10/05/2022 09:16 GMT+7

Mua đất nghỉ dưỡng - thực không như mộng: Kỳ cuối: Đất nghỉ dưỡng để... thả bò

MẠNH DŨNG
MẠNH DŨNG

TTO - Nhiều người tưởng sẽ 'bỏ phố về quê' được ngay, thực tế chuyện đi lại mất nhiều thời gian và mệt mỏi cũng là trở ngại lớn cho những người vẫn làm việc ở thành phố mà cất nhà nghỉ dưỡng ở núi rừng xa xôi...

Mua đất nghỉ dưỡng - thực không như mộng: Kỳ cuối: Đất nghỉ dưỡng để... thả bò - Ảnh 1.

Vì mê đất rộng, giá rẻ, chị Yến đã theo "cò" đi mua miếng đất mà chị không dám chạy xe máy vì sợ té ở huyện Bù Đăng, Bình Phước - Ảnh: MẠNH DŨNG

"Chục người lên Lâm Đồng mua đất thì có 7, 8 người khen đất đẹp, view lãng mạn, khí hậu trong lành và dự định cất nhà nghỉ dưỡng. Nhưng thực tế trăm người nói cất nhà nghỉ dưỡng gì đó chưa có nổi chục người cất thực, toàn để cỏ hoang cho dân thả bò".

Người môi giới địa ốc Nguyễn Văn Mạnh, có 15 năm hoạt động ở khu vực Lâm Đồng, không ngại nói thẳng rất ít kế hoạch "cất nhà, trồng hoa" thành công, cuối cùng đều rơi vào vòng đất đai mua vô - bán ra kiếm lời.

Mê màu xanh cây cối quá thì mua, nhưng mua xong rồi tôi lại chẳng biết mình có dám ở không vì heo hút quá. Mùa nắng, đi xe máy còn té lên té xuống.

Nguyễn Thị Ngọc Yến

Không về núi được vì bệnh

"Những người đầu tư đất đai xoay vòng kiếm lời thì săn đất kiểu khác. Họ nhắm thế đất, đường sá, diện tích, đặc biệt là khu vực nóng sốt để dễ bán lại kiếm lời. Còn những người tính mua đất nghỉ dưỡng gì đó lại thường nhìn hướng khác. Họ thích diện tích đủ rộng để trồng trọt và view đẹp như chân núi, bên bờ sông hồ, đặc biệt là khu vực yên tĩnh không gần đường lớn bị xe cộ ồn ào...", ông Mạnh cho biết. Theo ông Mạnh, chính vì điều này mà nhiều người mua đất nghỉ dưỡng nhưng không ở được sẽ dễ mắc kẹt, khó tìm khách bán lại.

Cách đây hơn 3 năm, vợ chồng ông Nguyễn Văn An (64 tuổi, ở đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 10, TP.HCM) theo bạn bè "đi coi đất đai" trên huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Từ chỉ đi chơi, họ mê mẩn miền núi rừng mát mẻ và quyết mua đất miền đồi núi này. Các "cò" ở Bảo Lộc hỏi ông định mua đất khoảng bao nhiêu tiền và tính mua làm gì? Ông nói rõ chỉ trong tầm 2 tỉ đồng và vợ chồng sẽ cất căn nhà "an dưỡng tuổi già".

Các cô môi giới nhanh nhảu tư vấn: "Vậy bác nên mua miếng rộng rộng, yên tĩnh chút để thích hợp an dưỡng và trồng trọt rau vườn, cây trái". Ông An hỏi lại tầm tiền mình có mua được không? Các "cò" nói gần trung tâm thành phố Bảo Lộc và Bảo Lâm thì không mua được đất rộng, nhưng có thể đủ mua 1.000 - 2.000m2 đất "đẳng cấp nghỉ dưỡng" nếu chịu khó đi xa. Mặc dù bạn bè am hiểu đất đai khuyên ông cân nhắc, dễ gì bỏ phố lên rừng được, nhưng ông An vẫn quyết ra tiền vì quá mê miếng gần 2.500m2 nằm cách trục đường Bảo Lộc đi Phan Thiết khoảng 5km nhưng bù lại có "hướng núi rất đẹp".

Thời điểm cuối năm 2019, để mua được miếng đất này, vợ chồng ông An phải vay thêm gần 1 tỉ đồng cùng tất cả số tiền dành dụm được. Các cô "cò" đất vui vẻ một thưa bác, hai dạ bác vì ông An chuyển 300 triệu tiền đặt cọc ngay trong ngày đầu xem đất. Phần còn phải trả 2,5 tỉ đồng, ông hẹn thanh toán vào ngày công chứng sau đó một tháng. Ông về chạy vạy vay thêm 800 triệu đồng, để thanh toán đúng hạn đủ 2,8 tỉ đồng cho miếng đất 2.500m2.

Trong lúc ông đang hào hứng với dự định "căn nhà trồng cỏ hoa xinh xinh" thì bạn bè cũng nói ông mua hơi vội, "thời điểm cuối năm 2019, giá đất vườn xa xôi đó không tới mức giá này". Tuy nhiên, họ còn thêm câu không dễ gì ông bỏ phố lên rừng được vì vợ chồng đã tới tuổi người bị cao máu, người tiểu đường, phải gần bệnh viện. Và sự thật là đến giờ đã hơn 3 năm nhưng căn nhà ước mơ của họ vẫn chỉ nằm trong đầu. 2.500m2 đất họ mua ở Bảo Lâm vẫn chỉ để cỏ mọc hoang và cho người dân... thả bò. Họ tính trồng trà nhưng cũng không dám, vì với diện tích nhỏ đó thì tiền thu hoạch được chưa chắc bằng tiền thuê người chăm sóc.

Mua đất nghỉ dưỡng - thực không như mộng: Kỳ cuối: Đất nghỉ dưỡng để... thả bò - Ảnh 3.

Rao bán đất vườn hợp nghỉ dưỡng cả trên tường trường mẫu giáo ở thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng

Người trẻ cũng sa lầy với "ước mơ xanh"

Bà con với ông An, có người thực hiện được ước mơ lên rừng nhưng cũng có người đang tình cảnh tương tự ông. Chị Nguyễn Thị Ngà (42 tuổi, ở đường Thành Thái, quận 10, TP.HCM) cũng ước mơ "căn nhà lộng gió" trên thảo nguyên Di Linh (Lâm Đồng) với ông An. Tuy nhiên, miếng đất gần 3.000m2 "view đẹp" ở xa trục giao thông của chị đến giờ vẫn chỉ um tùm cỏ dại. Không cất nhà nghỉ dưỡng được, mỗi năm chị Ngà còn cho chút tiền nhà dân gần đó để... giữ đất giùm mình. "Ước mơ thật đẹp, nhưng bỏ phố lên rừng được thì khó quá, đến giờ tôi vẫn lấn cấn đủ chuyện ở thành phố, kể cả chuyện con nhỏ đang đi học ở quận 10", chị Ngà tâm sự thật tình.

Hiện nay không chỉ người về hưu hay sắp về hưu toan tính chuyện lên rừng tìm đất cất nhà nghỉ dưỡng mà nhiều bạn trẻ cũng đang có xu hướng "lìa phố" này. Nhưng thực tế một số rất ít thực hiện được, trong khi không ít người đang sa lầy với "ước mơ xanh xanh". Theo ông Nguyễn Văn Mạnh, chủ yếu những bạn trẻ gặp khó khăn vì cố mua đất đai cho thỏa "máu mê" nhưng không đủ tiền, phải vay trả góp ngân hàng, thậm chí vay đến 60 - 70% trả trong nhiều năm. Họ làm được bao nhiêu mỗi tháng, phải trả nợ định kỳ hết, lấy đâu ra tiền mà... "nghỉ với dưỡng".

Nguyễn Thị Ngọc Yến (29 tuổi, ở đường tỉnh lộ 10, quận Bình Tân, TP.HCM) kể thời điểm này 2 năm trước đã cùng người yêu theo bạn bè lên tận huyện Bù Đăng, Bình Phước, tìm mua đất cất nhà nuôi yến. Cặp đôi đều là dân gốc quê miền Tây nên "hút ngay" ý định về quê tái khởi nghiệp. Họ chọn đi Bình Phước vì số tiền 950 triệu đồng dành dụm không thể mua nổi ở những vùng đất đẹp hơn. Suốt mấy ngày lòng vòng bị dính bụi đỏ người, cuối cùng họ cũng chọn mua 1,3 mẫu đất rẫy trồng điều nằm cách quốc lộ 14 hơn 7km, đường đất toàn dốc sâu vào rẫy mùa mưa thì chỉ có thể đi bằng... xe máy cày.

Và 2 năm qua, số tiền 1,35 tỉ đồng (phải vay thêm 400 triệu) họ mua vẫn nằm yên trên miếng đất. "Nhưng tôi vẫn còn may, đất mua trồng điều sẵn nên cho người ta khoán thu hoạch, mỗi năm trả lại mình 30 triệu đồng, đủ trả lãi ngân hàng", Yến cho biết.

Cần tính toán kỹ

Trải qua kinh nghiệm cố mua đất nghỉ dưỡng mà không thể ở được, chị Yến, ông An, bà Ngà... đúc kết ai ở thành phố cũng ham được tận hưởng màu xanh núi rừng nhưng nên tính toán kỹ. Ngoài người có tiền xây nhà nghỉ dưỡng, rất nhiều người cũng cố mua miếng đất nhưng để đó cho cỏ mọc vì không có tiền xây nhà, thậm chí còn bị nặng nợ. Với thu nhập phổ biến ở thời khó hiện nay, họ khó dành dụm xây nhà được, sau khi trừ chi phí cuộc sống và trả nợ tiền mua đất.

Ngoài ra cũng còn rất nhiều lý do khác để khó thực hiện giấc mơ "bỏ phố, về rừng" như người lớn tuổi hay bệnh mãn tính, phải điều trị ở các bệnh viện lớn, người trẻ thì chưa đủ can đảm bỏ việc ổn định ở thành phố để về vườn. Đặc biệt, chuyện đi lại mất nhiều thời gian và mệt mỏi cũng là trở ngại lớn cho những người vẫn làm việc ở thành phố mà cất nhà nghỉ dưỡng ở núi rừng xa xôi. Nhiều người hăm hở được vài tháng hay 1, 2 năm rồi sau đó mệt mỏi chuyện đường sá lại bỏ hoang tàn...

"Thậm chí ngay chuyện con cái học hành cũng là vấn đề lớn. Một số rất ít người dám rời phố, dẫn con về học trường quê, nhưng nhiều người không muốn cho con xa trường thành phố", Yến tâm sự mặc dù hiện nay con chị chưa đầy 1 tuổi. Yến đang định bán lại miếng đất này nhưng có thể không lời được nhiều, do ham đất rộng mà đi sâu quá và đường sá không thuận tiện.

Dù mua đất nghỉ dưỡng cũng nên chọn thế dễ bán lại

"Với những người không nhiều tiền mà cố mua đất nghỉ dưỡng, tôi khuyên nên chú ý mấy điều. Thứ nhất, chọn diện tích vừa phải thôi để không phải sa nợ nần. Thứ hai, mà cũng là điều đặc biệt cần lưu ý, là nên chọn mua những nơi pháp lý bảo đảm, thuận tiện đường giao thông, để khi cần dễ bán lại", ông Nguyễn Văn Mạnh cho biết.

Ông Mạnh cũng khẳng định không dưới 90% người tính mua đất cất nhà nghỉ dưỡng sau đó đều bán lại. Miếng nào đạt các yếu tố trên thì có thể dễ bán, còn không rất dễ mắc kẹt hoặc phải bán tháo giá thấp.

Săn đất nghỉ dưỡng - thực không như mộng - Kỳ 1: Săn đất cho... ngày về vườn Săn đất nghỉ dưỡng - thực không như mộng - Kỳ 1: Săn đất cho... ngày về vườn

TTO - Người nhiều tiền lên vùng núi, ra miền biển kiếm miếng đất rộng xây nhà, hưởng không khí trong lành. Người không dư dả gì cũng cố săn miếng đất núi, đất ruộng nho nhỏ để mong ngày... nghỉ dưỡng. Nhưng thực nhiều khi khác xa với mộng.


MẠNH DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp