14/10/2023 08:21 GMT+7

Mưa lớn ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng: Nâng cảnh báo rủi ro thiên tai lên cấp 3

Với lượng mưa dự báo ở miền Trung có nơi lên tới 700mm trong hai ngày tới, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã nâng cảnh báo rủi ro thiên tai do mưa lớn ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng lên cấp 3.

Nhiều tuyến đường trung tâm TP Đà Nẵng lênh láng nước sau những đợt mưa - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Nhiều tuyến đường trung tâm TP Đà Nẵng lênh láng nước sau những đợt mưa - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tính đến chiều 13-10, từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to phổ biến từ 150 - 200mm; khu vực Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế lượng mưa từ 200 - 300mm, có nơi trên 400mm.

Dự báo từ nay đến hết ngày 15-10, từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 200 - 350mm, có nơi trên 600mm. Riêng Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng mưa 300 - 500mm, có nơi trên 700mm.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã nâng cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam lên cấp 2; còn Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3 (cấp 4 là cấp độ rủi ro cao nhất).

Nội đô ngập đường, đèo sạt lở

Theo dự báo, đợt mưa kéo dài đến ngày 20-10 tại miền Trung sẽ bắt đầu trở nặng từ ngày hôm nay (14-10), tuy nhiên cảnh mưa trắng trời đã trải khắp nhiều tỉnh miền Trung.

Mưa lớn liên tục trong ngày 13-10 đã khiến ký ức trận ngập lịch sử ở Đà Nẵng xảy ra cách đây đúng một năm (14-10-2022) ùa về, đặc biệt là những đợt mưa lớn xuất hiện tại khu vực trung tâm TP.

Tại các điểm "nóng" ngập lụt, đã có nhiều lần trong ngày nước tràn đường lên vỉa hè. Tại đường Quang Trung, mực nước ngang đầu gối đã khiến nhiều xe cộ qua lại chết máy.

Dù điểm này khá thường xuyên xảy ra tình trạng nước lênh láng khi có mưa nhưng vẫn xảy ra cảnh lộn xộn vì mưa lớn vào cuối buổi sáng và chiều ở khu vực tập trung nhiều trường học, bệnh viện và cơ quan công sở.

Các tuyến đường như Nguyễn Văn Linh, Đống Đa, Quang Trung có nhiều đoạn đường nước mưa không thoát kịp gây ngập từ 20 - 40cm.

Ông Hoàng Thanh Hòa, thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng, cho biết ghi nhận các đợt mưa lớn trong ba giờ buổi sáng phổ biến từ 30 - 80mm, có nơi trên 90mm.

Đồng thời trong buổi chiều tối cũng ghi nhận lượng mưa tương tự.

Theo dự báo, tổng lượng mưa phổ biến trên địa bàn những ngày tới có khả năng từ 150 - 300mm, có nơi trên 350mm. Đặc biệt trưa 15 đến hết ngày 17-10, khả năng mưa to với tổng lượng mưa phổ biến từ 100 - 250mm, có nơi trên 300mm.

Đà Nẵng đã yêu cầu các địa phương triển khai phương án phòng chống mưa lớn, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất.

Đồng thời sẵn sàng triển khai sơ tán dân theo phương án đã được phê duyệt. Các trường học trên địa bàn được chủ động quyết định cho học sinh, sinh viên, trẻ mầm non... nghỉ học để đảm bảo an toàn, nhất là các vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ.

Do ảnh hưởng của mưa lớn, đèo Hải Vân (nối Huế và Đà Nẵng) cũng xuất hiện sạt lở buộc lực lượng chức năng phải phong tỏa, cấm qua đèo từ cả hai phía. Theo Xí nghiệp quản lý vận hành và Hạt quản lý đường bộ Hải Vân, đoạn đèo sạt lở cách đỉnh đèo về phía Nam.

Đây cũng là điểm sạt lở cũ do mưa lớn đúng ngày 14-10 năm ngoái. Ước tính đã có hàng trăm mét khối đất đá tràn xuống đường đèo. Hiện tại đơn vị đã huy động máy múc, máy ủi, nhân lực để khi ngớt mưa sẽ dọn dẹp mặt bằng sớm thông tuyến.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo UBND phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) cho biết đã thông báo cho một số hộ dân kinh doanh trên đỉnh đèo tìm phương án an toàn để trú tránh trong điều kiện mưa lớn.

Trong những giờ tới, khu vực các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến 40 - 80mm, có nơi trên 150mm. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại 34 huyện của sáu tỉnh thành từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam.
Bà Nguyễn Thị Nhung (chuyên gia của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia)

Huế mưa "đặc biệt to", Quảng Trị cho học sinh nghỉ học

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, nhiều nơi hứng mưa đặc biệt to với tổng lượng mưa từ 300 - 700mm.

Mưa cực đoan ở vùng đồng bằng khiến nhiều nơi thấp trũng ở TP Huế, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà, huyện Phong Điền... bị ngập nặng. Nhiều tuyến đường quốc lộ, đường liên tỉnh bị ngập nước từ 0,3 - 0,7m, có đoạn ngập trên 1m khiến giao thông bị chia cắt cục bộ.

Để ứng phó với tình hình mưa lũ, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học.

Một số hộ dân ở khu vực dễ xảy ra ngập úng, lũ quét và sạt lở đất cũng được chính quyền địa phương di dời đến nơi an toàn. Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã phát lệnh cho hồ chứa nước thủy điện Hương Điền đầu nguồn sông Bồ xả nước về hạ du để đón lũ từ hạ nguồn về trước dự báo mưa lớn kéo dài.

Ông Đặng Văn Hòa, chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết dù mưa ở Huế trong ngày 13-10 là "đặc biệt lớn" nhưng chủ yếu xảy ra ở vùng đồng bằng, đô thị ven biển.

Theo ông Hòa, hiện nay nhiều hồ đập thủy lợi, thủy điện ở thượng nguồn các sông lớn vẫn chưa đầy, có nơi còn lo thiếu nước do mưa không tập trung ở vùng này nhiều.

"Hiện nay cơ bản các hồ đập trên địa bàn vẫn an toàn và được theo dõi sát sao. Tỉnh cũng đã phát đi công điện yêu cầu các đơn vị, chủ các hồ chứa nước phải theo dõi, đảm bảo an toàn hồ đập và vận hành theo đúng quy trình", ông Hòa nói.

Tại Quảng Trị, nhiều vùng trũng đã cho học sinh nghỉ học trong ngày 13-10. Tại huyện Hải Lăng có tám điểm trường với 2.063 học sinh mầm non, tiểu học và THCS phải nghỉ học do mưa lũ.

Trong đó Trường tiểu học và THCS Hải Hòa, 505 học sinh của toàn bộ bốn điểm trường nghỉ học từ chiều 12-10 do một số điểm trường ngập sâu trong sân 50 - 60cm, ngấp nghé vào phòng học.

Thầy Trương Văn Mẫu, hiệu trưởng nhà trường, cho biết do đường đi lại bị ngập, không đảm bảo an toàn nên nhà trường cho học sinh nghỉ học.

Từ ngày hôm trước, giáo viên nhà trường ứng trực, đưa bàn ghế và dụng cụ học tập lên cao. Một số giáo viên có nhà ở vùng trũng cũng đã bị cô lập, không thể đến trường lớp.

Ở khu vực miền núi, tuyến đường tuần tra biên giới Sa Trầm (xã Ba Nang) đi Pa Linh (xã A Vao, huyện Đakrông) bị sạt lở, đất đá đổ xuống đường khoảng 30m3 làm giao thông bị chia cắt tạm thời. Địa phương đã cử lực lượng khắc phục, hiện tại xe máy đã đi lại bình thường.

Theo chuyên gia thời tiết Huy Nguyên, trong cùng một thời điểm, khu vực Trung và Bắc Trung Bộ đón nhận nhiều hình thái thời tiết bất lợi.

- Không khí lạnh mang theo hơi ẩm từ hoàn lưu bão số 4 đi theo hướng Đông Bắc từ phía Hong Kong sang.

- Nhiễu động ngoài khơi trên Biển Đông ở khu vực vĩ tuyến 14 trở lên khu vực quần đảo Hoàng Sa đưa hơi ẩm từng đợt vào đất liền.

- Có khả năng hình thành dải hội tụ nhiệt đới hoặc áp thấp nhiệt đới gần bờ khu vực ven biển miền Trung.

Cả ba hình thái thời tiết cực đoan này gần như xuất hiện cùng thời điểm nên tạo ra mưa lớn dữ dội từng đợt theo kiểu cuốn chiếu từ Quảng Ngãi ra tới Thanh Hóa. Trong đó, mưa tập trung lớn nhất từ khu vực Thừa Thiên Huế ra Nghệ An.

Đèo Hải Vân sạt lở phải phong tỏa, đi Đà Nẵng - Huế thế nào?Đèo Hải Vân sạt lở phải phong tỏa, đi Đà Nẵng - Huế thế nào?

Sau khi phong tỏa đường lên đèo Hải Vân do sạt lở, đơn vị quản lý vận hành đã ra hướng dẫn ô tô, xe máy các hướng di chuyển khác giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp