Phóng to |
Để tìm địa chỉ mua trả góp đối với nhiều loại hàng hóa, từ hàng tiêu dùng đến các loại hàng điện tử, điện máy..., nhiều người tiêu dùng thành thị không cần đi đâu xa bởi hàng loạt chương trình bán trả góp được phát đến tận nhà với nhiều lời rao khá hấp dẫn. Nhưng thực tế có không ít trường hợp sự hấp dẫn đó chỉ dành cho người bán hàng, còn người mua thì thiệt trăm bề.
Giá... trên trời
Anh Phạm Thông (P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết vừa mua một chiếc laptop IBM - Lenovo trả góp với giá 18,5 triệu đồng của một công ty tên tuổi, trụ sở tại TP.HCM. Khi giao hàng, anh Thông phải trả trước hơn 5,5 triệu đồng, số còn lại được trả góp trong vòng một năm. “Mình nghĩ mức trả trước không quá lớn và sau đó chỉ cần tiết kiệm 270.000 đồng mỗi tuần nên đã quyết định mua” - anh Thông kể lại. Tuy nhiên khi nhận máy, so sánh với những chiếc cùng loại từ hình thức đến tất cả thông số kỹ thuật, anh Thông mới té ngửa vì mắc tới 4,5 triệu đồng.
Sau khi phát hiện sự chênh lệch trên, anh Thông đã liên hệ với người bán hàng để thắc mắc và muốn được thương lượng lại, nhưng nhân viên của cửa hàng trả lời thẳng: mức giá đã được thỏa thuận nên không thể thay đổi được. Giải thích về sự quá chênh lệch như trên, nhân viên tại đây chỉ trả lời chung chung: đó là phần chênh lệch giữa hàng trả góp và hàng bán trả tiền ngay mà khách hàng phải chịu, trong đó bao gồm chi phí lãi suất mà công ty đã ứng vốn ra mua hàng trước, cộng với công vận chuyển, lắp đặt... Đành rằng hàng hóa bán trả góp thì giá cả sẽ cao hơn thông thường nhưng cũng không thể đến mức cắt cổ như vậy” - anh Thông bức xúc.
Nên so sánh với nhiều nơi Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực điện máy, khi mua hàng trả góp để tránh bị thiệt thòi về giá cả, người tiêu dùng nên bỏ thời gian đến một vài trung tâm mua sắm, tìm hiểu giá cả những mặt hàng tương tự, ghi giá cụ thể ở từng nơi và so sánh xem mức góp ở địa chỉ mình định mua. Nếu cửa hàng đó bán với giá cao, người tiêu dùng cũng dễ dàng phát hiện. Ngoài ra, nếu có nhu cầu mua trả góp, nên tìm đến những trung tâm lớn, có uy tín. Ở đó, chương trình bán hàng trả góp được tách bạch ra phần giá hàng hóa thông thường và phần lãi suất mà người mua phải chịu với các công ty tài chính, ngân hàng cho vay vốn mua sắm. Khi đó không cần phải tính toán nhiều, người tiêu dùng vẫn có thể biết được mua hàng theo hình thức trả góp mình được lợi gì và thiệt những gì để tính toán, cân nhắc trước khi đưa ra quyết định. |
Tương tự, chị Lan, nhà ở Gò Vấp, kể gia đình chị vừa mua một tủ lạnh Sanyo loại 90 lít với giá 3,9 triệu đồng, trả góp trong vòng mười tháng từ một công ty chuyên bán hàng trả góp. Nhưng khoảng một tuần sau, khi có dịp vào một trung tâm điện máy, chị mới biết giá chỉ khoảng 2,3 triệu đồng. Ngay sau khi phát hiện mình mua hớ, chị đã đến công ty nọ để trả lại.
Tuy nhiên, nhân viên bán hàng giải thích lòng vòng rằng đó là cửa hàng đã tính cả lãi suất trả góp vào sản phẩm và cộng với thuế giá trị gia tăng nên mới chênh lệch như vậy(?). Chị Lan bức xúc: “Người bán hàng nhất mực nói rằng hàng đã dùng rồi thì không thể trả lại. Còn nếu trả tiền ngay cửa hàng chỉ trừ bớt 10% (khoảng 400.000 đồng)”.
Nhiều người có kinh nghiệm bán các mặt hàng điện máy cho biết việc một số cơ sở bán hàng trả góp “móc túi” người tiêu dùng nhẹ dạ cả tin là chuyện... bình thường. Và giá cả chênh lệch một vài triệu đồng so với hàng hóa bán giao ngay tại các trung tâm có uy tín không hề hiếm. “Tivi có giá 6 triệu đồng nhưng nhiều nơi bán trả góp lên đến 9 triệu đồng. Bởi không phải người mua hàng nào cũng rành giá cả thị trường nên dù giá cao, họ (các đơn vị bán hàng trả góp) vẫn bán được hàng hóa như thường! Chỉ có người mua là thiệt thòi” - anh Việt, giám sát tại một trung tâm điện máy thuộc Q.Phú Nhuận, cho hay.
Chất lượng... dưới đất
Không chỉ rơi vào bẫy giá quá mắc, nhiều người còn phải ăn thêm một “quả đắng” nữa do một số nơi bán các mặt hàng trả góp với chất lượng quá tồi. Chị Bùi Thị Hương, công nhân tại Khu chế xuất Linh Trung 2, Q.Thủ Đức, cho biết theo quảng cáo của cửa hàng bán trả góp, họ làm thủ tục rất đơn giản, người mua không cần phải chứng minh thu nhập, thế chấp, chỉ cần photo giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu hoặc KT3 là được chấp thuận.
“Cứ nghĩ chịu bỏ ra 1,5 triệu đồng mua một nồi cơm là đã được dùng đồ xịn nhưng cuối cùng dùng phải đồ dỏm. Nồi nấu cơm chưa kịp chín mà điện đã ngắt, phải bật đến 2-3 lần” - chị Hương cho hay. Tuy nhiên, theo chị Hương, điều bức xúc là hàng mua bên ngoài khi bị trục trặc còn đem đổi được. Trong khi tại đây phải mua giá cao gấp mấy lần, có phiếu bảo hành nhưng khi nồi có vấn đề nơi bán không nhận lại.
Phụ trách bán hàng một trung tâm điện máy lớn ở Q.Phú Nhuận cho biết tình trạng hàng dỏm, hàng đã xài rồi nhưng được “luộc“ lại, bọc bao nilông, đóng hộp niêm phong như mới xuất hiện khá nhiều ở các công ty bán hàng trả góp. Ngoài ra, nhiều cửa hàng làm ăn không uy tín còn bán cả hàng lắp ráp nhái hiệu. Đối với hàng này, khi có trục trặc xảy ra người tiêu dùng có đem đi bảo hành cũng không được. Vì các trung tâm bảo hành chỉ bảo hành hàng chính hãng, chứ không có dịch vụ cho hàng nhái! Do đó khi mua hàng trả góp người tiêu dùng cần kiểm tra kỹ hàng, thử sản phẩm trước khi mua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận