Tình trạng quá tải, chen chúc ở chùa Tam Chúc, Hà Nam - Ảnh: HOÀNG AN
Năm nay, dù dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona rình rập nhưng hàng chục ngàn người vẫn nườm nượp kéo về chùa Hương.
Hội vẫn đông nườm nượp
Hầu hết khách thập phương đi hội chùa Hương không đeo khẩu trang vì họ tin rằng dịch chưa thể tới đây. Những khách đeo khẩu trang hầu hết là phóng viên, du khách nước ngoài.
Chị Nguyễn Thị Huệ (Thanh Miện, Hải Dương) khi được hỏi cho biết: "Nếu sợ dịch tôi đã ở nhà, tôi đeo khẩu trang cho cẩn thận hơn mà thôi".
Tuy lượng khách trong ngày khai hội chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) 30-1 không đông như ngày 29-1 (ước tính có 50 vạn người tới), nhưng chùa Hương vẫn là địa điểm du xuân sau Tết Nguyên đán được du khách ưa thích.
Trong khi đó, tình trạng chen chúc và một chút hỗn loạn ở chùa Tam Chúc (Hà Nam) vẫn chưa được cải thiện nhiều. Thượng tọa Thích Minh Quang - người trực tiếp trông coi, phụ trách chùa Tam Chúc (và chùa Bái Đính) - thừa nhận với Tuổi Trẻ tình trạng quá tải diễn ra khá căng thẳng mấy ngày đầu năm mới, đặc biệt trong hai ngày 28 và 29-1 (mùng 4 và 5 Tết Canh Tý).
Bến thuyền ở Tam Chúc đầy người chờ đợi - Ảnh: HOÀNG AN
Theo ghi nhận của lực lượng an ninh, mỗi ngày có 7-10 vạn người về Tam Chúc, ngày cao điểm con số lên tới hơn 10 vạn người.
"Lượng khách đông đảo đổ về Tam Chúc nằm ngoài dự tính của nhà chùa và ban quản lý, có ngày lên tới hơn trăm nghìn người. Cho nên dù đã rất cố gắng nhưng với lượng người như thế đổ về cùng lúc, chúng tôi không sức nào phục vụ nổi" - thượng tọa Thích Minh Quang nói.
Vị thượng tọa cho biết nhà chùa và ban quản lý đã chuẩn bị 350 xe điện, 100 xe ca, ngày 29-1 tăng cường 50 xe ca nữa, chưa kể các thuyền chở khách nhưng vẫn không phục vụ đủ nhu cầu của bà con.
Ban quản lý không thể tăng thêm số lượng xe vì tăng thêm nữa sẽ ách tắc giao thông. Ngày 29-1, có cả vạn người đã lựa chọn đi bộ gần chục kilômet đến chùa chính.
Hàng ngàn người xếp hàng vào động Hương Tích, Hà Nội - Ảnh: MAI THƯƠNG
Liệu có nên ngừng tổ chức các lễ hội?
Trước lo lắng về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra tại Trung Quốc và đất nước này cùng với Thái Lan đã phải hủy một số lễ hội, đã có ý kiến đặt vấn đề liệu có nên ngừng tổ chức các lễ hội ở nước ta.
Ý kiến này dù không nhận được sự đồng tình của các chuyên gia cũng như các cơ quan quản lý nhưng phản ánh tâm lý lo lắng trước nguy cơ dịch bệnh lây lan, bởi lễ hội tập trung rất đông người từ nhiều nơi đổ về nên có nguy cơ lây lan bệnh rất lớn.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam - đồng tình quan điểm chưa cần thiết phải hủy tổ chức các lễ hội bởi nước ta chưa công bố dịch, nhưng ông khẳng định ngành văn hóa phải tham gia tích cực vào việc tuyên truyền phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra ngay tại các lễ hội.
Cảnh nhốn nháo, chen lấn xô đẩy cúng bái, xin lộc phía bên trong đền Thượng, hội Gióng 2020- Ảnh: NAM TRẦN
"Tính mạng người dân quan trọng nhất. Lễ hội vẫn tổ chức nhưng phải khuyến cáo, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh theo nhiều kênh" - ông Sơn nói.
Ông Nguyễn Quốc Huy - trưởng phòng nếp sống văn hóa Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch) - cho biết việc hủy tổ chức lễ hội do dịch bệnh phải do Chính phủ quyết định.
Tối 30-1, nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ cho biết Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đang soạn thảo văn bản với nội dung đề nghị các địa phương căn cứ tình hình thực tế ở địa phương mình để quyết định tạm dừng tổ chức các lễ hội đầu xuân hay không.
Chấn chỉnh nạn "tranh cướp lộc": khó
Những lo lắng về tình trạng lộn xộn tranh cướp vẫn còn nguyên đó tại một số nơi trong mùa lễ hội năm nay.
Mùa lễ hội xuân 2019, hội phết Hiền Quan đã phải dừng hoạt động hội đánh phết vào ngày thứ hai diễn ra lễ hội bởi ban tổ chức không thể đảm bảo được an ninh trật tự. Năm nay, ông Nguyễn Việt Trung - phó giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Phú Thọ - cho biết lễ hội sẽ được tổ chức trở lại với cam kết nỗ lực đảm bảo an ninh trật tự.
Không được cướp phết, nhiều thanh niên náo loạn sân tế lễ tại lễ hội phết Hiền Quan năm 2019 - Ảnh: NAM TRẦN
Tuy nhiên, tới tận cuối tháng 12-2019, lãnh đạo UBND huyện Tam Nông - nơi tổ chức lễ hội này - cho biết các cán bộ địa phương vẫn còn đang bàn thảo với cộng đồng về giải pháp cho mùa lễ hội tới, "nhưng phải thú thực là rất khó!".
Lễ hội Đúc Bụt (Phú Thọ) bắt đầu từ năm trước đã có sáng kiến dùng chiếu lễ là chiếu được dệt "hờ hững" để người dân có thể dễ dàng nhận được lộc chiếu mà không cần phải tốn nhiều sức lực để cướp lộc.
Tuy nhiên, trước khi tiến lại gần manh chiếu, hàng ngàn người muốn rút lộc phải giẫm đạp tranh giành nên tình trạng phản cảm không giảm sau sáng kiến của ban tổ chức.
Nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng cho rằng ranh giới giữa văn hóa và phản cảm rất mong manh.
Xưa lễ hội chỉ quanh quẩn trong một làng, một xã vài trăm dân, nay chỉ riêng mỗi xã đã hàng ngàn người, chưa kể người tứ phương cũng dự lễ hội bởi ngày nay việc đi lại rất dễ dàng. Thế nên khi quy mô lễ hội được mở rộng như ngày nay thì chắc chắn cần phải có sự quản lý để giữ lễ hội ở bên này của lằn ranh văn hóa.
T.ĐIỂU
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận