Nhiều sân chơi hè hấp dẫn giúp trẻ em TP.HCM vui chơi thỏa thích, rèn thêm kỹ năng sau một năm học vất vả - Ảnh: Q.L. |
“Trong từng hoạt động hè đều lồng ghép giáo dục truyền thống, kỹ năng song song với tạo sân chơi thỏa thích cho các cháu. Niềm vui lớn nhất là các cháu đã có một mùa hè an toàn |
Bà NGUYỄN THỊ THU (phó chủ tịch UBND TP.HCM) |
Tận dụng cơ sở vật chất, mỗi địa phương đã nỗ lực tìm kiếm những cách hoạt động mới khiến cho sinh hoạt hè trở nên gần gũi và thu hút hơn với các bạn nhỏ.
Những sân chơi hè hữu ích
Tại huyện Củ Chi, hè vừa qua trở thành niềm hứng khởi khi các bạn nhỏ tham gia tại các điểm sinh hoạt hè lưu động được tổ chức ngay tại gia đình, tập hợp những bạn nhỏ các nhà sống gần nhau cùng chơi chung.
Để tạo niềm tin cho phụ huynh, các bạn chuyên trách hè đã đến từng gia đình trao đổi nội dung hoạt động và mỗi khi tổ chức sinh hoạt đều đến đón rồi đưa các em về tận nơi nên phụ huynh rất ủng hộ.
Ở đó, các bạn không chỉ được vui chơi mà còn nhận biết và tập làm các công việc phụ giúp gia đình hằng ngày.
“Chúng tôi giúp các em biết nấu cơm, rửa chén, quét nhà, làm cỏ, sắp xếp góc học tập... những điều tưởng chừng đơn giản nhưng các em rất hào hứng mà cả phụ huynh cũng thấy vui khi tận mắt chứng kiến con mình tập làm công việc nhà” - anh Huỳnh Vĩnh Lộc (chủ tịch Hội đồng Đội huyện Củ Chi) cho biết.
Còn tại các khu phố của P.24 (Q.Bình Thạnh), khi đến với sinh hoạt hè, các bạn nhỏ được học thêm những kỹ năng thực hành xã hội cần thiết trong cuộc sống.
Bí thư chi đoàn khu phố 4 (P.24) Trịnh Đình Mẫn Linh cho biết xen kẽ trong các nội dung vui chơi, các bạn chia sẻ những kỹ năng phòng chống bạo lực và xâm hại tình dục để giúp trẻ học cách tự bảo vệ mình, tập làm đầu bếp nhí nấu những món ăn đơn giản, học tính tiết kiệm, phòng cháy chữa cháy... với các bài học đơn giản, dễ nhớ nhất.
Trong khi đó nhiều bạn nhỏ P.Tân Chánh Hiệp (Q.12) vừa trải qua mùa hè du lịch học sử ngay tại chính các địa danh lịch sử của quận nhà.
“Chúng tôi đưa các em đến các địa danh để được lắng nghe câu chuyện lịch sử liên quan. Các em ghi chép, chụp ảnh lại và dùng những tư liệu ấy thi tài làm thuyết trình viên di tích lịch sử, một cách vừa chơi lại vừa học kiến thức mới” - chị Ngọc Như (Đoàn P.Tân Chánh Hiệp) nói.
Chia sẻ về những chuyến đi này, bạn Nguyễn Ngọc Thanh Vy (sinh hoạt hè tại khu phố 9, P.Tân Chánh Hiệp, Q.12) bày tỏ: “Vừa được vui chơi thư giãn sau một năm học khá căng thẳng, tụi em còn biết thêm những điểm di tích lịch sử nằm ngay ở quận mà đó giờ chưa từng đến, nhất là có thêm kiến thức, hiểu hơn về cuộc đấu tranh giành độc lập của cha anh, lại là lịch sử của nơi mình sinh sống hằng ngày nên thấy rất gần gũi, dễ nhớ”.
Đòi hỏi ngày càng cao
Bí thư Quận đoàn 5 Quách Trung Hiếu nói trẻ em hôm nay có nhiều lựa chọn nên các ban, ngành của quận đã phối hợp rất sớm, ngay khi các em còn chưa kết thúc năm học để xác định các nội dung hoạt động hè.
Từ các diễn đàn giúp trẻ nói tiếng nói của mình, các bạn nhỏ được chia sẻ về tác hại của game online và lồng vào đó là sân chơi thể thao, văn nghệ và hướng tuổi nhỏ đến với thế giới sách.
“Chúng tôi không quên tìm mọi nguồn lực chăm sóc cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ước tính đã vận động được hơn 1 tỉ đồng từ các đơn vị, ban ngành của quận tặng trẻ trong hè này” - anh Hiếu chia sẻ.
Cho rằng nhờ chủ động phối hợp sớm giữa các bộ phận liên quan nên đã xuất hiện nhiều cách làm mới, mô hình sinh hoạt hay của hè 2016 hoàn toàn có thể nhân rộng cho năm sau, tuy vậy chủ tịch Hội đồng Đội TP Vương Thanh Liễu nói vẫn có thể làm tốt hơn nếu các địa phương sáng tạo hơn, chăm chút hơn, thông tin thường xuyên hơn vì thực tế còn tình trạng phụ huynh chưa quan tâm, chưa biết nên chưa đưa con mình đến với các hoạt động hè.
Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu đánh giá nhu cầu của trẻ ngày càng đa dạng và cao hơn nên mô hình hoạt động hè cũng phải linh động, đổi mới hơn nữa.
Theo bà Thu, tổ chức hoạt động hè không chỉ là nhiệm vụ của Đoàn, Đội mà có trách nhiệm của các ban ngành TP, cần xem việc chăm sóc thiếu nhi là nhiệm vụ lâu dài.
“Các sân chơi lành mạnh không chỉ tập trung vào mùa hè mà chúng ta phải làm thường xuyên. Đó chính là môi trường giáo dục tuổi thơ, giúp ngăn chặn việc trẻ tìm đến các sân chơi không phù hợp thuần phong mỹ tục với các tác động tiêu cực hiện có thể dễ dàng tìm thấy ở bất cứ đâu” - bà Thu lưu ý.
Gần 630.000 thiếu nhi và hơn 52 tỉ đồng Tổng kết từ 24 quận, huyện toàn TP cho biết đã có gần 630.000 bạn nhỏ đến với các hoạt động, sân chơi hè được tổ chức tại khắp các khu phố, ấp của 319 phường, xã toàn TP với chủ đề “Tự hào thiếu nhi TP Bác Hồ”. Con số này đạt khoảng 65,3% tổng số trẻ em của TP.HCM hiện nay. Với kinh phí hỗ trợ 38.500 đồng/em, tổng kinh phí chi cho các hoạt động hè 2016 là trên 52,5 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách TP chi hơn 35,7 tỉ đồng, vận động từ các nguồn lực xã hội được trên 13 tỉ đồng và số tiền còn lại từ các nguồn khác. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận