Phóng to |
Chọn mua sách tại hội sách TP.HCM 2006 - Ảnh: N.C.T. |
Con số 101 tựa sách được một công ty mới chưa đầy hai năm tuổi như Công ty truyền thông văn hóa Nhã Nam mua đứt bản quyền phát hành ở VN, hay 64 đầu sách được mua bản quyền trong hai năm 2005-2006 của một nhà xuất bản (NXB) chưa phải thuộc diện “sừng sỏ” như NXB Văn Hóa Thông Tin đang chứng tỏ một điều rất đáng mừng đối với giới xuất bản: ngày càng có nhiều NXB, nhà sách coi việc mua bản quyền là một công đoạn đương nhiên và quan trọng vào bậc nhất của hoạt động xuất bản.
Tiền bản quyền: đừng sợ, không đắt đâu!
“Một tựa sách của An Ni Bảo Bối - cây bút trẻ đang ăn khách vào loại nhất ở Trung Quốc - được Công ty văn hóa Phương Nam mua với giá khoảng 1.000 USD” - cô Nguyễn Lệ Chi, phó giám đốc bộ phận xuất bản - bản quyền, cho biết như vậy. “Nhưng không phải sách của ai cũng có giá ấy, thường chúng tôi mua được với giá thấp hơn - cô cho biết thêm - Giá cả lại phụ thuộc từng tác giả, phụ thuộc đối tượng giao dịch, nếu giao dịch trực tiếp với tác giả, không thông qua trung gian, đại lý thì bao giờ cũng có thể thỏa thuận được mức giá mềm hơn. Nhưng với mức độ tiêu thụ ở thị trường VN, mức giá thường là 6% giá thành nếu dưới 5.000 bản, với lượng in 5.000-10.000 bản, giá sẽ là 8-10%”.
Bà Phương Mai, phụ trách bản quyền của NXB Văn Hóa Thông Tin, khẳng định: “Có một số công ty cứ mang tiền bản quyền ra để hù nhau làm dân tình bị choáng ngợp, ví dụ như công bố rằng để mua được bản quyền cuốn sách đang ăn khách tại Mỹ phải tốn cả mấy tháng trời với trăm bức thư điện tử qua lại, rồi còn phải bay qua Mỹ mấy lần và số tiền bản quyền tuy chưa thể công bố được nhưng rất lớn...
Tôi làm bản quyền chỉ thấy điều đầu tiên đối tác yêu cầu mình là phải nghiêm túc. Nghiêm túc chứng minh khả năng tài chính, nghiêm túc chứng minh khả năng kiểm soát ấn phẩm trên thị trường, ngoài ra họ “phục vụ” mình đến nơi đến chốn. Hầu hết sách chúng tôi mua bản quyền chỉ có giá 400-600 USD, cộng với... ba lần gửi thư điện tử. Đơn cử như cuốn truyện kinh dị - tâm lý của hai tác giả Trung Quốc rất nổi tiếng tại Mỹ Kỳ án ánh trăng, chúng tôi mua với giá 400 USD, trong đó đối tác đã phải mất chi phí gửi sách mẫu sang tận nơi, lại còn phải chịu phí ngân hàng 70 USD, chắc tiền thu về chỉ còn không đầy 300 USD.
Phóng to |
“Tất cả tựa sách nổi tiếng nhất chúng tôi mua, kể cả sách đoạt giải Booker, Nobel, Goncourt... đều dưới 1.000 USD” - ông Hoàng Giang, phó giám đốc Công ty Nhã Nam, khẳng định.
“Một điều có vẻ như nghịch lý là trong giao dịch bản quyền, các đối tác Trung Quốc tỏ ra “rắn” hơn và đòi tiền bản quyền cao hơn - ông Giang nói - Có lẽ các NXB Trung Quốc đã có điều tra khá kỹ về sức mua của thị trường VN, về độ “nóng” của các cây bút Trung Quốc qua báo chí VN nên họ tỏ ra rất tự tin khi ra giá. Ngược lại, NXB châu Âu và Mỹ thường bày tỏ sự ưu ái với một thị trường mà họ nghĩ rằng sức mua không lớn lắm, cũng có thể họ coi đó là một cách “đầu tư chiều sâu”, trước mắt là mở rộng thị trường, tìm kiếm độc giả mới, rồi sau đó mới tính đến lợi nhuận từ việc bán bản quyền”.
Mua bản quyền - “buôn có bạn, bán có phường”
Phóng to |
Đại diện NXB Trẻ làm việc với NXB Gold Press, Hoa Kỳ - đơn vị giữ bản quyền bộ sách Dạy con làm giàu |
“Để việc mua bản quyền mang lại lợi ích nhiều nhất cho người mua sách, rất nên có giao dịch thường xuyên, định kỳ giữa những người làm bản quyền ở VN - cô Nguyễn Lệ Chi bày tỏ quan điểm - Những người làm bản quyền cần có thông tin thường xuyên và thẳng thắn với nhau để tránh việc đội giá, mua hớ. Cá nhân tôi đã đàm phán trực tiếp với các nhà văn nổi tiếng Trung Quốc như Mạc Ngôn, Lưu Chấn Vân, Khưu Hoa Đông... và tôi biết là họ không quá khó khăn trong việc nhượng bản quyền.
Một NXB hay một nhà sách nào đó không nên vì quá sốt ruột mua được bản quyền cuốn sách đang “hot” bằng mọi giá mà tự ý nâng mức giá lên, ví dụ như không một NXB nào ở VN thời điểm này nên trả giá đến 2.000 USD cho bất kỳ tác phẩm nào của các tác giả Trung Quốc dù nó nổi tiếng đến mấy, vì như vậy sẽ rất khó khăn cho người mua sau. Mức giá khi đã được đẩy lên thì rất khó hạ xuống”.
Bà Phương Mai cũng chia sẻ điều này: “Thị trường sách VN còn đang nhỏ và nghèo, không có lý gì người nghèo lại phải chịu mua đắt, mà có khi lại phải chịu mua đến hai lần. Chúng tôi đã mua bản quyền Đàn ông đến từ sao Hỏa, đàn bà đến từ sao Kim, rồi không hiểu sao một NXB khác cũng in. Rõ ràng là chúng ta thiếu thông tin về thị trường sách thế giới và cả về nhau nữa. Những kinh nghiệm tương tự cần được đưa ra để chia sẻ . Cũng như chia sẻ kinh nghiệm về việc dự các hội chợ sách quốc tế, về thương thuyết bản quyền. Việc bản quyền cũng cần “buôn có bạn, bán có phường” là vì vậy”.
* Kể từ sau công ước về bản quyền Berne (từ 26-10-2004 đến nay) First News - Trí Việt đã thiết lập mối quan hệ hợp tác với hơn 60 tập đoàn xuất bản - NXB trên thế giới và ký hợp đồng bản quyền hơn 260 tác phẩm. * Chỉ trong một năm - năm 2006, Công ty Phương Nam đã mua bản quyền 110 tác phẩm, 50% trong số này là tiếng Hoa. * Trong năm 2006, NXB Trẻ đã ký 40 hợp đồng bản quyền để thực hiện 131 tựa sách. Riêng tháng 1-2007 đã ký 15 hợp đồng với 40 tựa. Tổng số tiền ứng trước là 2.228 euro và 12.150 USD - chưa kể hai hợp đồng lớn của Walt Disney với 19.000 USD ứng trước và 36 tựa trong bộ Horrible của NXB Scholastic với 11.000 USD ứng trước. Theo bà Quách Thu Nguyệt - giám đốc NXB Trẻ, khó khăn lớn nhất trong việc mua tác quyền nước ngoài hiện nay là việc cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp xuất bản của cả Nhà nước lẫn tư nhân, đẩy tỉ lệ phần trăm tác quyền ứng trước lên quá cao, có lúc cao quá sức mua thật của thị trường trong nước. “Cuộc mua bán tác quyền đang có nguy cơ trở thành cuộc đấu giá không có điểm dừng”, TS Quách Thu Nguyệt bày tỏ mối lo ngại của mình. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận