Nhiều được kê khá “nặng ký” so với bệnh, có toa bệnh một đằng kê một nẻo và lạm dụng kháng sinh quá mức cần thiết - Ảnh: DUYÊN PHAN
Hiện nay mỗi bệnh viện đều kê đơn điện tử, có phần mềm với ngôn ngữ lập trình khác nhau. Do đó vấn đề kết nối sử dụng các phần mềm liên thông giữa các bệnh viện, các phòng khám và nhà thuốc chưa được chuẩn hóa, các đơn vị cung ứng chưa thể gõ mã số kiểm tra chất lượng đơn thuốc.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ Y tế đang tiến hành chuẩn hóa lại toa thuốc trên mạng bằng hệ thống mã số và liên thông kết nối được với phần mềm quản lý ở các nhà thuốc từ năm nay.
Ông Đỗ Văn Dũng (trưởng phòng nghiệp vụ dược, Sở Y tế TP.HCM)
Hơn một năm trước, bàn chân trái của N.A.H. (18 tuổi, quê Quảng Ngãi) đột nhiên bị ngứa, càng gãi càng đỏ ửng.
Ngứa ngày một lan rộng khắp bàn chân, kèm theo đó là những biểu hiện sưng phù, loét khiến việc đi lại rất khó khăn.
Suýt mất bàn chân vì "ra tiệm mua thuốc"
"Lúc đầu em nghĩ mình chỉ bị ngứa thông thường nên ra tiệm thuốc tây mua thuốc về uống. Nhưng qua nhiều loại thuốc, uống mãi không giảm. Em tiếp tục tìm đến một số phòng khám, bệnh viện xét nghiệm, các bác sĩ đều có chung chẩn đoán em bị nhiễm trùng rồi tiếp tục kê toa thuốc để em vừa uống vừa tiêm điều trị" - H. kể.
Khi bệnh tình càng trở nên nghiêm trọng, H. được gia đình đưa vào TP.HCM để kiểm tra. Lúc này bàn chân đã bước sang giai đoạn hoại tử, các bác sĩ phẫu thuật thắt mạch máu ngăn chặn bệnh lây lan, kèm theo đó là các đơn thuốc uống, thế nhưng bệnh tình của H. không có dấu hiệu thuyên giảm. H. suy sụp khi đứng trước nghịch cảnh phải cắt bỏ cả bàn chân bị hoại tử.
Thế rồi khi đang tuyệt vọng H. may mắn gặp được bác sĩ Lê Thanh Phong (lúc đó còn công tác ở Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM). Qua nhiều khâu xét nghiệm, bác sĩ Phong kết luận H. bị dị dạng động tĩnh mạch. "Bệnh nhân bị lở loét, thối thịt ở diện rộng. Nhờ can thiệp kịp thời cậu ấy chỉ bị cắt phần hoại tử là hai ngón chân" - ông Phong kể.
Đây chỉ là một số ít bệnh nhân có phản ứng với thuốc. Chất lượng toa thuốc bị "thả nổi", người bệnh dùng thuốc theo thói quen "ra tiệm mua thuốc" là hiểm họa được báo trước.
Bác sĩ Dương Đức Hùng - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - nói mỗi năm khoa điều trị tích cực của bệnh viện tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân nặng bị ngộ độc do dùng thuốc theo kiểu cứ đau là "ra tiệm mua thuốc".
Điều lo ngại hiện nay là việc kiểm soát chất lượng toa thuốc tại một số bệnh viện nhỏ, các phòng khám. Bởi tại các nơi này ít khi làm xét nghiệm, chủ yếu kê toa dựa trên... kinh nghiệm. Để có một toa thuốc chất lượng đòi hỏi nhiều yếu tố nhưng quan trọng vẫn là trình độ của bác sĩ kê toa. Nhưng để kiểm soát và phân loại được trình độ này là điều rất khó.
Do đó nên có một hướng dẫn quy định chung về cách sử dụng thuốc, đặc biệt là kháng sinh. Muốn vậy đòi hỏi phải có đủ phương tiện máy móc thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng nhằm xác định đúng nguyên nhân bệnh, từ đó mới xác định có dùng thuốc kháng sinh hay không.
GS.TS Nguyễn Thanh Bảo (trưởng khoa vi sinh Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM)
Mua bán thuốc không toa
Việc mua thuốc không cần toa đang khá phổ biến. Khảo sát của chúng tôi tại 10 nhà thuốc tây ở TP.HCM cho thấy tất cả đều đồng ý bán thuốc không cần toa. Đặc biệt trong số này có nhiều loại thuốc kháng sinh như Levofloxacin (Qunflox) 500mg, penicillin, amoxicillin, erythromycin...
Tại nhà thuốc V.H ở Q.Thủ Đức chúng tôi trình bày cần mua một số loại thuốc kháng sinh để chữa viêm họng. Nhân viên nhà thuốc lấy từ tủ thuốc "có kê đơn" một vỉ cephalexin 500mg (10 viên) giá 10.000 đồng kèm hướng dẫn "uống ngày 3 viên sau khi ăn".
Theo nhân viên này, cephalexin là thuốc kháng sinh nhưng nhà thuốc vẫn bán bình thường không cần phải kê đơn. Người này thừa nhận theo nguyên tắc việc bán các loại thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc, nhưng do nhu cầu người dân quá nhiều nên vẫn phải bán.
Dược sĩ L.C.B. (48 tuổi, mở nhà thuốc tư nhân khoảng 5 năm nay ở Q.9) không ngần ngại đánh giá rằng có khá nhiều người dân, nhà thuốc "rất ẩu" trong việc mua bán thuốc.
"Đa số người dân đến mua thuốc họ không quan tâm đến loại thuốc đó có phải là kháng sinh hay không. Tôi thường giải thích cho họ hiểu về tác dụng nhưng nếu họ cứ khăng khăng đòi mua tôi buộc phải bán thôi bởi nhà thuốc mọc lên nhan nhản không thiếu chỗ mua" - dược sĩ B. chia sẻ.
Trong khi đó, bác sĩ Dương Đức Hùng cho rằng với hệ thống nhà thuốc chằng chịt không theo quy hoạch nào, họ lại rất cần cạnh tranh nên cứ có người mua là sẽ bán thuốc. "Họ không cần biết toa thuốc đó của ai, có đúng bệnh, thời gian có phù hợp... Thậm chí những toa thuốc bị sai vẫn được bán bình thường" - ông Hùng nói.
Người dân mua thuốc tại Bệnh viện K (Hà Nội). Nhà thuốc bệnh viện là nơi khá chặt chẽ trong việc kiểm soát thuốc theo đơn - Ảnh: N.KHÁNH
Tôi thấy ngành y tế mới chỉ giải quyết được bài toán kiểm soát mạng lưới kinh doanh thuốc chứ chưa giải quyết được chất lượng toa thuốc. Tính thống nhất và phản biện trong vấn đề này hầu như không có nên việc kê toa mỗi người một phách, ít nhiều dựa vào cảm tính, kinh nghiệm chủ quan của bác sĩ. Chưa kể đôi khi bác sĩ kê toa còn gắn liền với các nhóm "quyền lợi riêng tư".
Muốn kê toa đúng, trúng, đủ... phải dựa trên y học chứng cứ, tức là các xét nghiệm cận lâm sàng. Ngoài ra, Bộ Y tế cần phải xây dựng bằng được phác đồ điều trị nhằm chuẩn hóa các toa thuốc kháng sinh và các loại bệnh đặc biệt. Đồng thời cần có một hội đồng thuốc quốc gia phản biện, thẩm định chất lượng toa thuốc. Từ đó mới cho ra một toa thuốc đúng chuẩn cho từng loại bệnh, người bệnh.
Ông Nguyễn Hữu Tùng (phó chủ tịch thường trực Hội hành nghề y tư nhân, Sở Y tế TP.HCM)
Dùng "búa tạ đập ruồi"
Chúng tôi thu thập ngẫu nhiên nhiều toa thuốc được kê bởi các bác sĩ của bệnh viện và phòng khám ở TP.HCM để tìm hiểu thì thấy nhiều toa thuốc kê rất "nặng ký" so với bệnh, có toa bệnh một đằng kê một nẻo.
Một toa thuốc được bác sĩ (làm tại một bệnh viện lớn ở TP.HCM) tại phòng khám ngoài giờ "chất lượng cao" kê cho bệnh nhân bị viêm mũi họng khá khó hiểu.
Người bệnh chỉ bị viêm mũi - họng do virút, không có bội nhiễm (tức nhiễm thêm vi trùng), thế nhưng bác sĩ vẫn kê thêm 6 gói kháng sinh Ceficime 75mg. Loại kháng sinh này, theo chỉ định chỉ dùng để điều trị các loại bệnh nhiễm khuẩn, hoàn toàn không có hiệu quả cho điều trị các bệnh về nhiễm virút. Các chuyên gia y tế gọi cách kê toa này là dùng "búa tạ đập ruồi".
Tương tự, bé T.H. (3 tuổi, ngụ Q.9) được chẩn đoán bị viêm phế quản phổi, không có dấu hiệu bị nhiễm trùng, chỉ ho, sổ mũi một tuần (không sốt) cũng được bác sĩ của bệnh viện này kê thuốc kháng sinh Augmentin.
"Soi" toa thuốc này có một số sai sót như ghi chú "công xông và thuốc", ghi tên biệt dược trong toa thuốc. Các chế phẩm khác nhau nhưng bác sĩ vẫn kê chung "1 lọ" khiến người bệnh dễ hiểu lầm.
Đặc biệt tại phòng khám nhi khoa B. ở P.Bình Thọ (Q.Thủ Đức) còn có nhiều toa thuốc thường mắc lỗi như toa không có chữ ký của bác sĩ, thiếu chẩn đoán ICD 10 (bảng phân loại bệnh tật) và lạm dụng kháng sinh.
Đơn cử trong toa thuốc kê cho bé N.K.H. (2 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức) xuất hiện kháng sinh Klamentin 500mg không phù hợp với chẩn đoán viêm phế quản. "Việc bác sĩ không ký tên trên toa thuốc là sai quy định. Bởi không ký tên đồng nghĩa việc toa không có giá trị và không được bán thuốc cho người bệnh" - một chuyên gia dược phân tích.
Nhưng tình trạng này khá phổ biến hiện nay, không ai kiểm soát, các nhà thuốc chưa được quản lý chặt và kê đơn điện tử, vì vậy người bệnh mang họa không là chuyện hiếm.
N.A.H. (18 tuổi, quê Quảng Ngãi) từng có nguy cơ phải cắt bỏ cả bàn chân bị hoại tử do sai chẩn đoán ban đầu, sử dụng nhiều loại thuốc tây kê đơn không hiệu quả - Ảnh: HOÀNG LỘC
40% Đó là tỉ lệ sai sót của toa thuốc được nêu ra mới đây tại hội nghị dược lâm sàng ở Hà Nội. Các chuyên gia y tế đưa ra một con số giật mình: trong số 5.300 toa thuốc của hai bệnh viện công lập được lấy ra khảo sát, 2.000 toa có sai sót. Các sai sót thường gặp là sai cách dùng thuốc, sai thời điểm dùng, sai nhóm thuốc.
Khảo sát tại 10 tỉnh thành có 66% toa thuốc có kê vitamin, biệt dược đắt tiền không cần thiết.
Dùng toa cũ, mượn toa và mua "chui"
Các chuyên gia y tế cho rằng toa thuốc chất lượng cần phải hội đủ các yếu tố về hình thức và cả nội dung như tên tuổi, giới tính, địa chỉ người bệnh; tên, chữ ký của bác sĩ kê toa; các xét nghiệm cận lâm sàng, phân loại bệnh tật, phác đồ điều trị, toa phải có tư vấn, căn dặn của bác sĩ về từng loại thuốc, cách dùng, cách ăn uống, nghỉ ngơi... cho người bệnh.
Thế nhưng theo đánh giá của bác sĩ Dương Đức Hùng - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bạch Mai, hiện nay thật khó tìm thấy các toa thuốc đúng như thế. Nhiều người bệnh còn dùng toa thuốc cũ, mượn toa thuốc của người khác, thậm chí mua "chui" thuốc thuộc danh mục kê đơn.
Không bán thuốc theo toa cũ 3 - 6 tháng
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong toa thuốc cần đảm bảo có những thông tin về tên, địa chỉ của người kê toa, số điện thoại (nếu có thể). Trong trường hợp dược sĩ thắc mắc họ có thể dễ dàng hỏi trực tiếp. Tại một số nước, các dược sĩ không bán thuốc cho những toa thuốc kê trước đó 3-6 tháng.
WHO khuyến cáo khi kê toa bác sĩ cần kê tên thuốc theo tên thông dụng quốc tế, không sử dụng tên biệt dược để tránh "bày tỏ quan điểm" của người kê đơn. Điều này giúp người bệnh không phải dùng thuốc đắt tiền không cần thiết. Trong trường hợp đặc biệt, nếu nhất thiết phải dùng biệt dược người kê toa phải ghi chú thích rõ trong đơn.
Với toa thuốc có thuốc thuộc nhóm bị kiểm soát hoặc có nguy cơ bị lạm dụng, cần phải được viết rõ về liều lượng, tổng lượng thuốc được dùng. Ngoài ra, toa thuốc cần có thông tin về nhãn mác bao bì thuốc, chữ ký người kê thuốc và tên, địa chỉ, tuổi của người bệnh.
D.KIM THOA (theo tài liệu "Guide to Good Prescribing - A Practical Manual" của WHO)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận