Nhiều tài khoản mạng xã hội cam kết chỉ cần ngồi nhà, bằng một cuộc điện thoại có thể gửi bất kỳ loại thuốc kê đơn và không kê đơn đến tận nơi cho người có nhu cầu.
Mua thuốc trên mạng loại gì cũng có
Gõ từ khóa "mua bán thuốc tây" tại thanh công cụ tìm kiếm của mạng xã hội Facebook, kết quả có hàng loạt hội nhóm buôn bán, trao đổi thuốc. Mỗi nhóm này có từ hàng chục đến hàng trăm ngàn thành viên như "Hội thanh lý thuốc tây date cận TP.HCM", "Chợ sỉ thuốc tây quận 10", "Cộng đồng mua bán thuốc tây"...
Những nhóm này mỗi ngày có hàng chục đến hàng trăm tài khoản cá nhân đăng tải nhu cầu mua bán thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn. Nhiều tài khoản chào mời khách hàng bằng các loại thuốc dán mác ghi rõ "Thuốc kê đơn" với giá hấp dẫn, cam kết rẻ hơn nhiều so với thị trường.
Tại nhóm "Hội nhà thuốc tây" có hơn 95.000 thành viên, tài khoản R.T. đăng bài viết muốn tìm mua thuốc Usaralphar 8400 UI chống phù nề, trên bao bì hộp thuốc ghi rõ "Thuốc kê đơn". Sau khi được đăng tải, nhiều tài khoản khác nhanh chóng để lại bình luận cho biết có sẵn hàng, gửi thuốc đến tận nơi khi có nhu cầu mà không cần đơn bác sĩ.
Loại thuốc sử dụng để tiêm tĩnh mạch và tiêm bắp Solu Medrol cũng ghi trên bao bì là "Thuốc kê đơn", sử dụng cấp cứu phản vệ, xương khớp, ung thư, viêm phổi cũng được nhiều tài khoản Facebook rao bán.
Liên hệ ngỏ ý muốn mua thuốc này sử dụng để tiêm tĩnh mạch và tiêm bắp, người bán có tài khoản Facebook tên P.C. báo sản phẩm có giá 76.500 đồng/lọ, và tư vấn thêm một sản phẩm có hàm lượng tương đương nhưng giá lại "mềm" hơn rất nhiều so với bên ngoài.
Khi được hỏi sản phẩm trên không có đơn bác sĩ kê thì có thể mua và sử dụng không, người này khẳng định mua dùng bình thường, chỉ cần báo số lượng, địa chỉ hàng sẽ đến tận nơi.
Nguy kịch vì mua thuốc qua mạng
Mới đây, một bệnh viện tại TP.HCM đã tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân V.P. (63 tuổi, Long An) nhập viện trong tình trạng thở nhanh, mệt nhiều. Bệnh nhân được bác sĩ chẩn đoán nhiễm toan lactic nặng do ngộ độc chất cấm phenformin và phải tiến hành lọc máu cấp cứu lấy chất độc. Sau một lần lọc máu, bệnh nhân đã qua nguy kịch.
Theo lời kể của bệnh nhân, do dùng thuốc tiểu đường tây y nhiều năm, thấy quảng cáo thuốc trị tiểu đường bán trên mạng có thể giảm đường huyết nên đã mua về sử dụng và xảy ra tình trạng trên.
Thập niên 1980, chất phenformin bị cấm sử dụng trên toàn thế giới nhưng tại Việt Nam thuốc trôi nổi chứa chất cấm này vẫn xuất hiện. Khi sử dụng thuốc chứa phenformin, người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, ăn kém, yếu cơ, mức độ nặng tăng dần và thở nhanh, tim đập nhanh, tụt huyết áp, rối loạn tri giác, suy hô hấp, có thể dẫn đến tử vong.
Các bác sĩ khuyến cáo người bệnh tuyệt đối không nên nghe theo lời khuyên của người không có chuyên môn, hay tin quảng cáo trên Internet, sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, bỏ điều trị theo chỉ định của bác sĩ làm các biến chứng ngày càng nặng nề và có thể nguy hiểm chết người.
Bà Huỳnh Thị Lan - tổng giám đốc Công ty cổ phần hóa dược phẩm Mekophar, đồng thời là phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dược Việt Nam - cho biết hiện nay các loại thuốc, đặc biệt là một số thuốc nam được quảng cáo tràn lan trên mạng. Nghe quảng cáo, nhiều người đã mua những thuốc này về uống.
Ngay những người thân của bà, thậm chí có cả đồng nghiệp của bà là dược sĩ khi bị bệnh, nghe quảng cáo hoặc nghe người mua uống trước đó khen nên cũng mua về tính uống thử.
Tuy nhiên, những thuốc này cần được kiểm nghiệm kỹ xem có bị pha trộn thuốc tây như các hoạt chất prednisone, dexamethasone, pacetamol (có tác dụng giảm viêm và giảm đau nhưng dễ gây ra tác dụng không mong muốn), với liều lượng cao hơn mức cho phép hay không, thậm chí có những loại chứa liều lượng gấp 3 lần mức cho phép.
Do bị pha trộn ngụy tạo tân dược nên khi người đang bị đau nhức khớp uống vào sẽ hết cảm giác đau nhanh, nhưng dùng thời gian dài người bệnh sẽ gặp biến chứng như bị bệnh thận, hội chứng Cushing (cơ thể có nhiều rối loạn như giữ nước, tăng cân, rạn da, tăng huyết áp, yếu cơ, loãng xương...).
Bán thuốc qua mạng, quản thế nào?
Theo Sở Y tế TP.HCM, hiện nay quá trình thanh tra kinh doanh quảng cáo thuốc qua mạng xã hội gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong xác định chủ thể vi phạm: công ty sở hữu sản phẩm, nhà phân phối, người sở hữu website, chủ tài khoản...
Đáng nói nhiều địa chỉ kinh doanh là địa điểm ảo, không có thật, hình thức giao dịch mua bán qua điện thoại, địa điểm giao nhận không cố định hoặc nhiều nơi không phải là cơ sở kinh doanh thuốc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép. Trong quá trình kiểm tra chưa có đủ phương tiện, công cụ để lưu trữ chứng cứ xử lý vi phạm.
Khi được mời lên làm việc về quảng cáo sản phẩm, các cá nhân, tổ chức đã tháo gỡ sản phẩm, chặn truy cập trang thông tin điện tử trước khi lên làm việc hoặc không lên làm việc theo giấy mời.
Bên cạnh đó, nhiều quảng cáo dược phẩm kém chất lượng trên các trang mạng xã hội, trang điện tử có tên miền nước ngoài; quảng cáo sai sự thật, gây nhầm lẫn để đánh lừa người tiêu dùng làm cho cơ quan quản lý không quản lý được nội dung quảng cáo, không xác định được chủ thể và không có cơ sở để xử lý vi phạm.
Bà Huỳnh Thị Lan cũng ủng hộ đề xuất của Bộ Y tế về việc cấm bán thuốc kê đơn trên mạng xã hội và các hình thức kinh doanh điện tử khác. Theo bà Lan, thuốc thuộc danh mục kê toa không thể mua trên mạng dễ như mua rau, mua kẹo. Các thuốc không kê đơn, thuốc đông nam dược bán trên mạng cũng cần hình thức quản lý, chế tài.
Bà Lan còn cho biết ở một số nước chỉ được quảng cáo về tác dụng không mong muốn của thuốc, không nói tác dụng điều trị của thuốc, để người bệnh không tự ý đi mua thuốc về dùng.
Chính việc người bệnh tự mua thuốc về dùng đã dẫn đến những biến chứng hoặc những tác dụng không mong muốn khi uống thuốc, nhất là đối với các kháng sinh. Tình trạng kháng kháng sinh ở nước ta hiện nay rất đáng báo động, đó cũng là hậu quả của việc tự mua thuốc mà không cần đơn của bác sĩ đang diễn ra tràn lan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận