Hàng chục ngôi nhà ở xã Nà Bủng, huyện Nậm Pồ (Điện Biên) tan hoang do mưa lốc - Ảnh: VĂN THÀNH CHƯƠNG
Nhiều địa phương khác ở Tây Bắc như huyện Quỳnh Nhai, Mường La và thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La), huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình) cũng hứng chịu thiệt hại nặng nề do mưa đá, dông lốc.
Ở tỉnh Điện Biên, trận mưa đá kém gió lốc kéo dài gần 1 tiếng đồng hồ lúc chập tối làm sập, tốc mái hàng chục ngôi nhà. Tài sản, hoa màu của bà con ở các huyện Nậm Pồ, Than Uyên, Nậm Nhùn, Mường Tè... bị dập nát.
Người dân ở xã Nà Bủng, huyện Nậm Pồ (Điện Biên) phản ánh, mưa gió to đến nỗi "bẻ" gãy cả cột điện. Hàng chục hộ dân rơi vào cảnh "màn trời chiếu đất".
Sáng nay, lãnh đạo huyện Nậm Pồ đã trực tiếp đến địa phương chỉ đạo khắc phục hậu quả và thăm hỏi, động viên người dân.
Cây cột điện bị gió "bẻ" gãy trong trận mưa đá kèm gió lốc chiều tối ngày 22-4 ở huyện Nậm Pồ (Điện Biên)
Ở các địa phương khác thuộc tỉnh Sơn La, nhiều nhà dân thủng mái vì mưa đá. Hàng trăm ha mận đang vào vụ thu hoạch rụng tơi tả.
Tại xã Nà Bó, huyện Mai Sơn, bà Lò Thị T., 38 tuổi, bị một tảng đá lớn lăn trúng khi đang trú mưa dưới gầm sàn nhà. Ngay sau đó, gia đình và hàng xóm đưa bà T. đi cấp cứu nhưng bà T. đã chết tại bệnh viện do vết thương quá nặng.
Theo Uỷ ban Trung ương về phòng, chống thiên tai, tính đến 13h chiều 23-4, mưa lớn, dông lốc, sét và mưa đá đã làm 2 người chết, hơn 1.600 ngôi nhà bị tốc mái và hơn 721 ha hoa màu bị gãy, đổ, dập nát.
Từ đầu năm đến nay, người dân Tây Bắc liên tiếp hứng chịu thiệt hại do mưa đá, dông lốc.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo, chiều tối và đêm nay, 23-4, không khí lạnh tăng cường mạnh hơn và ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ, một số nơi ở Trung Trung Bộ.
Riêng khu vực Hà Nội, từ đêm 23-4 đến ngày 26-4 trời chuyển rét với nền nhiệt độ thấp nhất khoảng 16-18 độ C. Cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá cấp 1.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận