Cọ xát với môi trường lao động
Năm nay là năm thứ hai Huỳnh Bảo Anh (17 tuổi, trọ đường Tô Hiệu, quận Tân Phú, TP.HCM) đi làm thêm dịp nghỉ hè. Cậu vừa học xong lớp 11 nhưng đã bắt đầu kiếm tiền vào hè năm lớp 10 với cùng một công việc và chỗ làm.
Cậu kể công việc của mình là lấy từng hộp và nắp nhựa thành phẩm từ máy sản xuất rồi để ngăn nắp vào bao bì, mỗi bao sẽ chứa 100 hộp và nắp. Sau đó cột lại để nằm ngang rồi xếp chồng lên khoảng 5 lớp như vậy, cột lại thành cục hàng giao cho khách.
Một ngày làm 8 tiếng, cậu được trả công 1.260.000 đồng/tuần với điều kiện không nghỉ ngày nào, kể cả chủ nhật, không bao cơm nước. Mỗi tháng làm đủ 4 tuần, tức làm 28 ngày sẽ nhận khoảng 5.040.000 đồng, số tiền khá đáng kể ở tuổi 17 của Bảo Anh.
Cậu học trò quê An Giang hiện đang ở trọ cùng cha mẹ, chuẩn bị lên lớp 12, mỗi ngày đều tự chạy xe đến chỗ làm. Cha mẹ em làm công nhân ở Long An, mỗi ngày đi làm đến tối mới về tới nhà.
Bảo Anh cho biết em không đi học thêm dịp hè như bạn bè nên mới có thời gian đi làm. "Cũng may nó học khá nên tự học được, chứ tụi tui làm công nhân tiền đâu mà cho con đi học thêm môn này môn kia", chị Mỹ Hạnh (mẹ Bảo Anh) chia sẻ...
Trong khi đó, Trương Tuyền, 27 tuổi, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (TP.HCM) làm trợ giảng cho một trung tâm ngoại ngữ, cho biết bản thân luôn cố gắng hài hòa giữa việc học và đi làm thêm.
Yêu tiếng Anh và thích làm việc với trẻ em, sau khi nghỉ việc, cô quyết định học văn bằng 2. "Hè năm ngoái, tôi tranh thủ tìm việc làm thêm và nhận trợ giảng đến nay. Vì trung tâm này có nhiều chi nhánh nên mỗi khi có lịch đi làm, tôi thường chạy xe từ quận Bình Thạnh tới, có khi đi gần 12km", cô chia sẻ.
Hiện đang sống cùng ba mẹ nên thu nhập 3 - 5 triệu đồng/tháng từ công việc part-time này cũng đủ cho cô trang trải học phí, tiền ăn uống, xăng xe...
Từ hồi còn là sinh viên ngành học trước đây, cô đã tập tành đi làm thêm. Cô nói: "Lần đầu tôi làm thêm là 6 - 7 năm trước.
Tôi không nhớ rõ mình dùng tiền lương vào việc gì nhưng có đưa cho mẹ. Mẹ không nhận và nói tôi cứ giữ mà xài. Cảm xúc khi nhận lương là vui, bất ngờ, về khoe với gia đình...".
Theo cô, ngày đó do có thời gian rảnh và bạn bè rủ nên cô "đi làm cho vui và làm quen với môi trường lao động", bây giờ là làm để chi tiêu cuộc sống và tích lũy kinh nghiệm.
Tương tự, ba tháng nay, Nguyễn Anh Tuấn (sinh viên năm cuối Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM) làm việc cho một công ty phần mềm. Kể về quyết định đi làm, Tuấn nói: "Tôi và một số bạn nhận việc để có kinh nghiệm, thu nhập, chuẩn bị tinh thần sau này ra trường làm chính thức".
Với mức lương hơn 9 triệu đồng/tháng, Tuấn cho biết bước đầu đã tự lo các chi phí sinh hoạt. Mỗi tháng cậu sinh viên ngành công nghệ thông tin chi trả 2,5 triệu đồng tiền trọ chưa kể điện nước. Tuấn cùng bạn chung phòng phân chia việc đi chợ, nấu ăn... những khi rảnh rỗi. Anh cũng mua quà cho em gái nhân dịp lãnh lương.
Nói thêm về việc chi tiêu, Tuấn chia sẻ mình xài tiền cũng khá thoải mái nhưng không phung phí. Lúc lãnh tháng lương đầu, Tuấn vui và thấy rằng chuyện đi làm sớm có nhiều lợi ích, vừa tìm được chỗ làm phù hợp chuyên ngành, vừa cọ xát thực tế.
"Sau này ra trường, lương tôi có thể từ 15 - 20 triệu đồng/tháng. Tôi đang ôn thi chứng chỉ ngoại ngữ, chuẩn bị tốt nghiệp", Tuấn chia sẻ.
Dành dụm và phân chia hợp lý
Bảo Anh tâm sự do nhà nghèo nên trước giờ chưa từng đi học thêm như các bạn trong lớp, nhưng em nhắm mình có thể tự học được, sức học của em cũng ở mức khá nên thay vì nghỉ hè ở nhà bấm điện thoại cả ngày, chàng trai xin cha mẹ cho đi làm thêm kiếm tiền.
"Ban đầu em sợ mình làm không được nên tính làm thử thôi, mà sau đó làm được với thấy lương cũng ok nên hè năm nay tới xin làm tiếp", Bảo Anh nói và cho hay vào năm sau, sau khi thi tốt nghiệp THPT xong, em sẽ tiếp tục công việc này để phụ cha mẹ kiếm tiền vào đại học.
Cậu học trò chuẩn bị lên lớp 12 tâm sự hai năm vào dịp nghỉ hè em đều tận dụng thời gian đi làm đến lúc tựu trường mới ngưng. Tiền lương mỗi tháng 5 triệu đồng, cậu đưa một phần kha khá để cho cha mẹ, phụ tiền trọ và dành dụm làm tiền sinh hoạt phí khi bước vào năm học mới.
Trong khi đó, Trương Tuyền chia sẻ số tiền nhận được mỗi tháng từ công việc gia sư tiếng Anh được cô phân chia hợp lý, đặc biệt là những khoản chi phải căn cứ số tiền mình có trong ví.
Cô thường chia những khoản phải tiêu xài thành bốn phần. "Đó là những khoản bắt buộc, khoản chi hằng ngày, khoản chi cá nhân. Nếu tháng nào có dư một ít tôi sẽ để dành cho những việc cần thiết và quan trọng", cô nói.
Có lúc, Tuyền cũng gặp tình trạng hao hụt do xài nhiều, nhưng cô cho biết sau đó cố gắng duy trì việc tiết kiệm lại thì mọi thứ cũng tạm ổn.
Không được lơ là việc học
Theo một số bạn trẻ, khi đang là sinh viên chuyện làm thêm kiếm tiền vào mùa hè nói riêng và trong năm nói chung là hợp lý, nhưng đừng quá đặt nặng mà lơ là
việc học.
Tuyền cho biết mình vừa học vừa làm và gần đây học thêm Pháp ngữ để đáp ứng yêu cầu ngành học.
Dù vậy, cô vẫn ưu tiên việc học và cố gắng sắp xếp thời gian, dù nhiều hôm xong mọi thứ là nửa đêm. Còn với Tuấn, anh đi làm khi chương trình học cơ bản hoàn thành vì không muốn ảnh hưởng chất lượng học tập.
Trong khi đó, Bảo Anh cho biết công việc mùa hè của em chỉ làm đến 2h chiều, sau thời gian đó là rảnh nên em tranh thủ tìm hiểu qua bài vở cho năm học mới, chỗ nào chưa rõ sẽ lên mạng tìm hoặc trao đổi với bạn bè thân thiết để tựu trường không bị lạc lõng kiến thức với bạn bè cùng lớp.
Về lưu ý khi bạn trẻ đi làm thêm, ThS Hoàng Thị Thoa (giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp HUIT, Trường ĐH Công thương TP.HCM) nhắn nhủ mọi việc đều có mặt lợi và hại, mỗi lựa chọn đều phải đánh đổi.
Do đó các sinh viên phải thật nghiêm túc, cân nhắc hoàn cảnh thực tế và xác định mục tiêu rõ trước khi làm thêm.
"Các bạn cần xác định việc học là ưu tiên hàng đầu, không vì lợi ích nhỏ mà đánh đổi tương lai. Các bạn có thể lên kế hoạch cụ thể để cân bằng việc làm thêm, việc học, các công việc khác và nghiêm túc tuân theo kế hoạch. Mỗi đợt đi làm thêm, sinh viên cần tự đánh giá hiệu quả đạt được và có kế hoạch tương lai", ThS Thoa chia sẻ.
Nên tìm việc gần với ngành học
ThS Hoàng Thị Thoa - giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp HUIT, Trường ĐH Công thương TP.HCM - cho biết bạn trẻ nên cố gắng tìm những công việc phù hợp hoặc gần với ngành nghề đang học. Điều này sẽ giúp đưa kiến thức đã học vào thực tế, rèn luyện phẩm chất cần cho nghề nghiệp sau này.
--------------------------
Mùa hè được nghỉ học ở quê không làm gì ra tiền, các em theo cha mẹ lên thành phố phụ kiếm tiền để chuẩn bị mua tập sách, học phí bước vào năm học mới...
Kỳ tới: Mùa hè, lên thành phố kiếm tiền đi học
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận