Duy Kiên và Mai Trinh rót nước sạch đã được xử lý bằng Magic Book cho các em học sinh dùng trong ngày khánh thành công trình - Ảnh: K.Ngân |
“Hiện mỗi ngày Magic Book có thể đem lại 50 lít nước sạch và căn bản hỗ trợ được nhu cầu nước uống của học sinh trong trường” - bà Lê Thị Thảo, hiệu trưởng nhà trường, nói.
Ý tưởng thành hiện thực
Là khu vực nằm giáp biển nên xã Thái Đô có nguồn nước ngầm nhiễm nhiều sắt, độ mặn cao. Do nước máy chưa được dẫn về xã nên người dân địa phương hiện chỉ có nguồn nước duy nhất để dùng là nước mưa. Toàn bộ hộ dân ở xã đều phải xây bể chứa nước mưa và tằn tiện từng giọt bởi mùa mưa thường chỉ kéo dài từ tháng 7 đến tháng 10.
“Nước giếng khoan thì chúng tôi cố lọc mọi cách vẫn không dùng để uống được, ngay cả dùng để tắm thì gây khô, ngứa da... Nước mưa dần bị ô nhiễm nặng vì những nhà máy mới mọc trong vùng” - ông Lê Minh Khôi (70 tuổi) cho biết.
Từ thực tế đó, Lê Thị Mai Trinh (22 tuổi, ĐH Ngoại thương Hà Nội) và Đoàn Duy Kiên (22 tuổi, ĐH Bách khoa Hà Nội), cùng quê Thái Bình, đã ấp ủ nhiều ý tưởng để rồi sau đó thiết kế dự án “Xây dựng bến nghỉ với hệ thống chưng cất nước biển và dự trữ nước mưa”. Dự án sau đó đã giành chiến thắng trong cuộc thi “Mùa hè nước 2015” và được hỗ trợ 50 triệu đồng để biến ý tưởng thành hiện thực.
“Nước mặn phơi nắng trong một cái khay sẽ bốc hơi và để lại muối dưới đáy khay. Khi chúng ta đặt một tấm kính nghiêng (hoặc tấm nhựa trong suốt) ở trên khay thì các giọt nước trên sẽ trượt xuống phía dưới, chảy vào bể chứa nước chưng cất. Thiết kế của chúng tôi sử dụng chủ yếu nguồn năng lượng mặt trời” - Duy Kiên tóm tắt về cách vận hành của Magic Book.
Để tăng quá trình hấp thu năng lượng mặt trời, Duy Kiên cho biết bộ phận hấp thụ nhiệt bên dưới được làm bằng kim loại (inox) và sơn đen. Ngoài ra, công trình cũng có thêm một số công đoạn để lọc nước sạch hẳn.
Ông Bùi Văn Thiều, chủ tịch UBND xã Thái Đô, cho biết: “Do trường mầm non trên mới xây, chưa có nguồn nước mưa dự trữ nên các thầy cô thường phải đi chở từng lít nước từ hộ dân, các trường lân cận về để dùng. Dự án này góp phần giảm bớt gánh nặng của địa phương về vấn đề nước sạch. Tôi mong muốn dự án sẽ tiếp tục được tạo điều kiện mở rộng với quy mô lớn hơn, phục vụ được nhiều người hơn nữa”.
Tôi tin rằng cha mẹ nào cũng thương và muốn điều tốt nhất cho con. Nhiệm vụ của người trẻ là phải hành động, thuyết phục họ rằng mình đã đủ trưởng thành để chịu trách nhiệm về quyết định của mình |
MAI TRINH |
Cũng nhờ dự án mà tôi học được một số kỹ năng mềm, đã trở nên hướng ngoại hơn thay vì chỉ biết dán chặt mình vào máy tính như trước đây |
DUY KIÊN |
Hơn cả một cuộc thi
Ít ai biết đằng sau bộ hồ sơ dài 20 trang rất chi tiết từ bản vẽ thiết kế đến bảng dự toán, nghiên cứu về tình hình nước ngọt tại địa phương... được gửi đến ban tổ chức cuộc thi “Mùa hè nước 2015” là những câu chuyện “cười ra nước mắt” từ Duy Kiên và Mai Trinh.
Đều đang là sinh viên năm cuối, hai bạn “nhận lệnh” từ gia đình là phải tập trung học để tốt nghiệp loại giỏi, tuyệt đối không được phép tham gia hoạt động ngoại khóa. “Tuy nhiên khi tiếp xúc với một người bạn cùng trường từng có cơ hội tham gia Mùa hè nước 2014, cảm nhận được sự hào hứng và niềm vui từ bạn khi tạo ra một thành quả có ích cho cộng đồng, chúng tôi quyết định... giấu gia đình và cặm cụi làm chui”.
Ngày Duy Kiên và Mai Trinh quyết định vào TP.HCM tham dự vòng chung kết cuộc thi vào tháng 6 vừa qua thì mọi chuyện bị lộ. Cả hai gia đình đều không đồng ý để các bạn lên đường. “Tôi đã ngồi trải lòng cùng mẹ rằng bốn năm đại học vừa trôi qua mà chưa có gì đọng lại, tôi muốn thời sinh viên của mình phải có điều gì để nhớ” - Duy Kiên kể.
Nhận dự án rồi thì đi đi về về như “con thoi” giữa Hà Nội và Thái Bình trong hơn một tháng. “Việc khảo sát địa hình, đi gặp chính quyền địa phương, tìm nhân công, vận chuyển vật liệu xây dựng từ Hà Nội về Thái Bình và từ xã này qua xã khác... mất khá nhiều thời gian, có những giai đoạn tuần nào chúng tôi cũng về, ngay cả lúc “dầu sôi lửa bỏng” vì lịch thi dày đặc của năm cuối” - Mai Trinh giải thích về việc nhớ nằm lòng những ngõ ngách, con đường dài hàng chục kilômet chạy băng qua cánh đồng lúa, bờ biển giữa xã Thụy Xuân, thị trấn Diêm Điền, xã Thái Đô...
Lễ khánh thành công trình Magic Book vào ngày 23-10 tại khuôn viên Trường mầm non xã Thái Đô ngập tràn nụ cười. Mai Trinh cho biết rất hạnh phúc khi thấy cả gia đình đến dự dẫu trước đó cha của Trinh từng giận, nói sẽ không tham dự chương trình.
“Tận mắt nhìn thấy công trình sừng sững mà chúng tôi gầy dựng những tháng vừa qua, thấy ánh mắt rạng ngời, háo hức của những đứa trẻ khi được uống nước sạch từ Magic Book..., cha tôi đã mỉm cười” - Trinh chia sẻ.
Magic Book là một trong sáu dự án thắng giải trong cuộc thi “Mùa hè nước 2015” do Trung ương Hội Sinh viên VN, Cục Quản lý tài nguyên nước, nhãn hàng Comfort một lần xả và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức thông qua trang web www.1tym3nuoc.vn. “Magic Book vừa mang lại giá trị thực tế cho địa phương vừa có giá trị tuyên truyền cao. Hướng giới trẻ vào ý thức tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước, đam mê sáng tạo và biết bứt ra khỏi những giới hạn của bản thân là mong muốn của chúng tôi” - bà Vũ Hương Thảo (đại diện nhãn hàng Comfort) chia sẻ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận