04/10/2014 07:03 GMT+7

​Mua bảo hiểm tai nạn do cây xanh?

Q.KHẢI - D.N.HÀ - L.TH.H. ghi
Q.KHẢI - D.N.HÀ - L.TH.H. ghi

TT - Đã có đề xuất mua bảo hiểm cây xanh nhằm chia sẻ rủi ro khi xảy ra tai nạn. Chúng tôi giới thiệu các ý kiến về đề xuất này.

Cây xanh ngã đè ôtô trên đường Lê Lợi, Q.1, TP.HCM vào ngày  28-5-2014 - Ảnh: Q.Khải
Cây xanh ngã đè ôtô trên đường Lê Lợi, Q.1, TP.HCM vào ngày 28-5-2014 - Ảnh: Q.Khải

Sở dĩ có đề xuất mua bảo hiểm cho cây xanh, xuất phát từ sự việc Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh TP.HCM hỗ trợ 400 triệu đồng cho gia đình nạn nhân bị cây xanh ngã đè chết. 

Dưới đây là một số ý kiến tiêu biểu:

* Ông NGUYỄN VĂN DUNG (phó giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1 thuộc Sở Giao thông vận tải TP.HCM):

Mô hình phù hợp

Trước nay vẫn chưa có quy định cụ thể trong những trường hợp xảy ra tai nạn liên quan đến cây xanh thì phải bồi thường, hỗ trợ ra sao, nguồn kinh phí từ đâu, nên các đơn vị cũng lúng túng trong vấn đề xử lý.

Với những sự cố liên quan đến cây xanh thời gian gần đây, Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh TP phải trích các khoản kinh phí của mình để hỗ trợ người bị nạn với tính chất chia sẻ, quá trình hỗ trợ cũng mất nhiều thời gian (mới đây, Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh TP đã hỗ trợ 400 triệu đồng cho gia đình nạn nhân bị cây xanh ngã đè chết - PV). Từ thực trạng trên, mới đây Sở Giao thông vận tải đã kiến nghị thành lập quỹ nhằm hỗ trợ giải quyết các sự cố liên quan đến cây xanh.

Tuy nhiên về lâu dài, việc xử lý, khắc phục liên quan đến sự cố cây xanh ngày càng đòi hỏi chuyên nghiệp hơn, quy định trách nhiệm rõ hơn mà mô hình bảo hiểm cây xanh là mô hình phù hợp. Nếu có bảo hiểm, khi xảy ra các sự cố liên quan đến cây xanh thì sẽ có những quy định cụ thể trường hợp nào bồi thường, trường hợp nào phải hỗ trợ, mức độ ra sao. Chúng tôi đề xuất xin chủ trương, nếu được chấp thuận thì đơn vị quản lý cây xanh và các đơn vị bảo hiểm sẽ ngồi lại với nhau bàn những trường hợp mua bán bảo hiểm cây xanh cụ thể, mức chi trả cụ thể đối với từng trường hợp.

Về ý kiến cho rằng khi mua bảo hiểm cây xanh, đơn vị duy tu cây xanh không còn mặn mà với công việc duy tu chăm sóc, xử lý khiếm khuyết cây xanh vì có bảo hiểm lo là chưa đúng. Bởi nếu sự cố xảy ra, các cơ quan xác định lỗi do sự tắc trách của đơn vị duy tu cây xanh thì đơn vị này phải chịu trách nhiệm chứ không phải cái gì bảo hiểm cũng chịu. Vì thế trách nhiệm chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh vẫn được thực hiện nghiêm túc khi cây xanh có mua hay không mua bảo hiểm.

* Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO (Đoàn luật sư TP.HCM):

Không cần thiết và không hợp lý

Theo tôi, việc mua bảo hiểm cho cây xanh là không cần thiết và không hợp lý. Trách nhiệm của đơn vị được giao quản lý cây xanh là chăm sóc, tỉa cành... bảo đảm cho cây phát triển an toàn. Trách nhiệm của người quản lý, cơ quan quản lý là phải biết được cây bị sâu, rầy ở đâu, cành nào có nguy cơ gãy, đổ để xử lý trước khi nó gãy, rơi gây tai nạn cho người đi đường. Đơn vị quản lý và nhân viên quản lý lơ là trách nhiệm, để cây đổ gây tai nạn thì phải bồi thường theo Luật bồi thường nhà nước và những người có trách nhiệm phải trả tiền lại cho ngân sách nhà nước.

Việc cây xanh có bảo hiểm còn làm cho nhân viên và đơn vị quản lý ỷ lại, không làm hết trách nhiệm trong việc chăm sóc và bảo quản cây xanh. Nếu đơn vị quản lý thấy cần thiết phải có đơn vị trả tiền thay cho mình trong những tình huống gãy đổ cây xanh thì tự lấy tiền túi ra để mua bảo hiểm, không dùng ngân sách nhà nước để mua. Điều mà xã hội và người dân hướng tới là cây xanh được quản lý tốt, phát triển an toàn, chứ người dân không mong muốn nhận được đồng tiền bồi thường sau khi bị tai nạn, hư hại tài sản hoặc người thân đã mất mạng.

* Ông ĐẶNG DIỆP ĐẠI KHOA (phó tổng giám đốc phụ trách nghiệp vụ Công ty CP bảo hiểm Viễn Đông):

Nên mua để bồi thường

Việc đề xuất mua bảo hiểm trách nhiệm tai nạn do cây xanh gây ra là điều cần thiết. Hiện tại chúng ta đã có bảo hiểm tai nạn dân sự bắt buộc, nhằm chia sẻ một phần thiệt hại cho người bị thiệt hại do lỗi bên thứ ba. Do vậy việc bảo hiểm trách nhiệm do cây xanh gây ra cho người hoặc tài sản cũng cần được triển khai. Xã hội ngày càng phát triển, chúng ta phải có trách nhiệm khi gây ra thiệt hại gì đó cho ai dù là cá nhân hay tổ chức.

Mức mua bảo hiểm bao nhiêu sẽ tùy thuộc vào lựa chọn của bên mua bảo hiểm, có thể 70 triệu đồng, có thể cao hơn, vì con người chúng ta không thể định giá được. Tuy nhiên, tốt nhất nên chọn mức 500 triệu đồng, xem như một phần trách nhiệm của cơ quan chức năng đối với người dân khi các dịch vụ công ích của mình trực tiếp gây rủi ro cho người dân. Còn về sản phẩm trách nhiệm tai nạn do cây xanh gây ra, bao gồm quyền lợi cho người, cho tài sản, tùy mức độ thiệt hại mà có các mức độ bồi thường khác nhau, cao nhất là chết người và hư hại toàn bộ tài sản.

Cần một nghị định cho bảo hiểm cây xanh

Suốt vài năm vừa qua, trên nhiều diễn đàn đã có quá nhiều ý kiến tranh luận xung quanh việc vì sao nạn nhân do cây xanh đổ ngã gây ra chỉ được hỗ trợ chứ không bồi thường? Theo điều 616 của Bộ luật dân sự năm 2005 thì chủ sở hữu cây cối phải bồi thường thiệt hại do cây cối gãy đổ, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng. Điều 161 của Bộ luật dân sự và điều 11 của nghị định 64/2010/NĐ-CP đã quy định trách nhiệm của công ty cây xanh, nhưng không hiểu sao trong suốt thời gian qua các công ty quản lý cây xanh không bồi thường mà chỉ hỗ trợ cho nạn nhân. Thậm chí có vụ phải vài năm sau công ty cây xanh mới huy động sự đóng góp của cán bộ nhân viên trong công ty để hỗ trợ nạn nhân và nhận vợ của nạn nhân xấu số vào làm việc (vụ cây đổ đè chết tài xế taxi ở Hà Nội năm 2012).

Ý tưởng đề xuất mua bảo hiểm cây xanh là rất mới, theo tôi rất nên, vì khi đã có bảo hiểm thì việc bồi thường sẽ kịp thời, gia đình người bị hại cũng không phải hao sức tổn trí vì chuyện khiếu kiện. Tuy thế, chuyện bảo hiểm cây xanh đâu phải ngày một ngày hai có thể thành hiện thực, vì phải đợi chủ trương để có được một nghị định về bảo hiểm dân sự của chủ thể quản lý cây xanh. Vậy theo tôi, Sở Giao thông vận tải TP.HCM nên tham mưu để UBND TP tham khảo làm cơ sở đề xuất với Chính phủ.

Trong khi chờ đợi có chủ trương bảo hiểm, tôi nghĩ công ty cây xanh cần tuân thủ thật nghiêm luật pháp, thực hiện hết mức trách nhiệm chuyên môn của mình. Việc thăm khám cây xanh thường xuyên để mé cành, tỉa tán, hạ chiều cao là cần thiết nhưng chưa đủ, còn cần phải nghiên cứu biện pháp chẩn đoán tình trạng gốc cây, bộ rễ, nền đất để có phương án xử lý triệt để, ngăn chặn cây xanh gãy đổ.

NGƯT ĐỖ XUÂN CẨM
(cựu giảng viên Trường ĐH Nông lâm Huế)

 

Q.KHẢI - D.N.HÀ - L.TH.H. ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp