24/07/2023 08:22 GMT+7

'Mưa đỏ' của nhà văn Chu Lai lên sân khấu chèo, khán giả khóc khi xem

‘Mưa đỏ’ - một vở chèo hiếm hoi làm về đề tài chiến tranh cách mạng tưởng sẽ làm khó đạo diễn, không ngờ lấy nhiều nước mắt của khán giả trong những ngày cả nước kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7.

Nỗi đau mất con đã gắn kết hai bà mẹ của hai người lính ở hai bên chiến tuyến - Ảnh: T.ĐIỂU

Nỗi đau mất con đã gắn kết hai bà mẹ của hai người lính ở hai bên chiến tuyến - Ảnh: T.ĐIỂU

"Đạo diễn, NSND Trịnh Thúy Mùi và Đoàn chèo Hải Phòng đã thành công khi dựng vở chèo Mưa đỏ lắng sâu, êm ả là đặc trưng của thể loại chèo, nhưng vẫn giữ được hào khí trận mạc của cuộc chiến đấu 81 ngày đêm giữ thành cổ Quảng Trị mùa hè năm 1972. 

Nhưng hơn cả chuyện trận mạc là câu chuyện hòa hợp dân tộc", nhà văn Chu Lai - tác giả kịch bản văn học vở Mưa đỏ - hài lòng sau buổi công diễn cuối tuần qua tại Nhà hát thành phố Hải Phòng.

Bất ngờ với những nghệ sĩ Hải Phòng

Tác giả tiểu thuyết Mưa đỏ đặc biệt xúc động với cảnh cuối cùng của vở diễn. Sự tinh tế của một nữ đạo diễn, một nghệ sĩ giàu kinh nghiệm đã giúp đưa ra cái kết xúc động, gói được câu chuyện lớn nhất trong tác phẩm gốc: tinh thần hòa hợp dân tộc.

Hai người mẹ của hai người lính ở hai đầu chiến tuyến, cùng nằm lại ở thành cổ Quảng Trị sau trận giằng co cuối cùng đã cùng nhau chia sẻ nỗi đau xé tâm can chung của người mẹ mất con, cùng nhau tưởng niệm những người con chung của dân tộc.

Chiến tranh không chỉ có bom đạn mà còn có cả tình yêu của Hồng (nghệ sĩ Thùy Dương) và Cường  (nghệ sĩ Nhật Hóa) - Ảnh: T.ĐIỂU

Chiến tranh không chỉ có bom đạn mà còn có cả tình yêu của Hồng (nghệ sĩ Thùy Dương) và Cường (nghệ sĩ Nhật Hóa) - Ảnh: T.ĐIỂU

Các nghệ sĩ của Đoàn chèo Hải Phòng dưới sự dẫn dắt của đạo diễn Trịnh Thúy Mùi và sự tận tình biên tập, dạy hát truyền thống của NSND Minh Thu, đã khiến khán giả cả nước khi xem truyền hình trực tiếp từ sân khấu Nhà hát thành phố Hải Phòng phải ngạc nhiên về giọng hát, diễn xuất rất chuyên nghiệp.

Đặc biệt lần này đoàn còn được sự bổ trợ của hàng chục diễn viên các đoàn sân khấu khác của Hải Phòng và nam diễn viên Nhật Hóa từ Thanh Hóa ra giúp sức, với vai nam chính là anh bộ đội giải phóng tên Cường, quê ở Đồ Sơn, Hải Phòng.

Dù là một đoàn kịch địa phương, Mưa đỏ chỉn chu từ hát, diễn của diễn viên tới thiết kế sân khấu, ánh sáng, dàn dựng… liên tục nhận những tràng pháo tay ngợi khen và cả những giọt nước mắt của khán giả.

NSND Trịnh Thúy Mùi cho biết chèo không lợi thế về đề tài cách mạng, đưa cuộc sống hiện đại vào chèo không khéo sẽ trở thành một tác phẩm "kịch cắm ca". May mắn, cả ê kíp đã nỗ lực hết mình trong một thời gian tập luyện ngắn ngủi để cho ra một vở diễn xúc động về trận đánh bi tráng.

Cuộc chiến đấu khốc liệt bảo vệ thành cổ Quảng Trị được tái hiện đầy bi tráng - Ảnh: T.ĐIỂU

Cuộc chiến đấu khốc liệt bảo vệ thành cổ Quảng Trị được tái hiện đầy bi tráng - Ảnh: T.ĐIỂU

Hàn gắn vết thương chiến tranh

Bối cảnh chính của Mưa đỏ là cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Trong đó, nhân vật chính là Cường, một chàng trai Hải Phòng tuổi đời mới đôi mươi, đang là sinh viên của một trường nghệ thuật tại Hà Nội, đã theo tiếng gọi của Tổ quốc mà xếp bút nghiên lên đường ra trận.

Anh được phân công vào chiến trường Quảng Trị. Tại đây, anh cùng đồng đội được giao nhiệm vụ phải bảo vệ cho bằng được thành cổ Quảng Trị, một nhiệm vụ rất quan trọng để ta có thể giữ lợi thế trong cuộc đàm phán tại Hội nghị Paris.

Một ca 'mổ sống' được tái hiện trong vở chèo - Ảnh: T.ĐIỂU

Một ca 'mổ sống' được tái hiện trong vở chèo - Ảnh: T.ĐIỂU

Vở kịch không chỉ có sự khốc liệt của chiến tranh mà còn có những phút giây lãng mạn của tuổi trẻ, có những đêm chèo đò chở lính trẻ qua sông, có tình yêu son sắt ngay giữa bom đạn vô tình của Cường và Hồng (nghệ sĩ Thùy Dương).

Tình yêu giữa lằn ranh sinh tử của chiến tranh chính là thứ góp phần làm lên sức mạnh kỳ diệu của bộ đội ta, là hoa nở giữa cơn "mưa đỏ" của chiến trường.

Không rơi vào tuyên truyền một chiều, vở diễn dành khá nhiều "đất" cho những người ở phía bên kia chiến tuyến. Và những người ở bên ấy không phải tất cả đều vị kỷ, gian ác. Có những người như trung úy Quang là đội trưởng đội hắc báo khét tiếng, thực ra lại là người trượng nghĩa nhưng lầm đường lạc lối.

Và đối với những người mẹ, dù là mẹ của người lính bên này hay bên kia, đều đau xé lòng như nhau khi con mình tử trận. May mắn, nỗi đau chung không đẩy những người mẹ, đẩy hai bên xa nhau hơn, mà lại hàn gắn họ, hàn gắn vết thương chiến tranh và hàn gắn dân tộc mình.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hải Phòng Trần Thị Hoàng Mai cho biết lãnh đạo thành phố và sở đã quyết định dàn dựng vở diễn để gửi gắm tình cảm của mình tri ân các anh hùng, liệt sĩ và vì ý nghĩa hòa hợp dân tộc lớn lao.

Vở chèo còn có nhiều phút sâu lắng, lãng mạn như cảnh o Hồng chở bộ đội qua sông - Ảnh: T.ĐIỂU

Vở chèo còn có nhiều phút sâu lắng, lãng mạn như cảnh o Hồng chở bộ đội qua sông - Ảnh: T.ĐIỂU

Mưa đỏ thuộc đề án sân khấu truyền hình của Hải Phòng thực hiện hằng tháng, một nỗ lực của Hải Phòng để sáng đèn nhà hát thành phố mỗi cuối tuần cũng như mang sân khấu tới gần từng nhà.

Sau đêm diễn thành công tại Hải Phòng cuối tuần qua, Mưa đỏ sẽ diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội vào tối 30 và 31-7, rồi tiếp tục quay trở lại Hải Phòng, đến với công nhân ở các khu công nghiệp, người dân vùng sâu, vùng xa.

Thủ tướng trao lại kỷ vật cho các thương binh, gia đình liệt sĩ đi BThủ tướng trao lại kỷ vật cho các thương binh, gia đình liệt sĩ đi B

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao trả những kỷ vật quý giá cho đại diện gia đình liệt sĩ, các thương binh, người có công với cách mạng từng đi B (hoạt động, chiến đấu ở miền Nam).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp