Em Thân Thị Thanh Thúy, học sinh lớp 6 tại TP.HCM, nói sẽ dành hè đặc biệt năm nay đọc những cuốn sách em yêu thích - Ảnh: TỰ TRUNG
Mùa hè phải hạn chế di chuyển, tiếp xúc. Trung tâm vui chơi giải trí, học ngoại ngữ, kỹ năng những năm trước sôi động hấp dẫn bao nhiêu thì năm nay phải "đóng băng" vì dịch bệnh.
Phụ huynh "đau đầu"
Bà Nguyễn Kim Anh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) mất hơn một tuần hỏi chương trình tiếng Anh hè cho đứa con đang học lớp 7.
Bà than thở: "Dịch bệnh nên nhiều trung tâm "đóng băng" các khóa hè. Trong năm trung tâm tôi tham khảo có ba nơi không có chương trình nào cho hè như mọi năm. Trung tâm có chương trình hè cũng lưu ý thời gian bắt đầu tùy diễn biến của dịch. Trường hợp xấu nhất là đến ngày 10-7, chương trình không thể bắt đầu sẽ hoàn tiền cho phụ huynh".
Ngoài ra, những trung tâm đào tạo kỹ năng sống vốn xem hè là "mùa vụ" lớn nhất trong năm cũng đang vất vả với lịch khai giảng. Điển hình như Trung tâm thanh thiếu niên miền Nam thông báo lùi thời gian gần như tất cả chương trình học trải nghiệm, học kỳ quân đội...
Bà Nguyễn Ngọc Minh Thư (Q.10, TP.HCM) những năm trước cho hai con tham gia học kỳ quân đội hoặc đưa con về quê. Năm nay hai hướng đều "bế tắc" vì TP.HCM đang căng mình chống dịch.
"Nơi tôi chọn khóa học kỳ quân đội cho con năm nay thông báo không dám chắc chương trình có thể diễn ra hay không. Có thầy còn nói đùa chỉ có "cô vy" (COVID-19) mới... quyết được".
Hai bạn Nguyễn Duy Khánh và Nguyễn Minh Tùng, học sinh lớp 4, hẹn hè này sẽ cùng nhau chơi xe đạp - Ảnh: T.T.
Duy trì động lực hơn là kiến thức
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Trang, giám đốc điều hành Công ty TNHH tư vấn giáo dục Teach For Vietnam, nói dịp hè đặc biệt năm nay nên tập trung vào phát triển kỹ năng và duy trì động lực học cho trẻ hơn là lo ngại về kiến thức.
Bà Trang dẫn nghiên cứu của RISE (Cải thiện các hệ thống của giáo dục) cho thấy sự gián đoạn việc học trong hai tháng sẽ khiến khoảng cách trong giáo dục về lâu dài tăng lên đến hai năm.
Việc nghỉ học ở nhà quá lâu cũng sẽ ảnh hưởng đến động lực học tập cũng như niềm yêu thích việc học của học sinh.
Bà Trang lưu ý sắp xếp thời gian biểu hợp lý giữa việc tham gia các lớp học trực tuyến cũng là một vấn đề cần được lưu tâm. Không nên xếp thời gian biểu dày đặc như ca sáng, ca chiều, ca tối mà nên có khoảng thời gian nghỉ ngơi, vận động và tách trẻ ra khỏi màn hình máy tính/điện thoại.
Tránh việc trẻ bị quá tải cũng như dẫn đến hiệu quả của việc học bị giảm sút vì khối lượng thông tin quá nhiều. Cần có sự cân bằng giữa các môn học mà trẻ yêu thích với môn học và kỹ năng cần thiết.
Trong khi đó, bà Bạch Tố Trinh, phó tổng giám đốc Học viện STEM - DTT Eduspec, nói dịp hè năm nay gia đình có thể bồi dưỡng niềm say mê khoa học công nghệ cho con.
Theo đó, cha mẹ nên tạo cho con một môi trường khoa học công nghệ ngay trong nhà bằng cách hướng dẫn con đọc các sách về khám phá công nghệ, các thành tựu, phát minh, nhà khoa học nổi tiếng thế giới.
Cha mẹ cũng có thể giới thiệu cho con xem các chuyên mục khoa học công nghệ trên truyền hình hay đơn giản là cho con chơi những bộ robot như Photon, hoặc lắp ráp theo chủ đề như Lego...
"Hiện nay, trên Internet có rất nhiều chương trình hướng dẫn trẻ khám phá công nghệ, trong đó có nhiều nội dung thiết thực, hữu ích cho trẻ, ba mẹ nên tìm hiểu trước và chọn lọc cho các con tiếp cận" - bà Trinh nói thêm.
Làm gì để trẻ không "cuồng chân"?
Bà Chế Dạ Thảo (thạc sĩ giáo dục học Trường ĐH Công nghệ TP.HCM - HUTECH):
Kết nối thiên nhiên
Chăm sóc cây, kết nối thiên nhiên là hoạt động phụ huynh nên khuyến khích trẻ tham gia. Trẻ kết nối được với thiên nhiên, với vườn cây hoa lá sẽ có được những kỹ năng nhất định, hình thành được ý thức về thiên nhiên xanh, sạch, đẹp.
Muốn trẻ tham gia có hiệu quả việc chăm sóc cây xanh, vườn nhà thì phải tìm hiểu nhu cầu của trẻ. Hoạt động trồng cây, chăm sóc cây phải vừa sức với trẻ, tùy đặc điểm, độ tuổi của con. Từ học chọn loại cây, giống cây, hãy để trẻ tham gia hầu hết mỗi khâu.
Đây cũng như tham gia hoạt động thể chất nhẹ nhàng. Trẻ được làm chủ dự án nho nhỏ và rèn cho trẻ tính chịu trách nhiệm với dự án nhỏ của mình.
Chuyên gia thể dục thể hình Nguyễn Thái Hữu (Q.1, TP.HCM):
Vận động với những bài tập đơn giản
Cha mẹ cùng con hoặc hướng dẫn con tập các bài tập đơn giản tại nhà, tích cực vận động thân thể hằng ngày ở nhà nhiều nhất có thể, nên từ 30 phút đến 1 giờ/ngày.
Một số vận động có thể tập luyện ở nhà như nhảy dây, các bài tập tay chân đơn giản, thăng bằng, leo cầu thang... Gia đình nào có máy móc sẵn tại nhà thì cho con trực tiếp chạy bộ, tập luyện máy móc phù hợp với sức khỏe và lứa tuổi.
Ngoài ra, cha mẹ hướng dẫn con tham gia các lớp tập thể dục trực tuyến, tìm và tập theo các bài tập có hướng dẫn trên mạng. Bây giờ app thể dục online rất nhiều, cha mẹ tải về và cho con nhún nhảy tập luyện theo nhạc, hoặc thực hành các trò chơi vận động qua video.
Chị Thúy Hà và con gái Hoàng Yến ở TP.HCM chuẩn bị góc tô tượng mùa hè này - Ảnh: TỰ TRUNG
TS Trần Thị Minh Hạnh (trưởng khoa dinh dưỡng BV Hoàn Mỹ Sài Gòn):
Lên thời gian biểu dinh dưỡng
Để trẻ phát triển thể chất trong thời điểm giãn cách xã hội, cha mẹ cần có sự chuẩn bị thực phẩm tươi ngon, đảm bảo cung cấp đủ bốn nhóm chất dinh dưỡng cho trẻ gồm bột đường (cơm, mì, khoai, bắp...), đạm (thịt, cá, trứng, sữa, đậu), chất béo (dầu, mỡ, bơ), vitamin và khoáng chất (từ rau và trái cây).
Khi không thể thường xuyên ra ngoài chọn mua thực phẩm thì cần chú ý không để trẻ bị thiếu chất đạm. Nếu chưa kịp mua thịt, cá thì nên có trứng, sữa cho trẻ để bổ sung chất đạm.
Đối với trái cây nên mua những loại giàu vitamin và dễ bảo quản như cam, bưởi, chuối, đu đủ...
Để trẻ có đủ dinh dưỡng phát triển thể chất, phụ huynh cần có thời gian biểu sinh hoạt cho con nhằm giữ nề nếp sinh hoạt. Điều này nhằm đảm bảo việc các con ăn đúng bữa, đúng giờ, không ăn vặt quá nhiều ảnh hưởng đến bữa chính, cần uống đủ nước, tránh uống nhiều nước ngọt, không để các con ngủ nhiều, quên ăn...
Một ngày của trẻ vẫn cần đảm bảo ba bữa chính với thịt (hoặc cá, trứng, sữa), cơm (hoặc bánh mì, bún, mì...), rau và trái cây. Ngoài ra, cha mẹ cần dự trữ các loại sữa phù hợp với con.
Cần nhắc trẻ uống đủ nước, uống rải rác suốt cả ngày để bù đủ nước cho cơ thể, giúp bài tiết tốt và giữ hầu họng luôn ẩm ướt để phòng tránh viêm vùng mũi họng...
TS Ngô Xuân Điệp (trưởng khoa tâm lý Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM):
Trò chuyện, lắng nghe
Việc bị hạn chế ra ngoài, lo lắng vì dịch, không được tụ tập vui chơi với bạn bè... có thể dẫn đến căng thẳng, lo âu, có vấn đề về tâm lý ở trẻ.
Với những trẻ trước đây có một mùa hè thoải mái tham gia hoạt động ngoại khóa, du lịch trải nghiệm thì nay khi môi trường sống thay đổi, bị bó buộc trong một không gian chật hẹp, trẻ càng dễ bị stress hơn.
Để cởi bỏ tâm lý lo âu, bứt rứt cho trẻ vào giai đoạn cả nước "cuồng chân" thì các yếu tố này cần được thực hiện đồng bộ, gồm: trò chuyện với trẻ, lắng nghe trẻ, tổ chức hoạt động phù hợp cho trẻ và thực hiện một số bài tập thể dục giảm stress cho trẻ.
Đầu tiên cha mẹ cần trò chuyện, động viên, khuyến khích các con nói ra cảm xúc, mong muốn và rắc rối (nếu có) của các con với mình mỗi ngày. Trò chuyện là phương thức giúp trẻ giải tỏa căng thẳng rất tốt.
Với trẻ đang ở giai đoạn tiền dậy thì, dậy thì, những ảnh hưởng của sự lớn lên nhanh chóng của cơ thể và những bức bối do hoàn cảnh xã hội bắt buộc sẽ khiến trẻ dễ gặp rắc rối tâm lý.
Vì thế, sau trò chuyện, gợi mở với con về các chuyện thường ngày, cha mẹ cần làm một người lắng nghe mọi việc của con với tinh thần thấu hiểu, tôn trọng, chia sẻ, tránh cắt ngang hay áp đặt ý kiến của mình lên các con...
Đồng thời, trong quãng thời gian này, cha mẹ nên gợi mở hoặc tổ chức một số hoạt động mà trẻ yêu thích trong nhà, hoặc giới thiệu những trò chơi dân gian cho trẻ với tinh thần cha mẹ con cái cùng khám phá.
Những việc này nên làm đồng thời với nhau, trong không khí gia đình đầm ấm thì cha mẹ có thể biến dịp nghỉ hè mắc kẹt vì dịch COVID-19 này có thể trở thành một khoảng thời gian vui vẻ, đáng nhớ của gia đình.
Nhà văn Nguyễn Bích Lan:
Lập kế hoạch đọc sách
Mùa hè sẽ thật đáng nhớ với các em nếu các gia đình, thầy cô động viên và giúp các em lập kế hoạch đọc sách phù hợp.
Với trẻ đang học tiểu học và THCS, việc chinh phục thử thách đọc 20 cuốn sách thiếu nhi kinh điển mà ai cũng nên đọc trước tuổi 15 có thể mang lại cho các em niềm hạnh phúc được lạc vào Những cuộc phiêu lưu của Tôm Sawyer, Đảo giấu vàng, Ông già và biển cả, Alice và xứ sở diệu kỳ, khám phá những điều mới mẻ, kỳ thú của thiên nhiên trong Hai vạn dặm dưới đáy biển, Trên sa mạc và trong rừng thẳm, Đất rừng phương Nam...
Các em cũng có thể thưởng thức những tác phẩm kinh điển về gia đình, tuổi thơ qua các tác phẩm văn học thiếu nhi nổi tiếng như Không gia đình, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, Quê nội, Những ngày thơ ấu, Lũ trẻ đường tàu...
Trong thời gian dịch bệnh hoành hành, các nhà phát hành sách đã có những cách tiếp cận bạn đọc linh hoạt thông qua các kênh bán sách online, rất thuận tiện cho người đọc.
NSƯT Hoàng Ngọc Long (quyền giám đốc Nhạc viện TP.HCM):
Mùa hè thú vị hơn với âm nhạc
Trong mùa hè mà hầu hết học sinh phải hạn chế ra đường thì việc bồi dưỡng, trau dồi năng khiếu nghệ thuật, âm nhạc cho trẻ nên được cha mẹ coi là một cách giúp các em có một mùa hè ở nhà thú vị hơn.
Cha mẹ nên coi việc giãn cách xã hội là khoảng thời gian quý giá để con có thể tiếp cận, làm quen hoặc bồi dưỡng năng khiếu, đam mê nghệ thuật, đàn, hát. Cha mẹ có thể giúp con thư giãn qua các bản nhạc, bài hát... bằng hai cách.
Thứ nhất, đăng ký các khóa học online dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
Thứ hai, có thể tải những bài hát, bản nhạc theo chủ đề phù hợp với trẻ hoặc trẻ yêu thích, các video ca nhạc... để trẻ làm quen, học tập mỗi ngày. Những bộ môn thuộc về năng khiếu như đàn, hát... trẻ sẽ thẩm thấu bằng cách nghe, xem, nên cha mẹ có thể bố trí như đó là một thời gian giải lao theo yêu cầu của con.
Để việc học âm nhạc trở nên không bắt ép đối với trẻ, cha mẹ cần phải đi từ sự yêu thích của trẻ hoặc xen lẫn với những bộ môn con thích.
THẢO THƯƠNG - MỸ DUNG ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận