: T.T.T.

Cầu Sông Rin (thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi) đã ngập, dự báo nước lũ trên sông Rin còn lên cao - Ảnh: T.T.T.

Quảng Ngãi: Sạt lở nhiều nơi, có nơi mưa lớn đến 473mm

Ngày 14-11, huyện miền núi Sơn Hà đã cho 20.000 học sinh nghỉ học.

Trưa cùng ngày, ông Nguyễn Ngọc Trân, chủ tịch UBND huyện miền núi Sơn Tây, Quảng Ngãi, cho biết huyện có mưa lớn, cường độ mưa có nơi lên đến hơn 300mm, nhiều tuyến đường bị sạt lở, gây chia cắt giao thông.

Ông Trần Thanh Trung - phó chủ tịch UBND huyện miền núi Sơn Hà - cho biết mưa xối xả, lũ trên sông Rin đang lên nhanh, sạt lở diễn ra ở nhiều nơi, cầu Sông Rin cũng đã ngập, chia cắt giao thông. "Sáng nay, huyện đã thông báo cho 20.000 học sinh nghỉ học", ông Trung nói.

Tại huyện Sơn Hà, mưa lớn làm các cầu Thạch Nham, Sơn Giang - Sơn Linh, Tầm Linh, Sơn Kỳ ngập sâu gần 1m, giao thông bị chia cắt hoàn toàn. Tuyến quốc lộ 24B đoạn qua các xã Sơn Thành, Sơn Hải, Sơn Thủy và Sơn Kỳ bị chia cắt cục bộ; huyện cũng di dời 5 hộ dân tại điểm sạt lở núi Van Cà Vãi (thị trấn Di Lăng).

Chính quyền địa phương đã cắm biển cảnh báo và cử lực lượng canh gác ở những nơi ngập sâu và sạt lở, không cho người và xe qua lại.

Tại huyện miền núi Ba Tơ, rạng sáng 14-11 xảy ra vụ sạt lở đất khiến ngôi nhà của bà Đỗ Thị Yến Nhi (thôn Làng Mạ, xã Ba Tô) bị sập một mảng tường. Rất may, không có thiệt hại về người.

Trước nguy cơ sạt lở đất, chính quyền xã Ba Tô đã di dời một số hộ dân ở thôn Làng Mạ đến nơi an toàn.

Sạt lở phá sập bức tường nhà dân ở xã Ba Tô, huyện Ba Tơ - Ảnh: Y.N.

Sạt lở phá sập bức tường nhà dân ở xã Ba Tô, huyện Ba Tơ - Ảnh: Y.N.

Tại các huyện đồng bằng Quảng Ngãi, mưa lũ cũng chia cắt cục bộ một số tuyến đường giao thông. Nước lũ trên các sông đang ở mức báo động 1, dự báo trong 24 giờ tới sẽ lên báo động 3.

Theo Đài khí tượng thủy văn Quảng Ngãi, lượng mưa 24 giờ qua đo được tại các trạm thấp nhất là 289mm, cao nhất là 473mm.

Trước diễn biến phức tạp của mưa lớn, sáng 14-11, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi đã phát công điện yêu cầu các sở, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ trên địa bàn, thông tin, thông báo kịp thời đến người dân trong khu vực nhằm chủ động các biện pháp ứng phó.

Tập trung kiểm tra, rà soát và kịp thời huy động lực lượng tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu đến nơi an toàn.

Đặc biệt, lưu ý các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi đóng quân ở vùng đã bị sạt lở và có nguy cơ cao bị sạt lở tại các huyện miền núi: Sơn Tây, Ba Tơ, Trà Bồng, Minh Long, Sơn Hà.

Cầu Sông Rin bị ngập, chia cắt giao thông - Ảnh: T.T.T.

Cầu Sông Rin bị ngập, chia cắt giao thông - Ảnh: T.T.T.

Khu dân cư vùng trũng, thấp ở các huyện đồng bằng thường xuyên bị ngập sâu như: Bình Sơn, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, thị xã Đức Phổ. Trong đó, lưu ý vùng ven sông Trà Bồng, Vệ, Trà Câu, Phước Giang nước sẽ lên nhanh.

Quảng Nam: Mưa lớn gây sạt lở sông Vu Gia

Ngày 14-11, hàng trăm người dân xã Đại Cường, huyện Đại Lộc (Quảng Nam) và lực lượng chức năng địa phương kéo ra bờ sông Vu Gia đóng cọc tre và chèn bao cát chống sạt lở do mưa lớn.

Nước sông Vu Gia cuồn cuộn gây sạt lở khu vực xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, Quảng Nam - Ảnh: H.V.

Nước sông Vu Gia cuồn cuộn gây sạt lở khu vực xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, Quảng Nam - Ảnh: H.V.

Mưa lớn những ngày qua làm nước sông Vu Gia dâng cao gây sạt lở nghiêm trọng tại xã Đại Cường, huyện Đại Lộc (Quảng Nam).

Khu vực sạt lở nằm trên tuyến đường duy nhất nối vào khu dân cư hơn 200 hộ dân.

Để tránh cảnh sạt lở chia cắt khu dân cư, chính quyền và người dân địa phương đã huy động hàng trăm người ra bờ sông kè tạm bằng cọc tre và bao cát.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phan Phước Mơ, chủ tịch UBND xã Đại Cường, cho biết khu vực sạt lở kéo dài khoảng 100m, chiều rộng sạt lở từ 2-3m.

Tình trạng sạt lở đe dọa cắt đứt tuyến đường duy nhất nối vào thôn Khương Mỹ với 200 hộ dân đang sống tại đây.

Do đó, trong 2 ngày qua, tranh thủ lúc mực nước hạ xuống, xã đã huy động Đoàn thanh niên, công an, dân quân phối hợp cùng bà con khắc phục tạm bằng cách đóng cọc tre và chằng bao cát chống sạt lở.

Cán bộ và người dân địa phương dùng cọc tre, bao cát chèn chống sạt lở - Ảnh: PHAN MƠ

Cán bộ và người dân địa phương dùng cọc tre, bao cát chèn chống sạt lở - Ảnh: PHAN MƠ

Theo ông Mơ, thời gian gần đây dòng chảy sông Vu Gia thay đổi liên tục gây ra nguy cơ sạt lở rất cao cho các khu vực ven bờ.

Lãnh đạo xã Đại Cường cho biết đây chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài khu vực này cần nguồn lực lớn để đầu tư rọ đá, kè bê tông kiên cố chống sạt lở.

Trong hôm nay, mưa lớn cũng gây thiệt hại một số khu vực khác tại tỉnh Quảng Nam. Ở các huyện miền núi, nước dâng cao tại các ngầm tràn, sông suối gây ảnh hưởng việc đi lại của người dân.

Tại huyện Nam Trà My, mưa lũ gây sạt lở chia cắt tuyến đường ĐH5 nối ba xã Trà Mai, Trà Vân, Trà Vinh.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Văn Mẫn - phó chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - cho hay ngay khi sạt lở xảy ra, các lực lượng của huyện đã được huy động để thông đường, đảm bảo giao thông liền mạch nối các xã.

Được biết, từ 19h đêm qua tới 12h trưa nay 14-11, một số nơi tại tỉnh Quảng Nam ghi nhận lượng mưa từ 200-400mm. Mưa tập trung nhiều tại các huyện miền núi như Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My.

Đà Nẵng: Nước lũ cuồn cuộn trên sông Túy Loan

Nước lũ cuồn cuộn trên sông Túy Loan - Ảnh: LÊ TRUNG

Nước lũ cuồn cuộn trên sông Túy Loan - Ảnh: LÊ TRUNG

Nước lũ từ thượng nguồn đổ về cuồn cuộn trên sông Túy Loan kèm một lượng lớn củi, rác tấp sát bờ, người dân đổ xô ra bờ sông vớt củi.

Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online sáng 14-11, nước lũ từ thượng nguồn sông Túy Loan đoạn qua huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng đổ về. Nước lũ dâng lên gây ngập một số khu vực thấp trũng ven sông này.

Tại thôn Túy Loan Tây, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, nước lũ tràn ngập cánh đồng vùng sản xuất rau an toàn của thôn, thời điểm này người dân chưa xuống giống cho vụ rau tết. Nước lũ cũng gây ngập tuyến đường bê tông dẫn vào thôn.

Tại đoạn sông ở gần cầu Túy Loan thuộc địa phận xã Hòa Nhơn, nước lũ cuồn cuộn đổ về kèm theo một lượng rác, cây cối, củi tấp vào bờ, người dân đổ xô ra đoạn bờ sông dưới chân cầu để vớt củi.

Người dân nhặt củi đem về nhà - Ảnh: LÊ TRUNG

Người dân nhặt củi đem về nhà - Ảnh: LÊ TRUNG

Theo một người dân, lượng củi theo dòng nước tấp vào sát bờ, họ chỉ cần đứng trên bờ dùng cây gỗ để kéo củi vào nhặt lên. Có người đem về nhà để sử dụng, còn người khác thì vớt củi đem bán.

Hôm qua có người dân thì dùng ghe bơi ra sông vớt củi, tuy nhiên để đảm bảo an toàn tính mạng, lực lượng chức năng ở địa phương đã không cho họ dùng ghe bơi ra sông để vớt củi.

Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ cho biết khu vực thượng nguồn của TP Đà Nẵng đã đón lượng mưa rất to từ đêm 12-11 đến ngày 13-11.

Cụ thể lượng mưa chủ yếu tập trung ở các khu vực huyện Hòa Vang, một số nơi có lượng mưa rất lớn như: hồ Hố Cau (254mm), xã Hòa Khương (226mm), xã Hòa Bắc (222mm), hồ Đồng Nghệ (212mm).

Mưa lớn cũng đã khiến tuyến đường ĐT601 xuất hiện một điểm sạt lở đoạn qua đèo La Ngà (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang). Trong hôm nay ở Đà Nẵng cũng tiếp tục mưa lớn.

Khu vực đồng ruộng ở thôn Túy Loan Tây bị ngập sâu trong nước lũ - Ảnh: LÊ TRUNG

Khu vực đồng ruộng ở thôn Túy Loan Tây bị ngập sâu trong nước lũ - Ảnh: LÊ TRUNG

Quảng Trị: 3 người mất tích

Cảnh sát tìm kiếm người đàn ông mất tích khi đánh cá ở hồ thủy lợi La Ngà - Ảnh: QUANG HÀ

Cảnh sát tìm kiếm người đàn ông mất tích khi đánh cá ở hồ thủy lợi La Ngà - Ảnh: QUANG HÀ

Trưa 14-11, ông Hồ Văn Hanh - phó chủ tịch UBND xã Hướng Sơn, Hướng Hóa - cho biết đang huy động khoảng 40 người gồm lực lượng quân sự, công an, ban phòng chống lụt bão xã tìm kiếm 2 vợ chồng mất tích nghi do nước lũ cuốn.

Lực lượng tìm kiếm dọc suối Nguồn Rào, vùng rừng và nương rẫy của 2 vợ chồng từ 10h sáng 14-11 nhưng chưa có kết quả. Người dân đã tìm thấy một áo mưa ghi tên người chồng ở bên bờ suối. Hiện, chính quyền và người dân Hướng Sơn có mặt tại nhà nhà người mất tích để động viên người thân. Ông Hanh cho hay do nước lũ còn cao nên việc tìm kiếm gặp nhiều khó khăn.

Trước đó, chiều 13-11, anh Hồ Xa Lăng (38 tuổi) cùng vợ là Hồ Thị Viên (37 tuổi, trú thôn Hồ, xã Hướng Sơn) lên rẫy tìm dê. Đến tối, 2 vợ chồng này trở về nhưng nước suối Nguồn Rào to nên không qua được. Cả 2 ngủ lại nhà người quen ở bên này suối. Đến 23h đêm 13-11, vợ chồng rời khỏi nhà người quen, mất tích cho đến nay. Anh Hồ Xa Lăng nằm trong đội xung kích của thôn Hồ.

Trong khi đó, khoảng 18h chiều 13-11, tại hồ thủy lợi La Ngà (xã Vĩnh Thủy, Vĩnh Linh), ông Lê Đức Hùng, 36 tuổi, đi đánh cá. Sáng hôm nay, gia đình không thấy ông Hùng trở về nên báo chính quyền địa phương tìm kiếm. Tại khu vực trên, người dân phát hiện một số vật dụng cá nhân nghi của người đàn ông mất tích.

Phòng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Quảng Trị điều hàng chục cán bộ, chiến sĩ cùng nhiều phương tiện chuyên dụng tổ chức tìm kiếm.

Mưa lớn trong 2 ngày 13 và 14-11 làm 1.260 nhà ở huyện Cam Lộ và TP Đông Hà bị ngập, đã di dời 450 hộ, hơn 1.000 nhân khẩu đến nơi an toàn.

Lượng mưa trong 24 giờ qua phổ biến từ 110-230mm, một số nơi cao hơn như đập thủy điện La Tó 245mm, Cam Tuyền 265mm, Hướng Sơn 288mm, Cam Chính 307mm, Hướng Hiệp 386mm, Hướng Linh 473mm.

Tuổi Trẻ Online tiếp tục cập nhật

Yêu cầu di dời dân khỏi khu vực mưa lũ nguy hiểm Yêu cầu di dời dân khỏi khu vực mưa lũ nguy hiểm

Ngày 13-11, lãnh đạo tỉnh UBND Quảng Nam chỉ đạo sơ tán người và tài sản ra khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở đất và lũ quét trong đợt mưa lũ lần này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp