Muốn giảm những pha “làm luật” đã quen thuộc từ vài chục năm nay, nếu chỉ xử lý một vài tình huống thì đâu lại hoàn đó.
Cũng như mọi bệnh cơ chế khác, cần một phác đồ điều trị kiên trì với nhiều loại thuốc đặc trị.
Thứ nhất, quy định pháp luật giao thông phải hợp lý, rõ ràng, đáp ứng yêu cầu chính đáng của doanh nghiệp vận tải, lợi ích của các tài xế và lợi ích toàn xã hội. Trước khi bắt lỗi tài xế phải xem xét tính hợp lý của các quy tắc giao thông. Thứ hai, cần hạn chế cơ hội lựa chọn của CSGT nhận tiền hay lập biên bản hoặc giữ xe. Nếu cảnh sát các nước tiên tiến đôi khi chỉ ghi biển số xe và kẹp biên lai ghi tiền phạt vào cần gạt nước là đủ, ở ta giữ bằng lái, giữ xe vẫn là biện pháp trấn áp hiệu quả nhất. Muốn giảm biện pháp trấn áp này của CSGT, phải tăng năng lực cho các cơ quan thực thi pháp luật khác như đăng kiểm, quản lý bằng lái, năng lực cưỡng chế tiền phạt của cơ quan thuế và tòa án.
Thứ ba, truyền thông có thể phần nào giúp ngăn dần mãi lộ. Báo Tuổi Trẻ đã có một phóng sự hay, bởi tên và chức danh của các CSGT được nêu rõ ràng. Quy trình, điều lệnh CSGT hay bộ ứng xử của cảnh sát đối với người dân cần chuẩn mực, chặt chẽ, cảnh sát khi thừa hành công vụ phải đeo bảng tên, tài xế hiểu biết quyền và nghĩa vụ của mình, mỗi khi làm việc với cảnh sát cần nhớ tên và chức vụ của cảnh sát, cộng với đủ loại công cụ ghi âm, ghi hình hiện đại..., hi vọng loại tham nhũng này có thể giảm dần.
Thứ tư, người ta hành xử vì lợi. Mãi lộ nhức nhối, tồn tại dai dẳng bởi nó mang lại lợi ích cho nhiều phía. Chỉ khi nhận tiền là mất nghề, đưa tiền là mất bằng, cân bằng lợi ích thay đổi, khi ấy tuân thủ pháp luật mới trở thành sự lựa chọn phổ biến.
Mua đường mà đi. Bệnh nào rồi cũng có thuốc chữa, hãy bắt đầu từ dũng khí dám cật vấn tới căn nguyên để kháng cự những căn bệnh cơ chế dai dẳng, mà mãi lộ chỉ là một biểu hiện bề ngoài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận