21/09/2013 06:00 GMT+7

Mùa câu thằn lằn núi

Đ.P. THÙY TRANG (Tây Ninh)
Đ.P. THÙY TRANG (Tây Ninh)

AT - Khi tôi năn nỉ Trúng cho đi theo một buổi câu, Trúng không đồng ý cũng không từ chối. Có lẽ vì nể bà chị lâu ngày về thăm, chỉ cù cưa cù nhằn với hàng tá lý do:

lWhCBFUb.jpgPhóng to
Minh họa: Nguyễn Thanh

- Cái nghề này không phải của em… mà cũng không phải em đi một mình…

- Chị có nói em là ông tổ nghề câu giựt đâu! Không đi một mình thì đi hai chị em cũng tốt mà!

- Không… ý em là “buôn có bạn bán có phường”. Tụi em đi theo nhóm từ lâu rồi, quen mặt nhau rồi. Mà nghề này không dành cho con gái!

- Chị đâu có ý ăn cắp nghề của em! Chỉ là theo coi cho biết thôi!

- Mà… chị là con gái. Hổng được!

- Vậy chị… sẽ giả trai!

- Chị không leo trèo giỏi!

- Chị sẽ cố!

- Đi đêm sương lạnh, gió hú ghê như ma kêu quỉ khóc.

- Chị không sợ ma!

- Quan trọng là nghề này rất kỵ phụ nữ!

- Chị không là phụ nữ! Chị là con gái. Lại có võ, thừa sức leo trèo theo bọn em!

Chừng như không còn lý do từ chối nên Trúng lấy cho tôi bộ áo quần của cậu ta, bảo mặc vào để… giả trai. Cũng may là dáng Trúng nhỏ con nên bộ đồ khá vừa. Chúng tôi đi vào lúc chạng vạng chứ không đi khi mới trở chiều như bao người khác. Lên xe rồi mà Trúng còn lầm bầm “Dắt bà theo bữa nay chắc tui chỉ “đi gió” thôi chứ mần ăn cái gì!”. “Yên tâm đi, nếu thất thu chị sẽ bù lỗ cho!”.

Mùa mưa bắt đầu. Người dân quê em tôi cũng bắt đầu vào mùa câu giựt thằn lằn núi. Dụng cụ cho nghề câu thằn lằn núi khá đơn giản: một đôi chân dẻo dai để leo núi, một chiếc đèn pin loại to, một cây trúc dài, đầu cột sợi dây gân và chiếc giỏ xách hoặc xô nhựa, là đã thành dân câu giựt. Sợi dây trên đầu cây trúc luôn thắt nút kiểu “thắt cổ chó”. Chân cứ đi chầm chậm theo từng lối mòn, đèn lia từ từ. Thằn lằn thấy đèn chẳng những không trốn mà còn nghếch cổ ra xem. Người câu cứ giữ im ánh đèn khi thấy thằn lằn và đưa cần câu ra giựt. Bảo đảm sẽ không trật con nào. Chỉ có điều chúng bé tí như ngón tay út và sinh vật bé nhỏ ấy luôn giãy giụa trong sự nghẹt thở của chiếc vòng trên cổ. Một, hai, ba khi chiếc vòng được tháo ra tức là lúc chú thằn lằn bị ném vào giỏ. Cầm chắc sẽ lên bàn nhậu.

- Ủa, Trúng có xạo không vậy? Thằn lằn đi giựt toàn bằng tay út mà trong quán đặc sản chị thấy nó bự chà bá luôn?

- Đó là tuyệt chiêu của công nghệ tẩm ướp! Có khi đó không phải là thằn lằn núi mà là thằn lằn nhà hay rắn mối, tắc kè… cũng nên.

- Vậy làm sao biết thằn lằn núi tươi?

- Dù chiên giòn hay nướng muối ớt, thằn lằn núi đều mềm, ngọt chứ không cứng ngắc!

Cũng chẳng biết mùa nắng thằn lằn trú ẩn nơi nào mà tới khi mưa xuống là chúng bò ra tìm thức ăn, tìm bạn đời để duy trì nòi giống. Tôi lại thấy, chắc chúng không duy trì giống nòi được bao lâu đâu vì vừa ló đầu ra sau lớp lá là chiếc cần câu giựt đã thò tới, cái kiểu dây thắt cổ, giật sẽ không bao giờ thoát, cũng không chết con vật. Mà nếu không bị chiếc cần câu thì cũng bị con rắn nào đó “canh me” từ lâu rồi. Rắn sẽ nhanh chóng phóng tới, chộp lấy chú thằn lằn tội nghiệp và ăn ngấu nghiến. Làm sao các chú thằn lằn đủ thời gian phát tiết hương yêu mà tìm bạn tình.

Trúng bảo, tại bây giờ người câu nhiều quá, mà núi không nở ra, thằn lằn thì áp dụng biện pháp “sinh sản có kế hoạch” nên thợ câu phải cực trần thân. Chứ hồi xưa, chỉ cần một chiếc xô nhựa, bỏ vào đó chùm sung chín rục hay mấy trái chuối xiêm giã nát nát hoặc ít trái xoài chín thâm thâm. Vậy là tìm một chỗ êm êm mà nằm rồi vài giờ sau tới xách xô về thì đã có ngay chục ký “đặc sản”. Vì thằn lằn nghe mùi trái cây chín sẽ tìm về, con nọ gọi con kia, đầy nhung nhúc cả xô. Chúng ăn no nê thỏa thuê. Lúc bò vào thì dễ nhưng sau khi ăn no thì không bò ra được bởi thành xô nhựa trơn láng. Vậy là chúng chí chóe đè lên nhau tìm đường tháo chạy. Con này đạp lên lưng con kia, leo lên một đoạn lại rớt xuống vì bụng thì no mà thành xô thì cao. Rồi con khác lại leo lên, con vừa rớt lúc nãy thì quá đà rơi tuốt xuống đáy xô. Cầm chắc chết ngộp vì đồng loại xô đạp. Cuộc chiến tìm đường tháo chạy đã khiến chúng mệt phờ. Đó là cái lợi mà người đánh bẫy (lúc đó chưa gọi là thợ câu) cứ ung dung xách xô từ triền núi xuống, không cần đậy miệng xô hay trút vào bao lưới chúng cũng không còn sức đâu mà bò đi.

Nhưng đó là cái thời của ông già Trúng cách đây hàng chục năm. Cũng nhờ thiên nhiên ban tặng nên dạo đó ổng hay trúng mánh thằn lằn núi như vậy. Con nào còn sống thì bán cho quán nhậu, chợ chồm hổm. Con nào ngộp thì mang về làm thức ăn. Thằn lằn nướng tươi. Thằn lằn ướp muối ớt phơi khô. Thằn lằn ram mặn. Thằn lằn nấu cháo… Con nào con nấy to bằng cườm tay em bé lên ba. Thịt dai mềm ngọt lừ hơn cả thịt gà rừng. Có lẽ vì các chất bổ “tuyệt kỹ công phu” trong cơ thể thằn lằn quanh năm lớn lên cùng sương đêm, đá núi rất tinh sạch nên đã giúp ba mẹ Trúng đủ “công phu” mà sinh ra thằng con sau mười năm sống với nhau tưởng chừng “đứt đường hương hỏa”. Ổng khoái quá, đặt cho thằng con là Trúng.

Tôi và Trúng vừa leo lên tầm chục mét sườn núi thì gặp một anh chàng với cánh tay trái phất phơ, vai đeo lổn nhổn những chiếc bẫy chuột đang đi xuống.

- Trúng! Đệ tử hả? Cái núi nhỏ bằng lỗ mũi, bao nhiêu thằng kiếm rã họng không đủ ăn mà còn thu đệ tử hả mầy?

- Dạ… thưa đại ca… đây là… thằng em của em ở thành phố về thăm, đòi đi theo coi câu giựt cho biết chứ không phải đệ tử theo nghề!

- Liệu hồn nghe mầy! Tao mà thấy nó lần hai nữa là mày “cáo phó” nghề này đó!

Anh chàng tay áo phất phơ dáng nhỏ nhắn còn hơn cả Trúng nhưng không hiểu sao em tôi sợ dữ. Cái dáng đó, kiểu nói năng đó, lại còn tay chân cùn cụt như thế, tôi đá cho một đá chắc hắn “cáo phó nghề này” chứ không phải em tôi.

- Sao Trúng sợ thằng cha đó dữ vậy?

- Tại ảnh là đại ca!

- Đại ca con khỉ mốc! Dáng hình loắt choắt, tay chân què cụt. Chị đá một đá là văng xuống núi khỏi leo lên được, chứ đại ca gì!

- Dáng vóc ảnh không đáng sợ nhưng sự gan dạ khiến bọn em phải gọi bằng đại ca. “Độc thủ đại ca” đó chị!

- Ghê vậy à?

Giọng Trúng chùng xuống:

- Nhà ảnh nghèo lắm. Mẹ ảnh sinh một bầy con rồi bả chết. Ba ảnh cũng làm nghề đánh bẫy thằn lằn như ba em. Nhưng rồi trong một lần trúng gió ông đã bị té từ trên núi xuống, chấn thương cột sống, nằm một chỗ sáu năm mới chết. Mười hai tuổi ảnh đã vào nghề bẫy thằn lằn. Ngoài ra ốc, sóc, chim, cò, rắn rết… gì cũng bắt hết. Sóc tính theo con. Chuột bán theo ký. Còn rắn thì cao giá nhất, càng độc càng cao. Ốc núi là loại dễ bắt nhất mà lại ăn rất ngon. Bảo đảm chị đã ăn nhiều loại ốc nhưng khi ăn ốc núi luộc gừng, luộc sả là chị sẽ… nhớ suốt đời.

- Nhớ sao?

- Thịt ốc núi không tanh như các loại thịt khác. Đĩa ốc luộc nghi ngút khói, lùa vào miệng muốn phỏng lưỡi luôn. Nhưng vừa nuốt qua cổ là chị nghe mát lịm. Còn phảng phất thơm hương đá núi, hương cỏ, vị mồ hôi…

- Dài dòng quá! Ta muốn biết vì sao cái thằng loắt choắt kia làm mi sợ dữ?

- Mười tám tuổi, trong một lần đi câu giựt đầu mùa mưa như hôm nay, ảnh phát hiện một ổ ốc! Ổ ốc đó chắc là đại gia đình, ước chừng xúc cả rổ. Ảnh mừng quá, quơ tay cào về phía mình mà không hay số ốc đó đã có tay “thợ săn” khác lăm le rồi.

- Rồi uýnh nhau đến gãy tay để giành mớ ốc hả? Đồ hèn! Ai cũng nghèo như ai, thì chia nhau mỗi người một nửa.

- Chị hấp tấp quá! Tay “thợ săn” kia là một con rắn hổ mang. Và để không mất mạng ảnh đã nhanh tay lấy cây rựa đeo bên hông chặt đứt nửa cánh tay mình! Chuyện đã mười năm rồi.

Tôi rùng mình sau lời kể của Trúng. Lặng im vài giây như “mặc niệm” nửa cánh tay của kẻ xa lạ với biệt danh “độc thủ đại ca” kia mà không khỏi lặng lẽ lau nước mắt.

- Rồi ảnh có vợ chưa?

- Nhà ảnh nghèo, lại bị tật, còn nuôi ba đứa em thì ai dám ưng!

- Tên gì?

- Ai? Mấy đứa em ảnh hả?

- “Độc thủ đại ca” của Trúng tên gì?

- Tên Thiệt.

- Hèn gì…

- Thiệt, Thà, Chất, Phác, Mộng, Giàu, Sang là tên của mấy anh em ảnh, chứ hổng phải thiệt thòi.

- Mấy đứa đó bi lớn, làm gì?

- Còn đi học! Đứa nhỏ nhất mới lớp 4!

- Sao hổng cho tụi nó đi học nghề câu giựt như “đại ca”? Cả bầy đi học sao nuôi nổi?

- Ảnh bảo, tâm nguyện của ba má ảnh là mong con thiệt thà để được giàu sang. Mà muốn như vậy trước tiên phải đi học.

Đêm câu giựt hôm ấy em tôi cứ đi miên man theo những thứ đặc sản của núi. Còn tôi chân bước dò theo em mà cứ nghĩ đến những món quà đầu năm học tôi sẽ mua tặng bầy em của “độc thủ đại ca” - kẻ mới đối diện lần đầu đã mắng tôi té tát.

F12ipRn2.jpgPhóng to

Áo Trắng số 17 ra ngày 15/09/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Đ.P. THÙY TRANG (Tây Ninh)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp