02/02/2016 09:43 GMT+7

​Kịch tết Bính Thân: kịch ma giảm, kịch đồng tính áp đảo

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TT - Tính tới giờ này có gần 30 vở kịch tết sẵn sàng phục vụ khán giả. Khác với những năm trước, năm nay thể loại kịch ma, kịch kinh dị giảm hẳn. Trong khi đó, kịch đồng tính áp đảo.

Cảnh trong vở Thú... yêu thương của sân khấu IDECAF - Ảnh: Gia Tiến
Cảnh trong vở Thú... yêu thương của sân khấu IDECAF - Ảnh: Gia Tiến

Số lượng vở lên sàn trong mùa tết này tương đương với mùa kịch năm ngoái, tuy nhiên khá nhiều ông bà bầu đang lo lắng, hồi hộp không biết phản ứng của khán giả như thế nào...

Có thể nói, mùa kịch tết năm nay chắc không ông bầu, bà bầu nào dám khẳng định mình sẽ thắng như những năm trước. Nói thật là tôi đang rất hồi hộp. Vì trước tết sân khấu lâm vào tình trạng vé bán ra không đủ bù chi, mỗi suất chỉ bán chừng trên dưới 100 vé. Lo lắm!

Bà bầu HỒNG VÂN

 

Tràn ngập kịch đồng tính

Sân khấu kịch Hồng Vân vốn đi đầu về khai thác thể loại kịch ma, tết năm nay không có thêm... con ma mới nào. Nếu có thì chỉ mang không khí hài hước, vui vẻ nhẹ nhàng kiểu như vở Tiệm tóc âm dương (kịch Hồng Vân) hay “con ma” trong trẻo, đáng yêu trong vở Ma nữ si tình (sân khấu Thế Giới Trẻ) chứ không “hù dọa rần rần”.

Vở Ma nữ si tình
Vở Ma nữ si tình của sân khấu Thế giới trẻ - Ảnh: Gia Tiến

NSND Hồng Vân chia sẻ: “Có thể nói tụi tui là những người gần như đi đầu khai thác kịch kinh dị, kịch ma với vở Người vợ ma. Thường tết nhứt người ta kỵ nói tới mấy chuyện xấu, những chuyện ma quỷ gây sợ hãi nhưng có những năm, nguyên mùa kịch tết sân khấu thắng lớn là nhờ các vở kịch ma, kịch kinh dị.

Nhưng tới bây giờ, thật sự là cách làm kịch kinh dị của chúng ta dường như đã hết chiêu. Có bao nhiêu miếng xài hết rồi, khán giả coi riết cũng quen luôn, nên có... hù họ cũng không còn sợ!”.

Trong khi kịch kinh dị thất thế thì các sân khấu đang tỏ ra hào hứng với chủ đề đồng tính. 30 vở tết thì có khoảng phân nửa là kịch đề tài đồng tính hoặc trong kịch có các nhân vật đồng tính, gái giả trai, trai giả gái...

Sân khấu Trịnh Kim Chi có vẻ dẫn đầu về thể loại kịch này khi ba vở mới tung ra dịp tết năm nay gồm Một nửa đàn bà, Một nửa đàn ông, Chuyện tình Lương - Chúc đều ít nhiều nói về người đồng tính.

Một số vở khác cùng đề tài hoặc có liên quan đến người đồng tính như Bí ẩn cà phê 3D (phần 2 của Xóm trọ 3D), Tiệm tóc âm dương, Một cha ba mẹ của sân khấu Hồng Vân, Trót yêu (Thế Giới Trẻ)...

Có thể nói kịch đồng tính là đề tài hot của mùa kịch tết năm nay. Tuy nhiên, không có nhiều sân khấu khai thác một cách sâu sắc những câu chuyện, thân phận của những con người thuộc thế giới thứ ba để cộng đồng có cái nhìn chia sẻ.

Vẫn còn những vở dàn dựng kiểu ồn ào, câu khách với nhiều trò diễn nhạt nhẽo, thậm chí gây phản cảm. Đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc, thành viên hội đồng phúc khảo các vở diễn tết, nhấn mạnh:

“Có lẽ các sân khấu cần phải biết tự tiết chế, cân nhắc mức độ như thế nào cho hợp lý. Sân khấu có nhiều đề tài để khai thác, thân phận người đồng tính cũng là một đề tài nhưng dựng quá nhiều về đề tài này e rằng cũng không hay...”.

Vở hay đếm không quá một bàn tay

 

Cảnh trong vở Lan và Điệp của sân khấu Hoàng Thái Thanh - Ảnh: Gia Tiến
Cảnh trong vở Lan và Điệp của sân khấu Hoàng Thái Thanh - Ảnh: Gia Tiến

Năm nay, sân khấu vẫn phải căng thẳng đối mặt với việc diễn viên chạy sô truyền hình không có thời gian tập dượt, thậm chí có những diễn viên là trụ cột của một số sân khấu không xuất hiện trong mùa kịch tết vì không có thời gian tập vở mới, hoặc cả năm chạy sô mệt mỏi phải nghỉ tết để ở nhà dưỡng sức.

Nhân lực bị động, kịch bản lại khan hiếm nên theo đánh giá của hội đồng phúc khảo kịch tết, năm nay không có nhiều vở hay; vở xem được và khá ổn chỉ đếm không quá một bàn tay.

Nhạc kịch Tấm Cám của nhóm Buffalo cũng ra mắt tại nhà hát Bến Thành trong dịp Tết Nguyên đán này - Ảnh: Gia Tiến
Nhạc kịch Tấm Cám của nhóm Buffalo cũng ra mắt tại nhà hát Bến Thành trong dịp Tết Nguyên đán này - Ảnh: Gia Tiến

Biết tâm lý khán giả ngày tết muốn đến sân khấu để cười nên nhiều sân khấu vẫn ưu tiên kịch hài. Tuy nhiên, phần lớn các vở diễn hài dựa trên một câu chuyện đơn giản, thậm chí lỏng lẻo, rồi từ đó tác giả và đạo diễn “thi triển” các mảng miếng hài. Vì nội dung chẳng có gì nên nhiều khi diễn viên phải... bơi, phải tấu qua tấu lại một cách vô thưởng vô phạt, vừa không ăn nhập câu chuyện vừa gây cảm giác mệt mỏi, khó chịu.

Tuy nhiên, dù ít ỏi nhưng một số vở diễn có sự đầu tư, có câu chuyện đàng hoàng. Nghệ sĩ Ái Như và nghệ sĩ Thành Hội cố gắng tìm kiếm và dàn dựng hai vở diễn được đánh giá rất khá là Mình có quen nhau hông? Lan và Điệp.

Ở cả hai vở diễn, các nghệ sĩ đều thể hiện sự tìm tòi sáng tạo và kỹ càng trong từng chi tiết. Cách làm việc nghiêm túc đó càng khẳng định vị trí của Hoàng Thái Thanh trong lòng công chúng và những người làm nghề.

Cảnh trong vở Tấm Cám của sân khấu Idecaf - Ảnh: Gia Tiến
Cảnh trong vở Tấm Cám của sân khấu IDECAF - Ảnh: Gia Tiến

Bên cạnh kịch Tấm Cám (Tuổi Trẻ ngày 29-1) đang “cháy” vé, Thú... yêu thương là vở diễn có màu rất khác so với các vở diễn của Idecaf trong mùa tết năm nay. Vở giải trí nhưng mang tính đả kích, châm biếm sâu cay.

Chuyện kể về con chó NaNa rất được gia đình một ông cục trưởng cưng chiều. Mỗi người trong gia đình hay những người nơi công sở có những toan tính, tâm tư riêng không thể thổ lộ với ai đều tâm tình với chó NaNa.

Rồi một ngày, NaNa bất ngờ biết nói, hào hứng kể hết tất cả tâm sự của mọi người, lúc này NaNa không còn là con thú cưng nữa mà trở thành kẻ tội đồ...

Sự dày dặn kinh nghiệm của NSƯT Thành Lộc (vai chó NaNa) và NSƯT Hữu Châu (vai vị cục trưởng) đã khiến vở có phần mang tính chính luận nhưng dễ xem và khá hấp dẫn.

Cảnh trong vở Đảo lửa của sân khấu Hồng Hạc - Ảnh: Hồng Hạc
Cảnh trong vở Đảo lửa của sân khấu Hồng Hạc - Ảnh: Hồng Hạc

Các vở Một cha ba mẹ, Tiệm tóc âm dương ở sân khấu kịch Hồng Vân xây dựng thế giới đồng tính nam, đồng tính nữ có tình và dễ thương. Một nửa đàn ông ở sân khấu Trịnh Kim Chi là câu chuyện xúc động, chạm đến trái tim người xem...

*** Error ***
Vở Một cha ba mẹ của sân khấu Hồng Vân - Ảnh: Gia Tiến

Sân khấu kịch Hồng Hạc vừa ra đời vào cuối tháng 12-2015 tại sân khấu thể nghiệm Trường Múa TP.HCM cũng ra mắt một vở diễn “mới toanh” trong mùa tết này. Đó là vở Diễn viên hạng ba chuyển thể từ tác phẩm văn học của nhà văn Lý Lan, bên cạnh các vở đã ra mắt và tiếp tục công diễn: Giờ của quỷ, Đảo lửa, Visa. 

Các diễn viên trong vở Diễn viên hạng ba của sân khấu Hồng Hạc - Ảnh: Hồng Hạc
Các diễn viên trong vở Diễn viên hạng ba của sân khấu Hồng Hạc - Ảnh: Hồng Hạc

Nhà hát Trần Hữu Trang không ra mắt vở tết

Với quyết định thanh tra để xử lý sai phạm trong quá trình triển khai thực hiện dự án xây dựng Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang mà UBND TP.HCM vừa đưa ra hồi đầu tháng 1, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang năm nay không ra mắt vở tết.

Ông Trần Ngọc Giàu - giám đốc nhà hát - cho biết: “Chúng tôi đã lên kế hoạch và bắt tay vào dàn dựng hai vở Dòng xoáy Mộng Hoa Vương định ra mắt mùa tết.

Tuy nhiên, êkip lúng túng trong việc dàn dựng và thực hiện cảnh trí, bởi không biết thực hiện theo không gian rạp nào, Thủ Đô hay Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (rạp Hưng Đạo cũ).

Cuối cùng đành dời sau tết khi nào có kết luận thanh tra rõ ràng. Dù không diễn tại rạp nhưng ba đoàn của nhà hát cũng sẽ đi diễn phục vụ ở các quận huyện trong TP và một số tỉnh lân cận trong mấy ngày xuân”.

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp