20/06/2020 10:47 GMT+7

Mua bán ế ẩm vẫn chưa được miễn giảm thuế, phí

NGUYỄN TRÍ - THU HIẾN  - ÁNH HỒNG
NGUYỄN TRÍ - THU HIẾN - ÁNH HỒNG

TTO - Tiểu thương tại nhiều chợ ở TP.HCM cho biết vẫn chưa được miễn, giảm thuế, phí và chưa nhận được tiền hỗ trợ do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Mua bán ế ẩm vẫn chưa được miễn giảm thuế, phí - Ảnh 1.

Hàng loạt sạp hàng trong chợ Bến Thành, TP.HCM trong cảnh cửa đóng then cài, khung cảnh vắng lặng - Ảnh: DUYÊN PHAN

Trong khi đó, cơ quan chức năng cho biết chỉ miễn giảm nếu ngừng kinh doanh, đã kinh doanh là phải nộp thuế, phí dù ế ẩm.

Dù khẳng định tiền hỗ trợ do ảnh hưởng bởi COVID-19 sắp có, nhưng nhiều phường và quận trên địa bàn TP.HCM cho biết việc hỗ trợ tùy đối tượng, khả năng tiểu thương tại các chợ sỉ không được hỗ trợ.

Nghe nói được giảm, nhưng chẳng thấy gì!

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, dù hết thời điểm cách ly xã hội nhưng tình trạng buôn bán tại nhiều quầy sạp ở các chợ lớn trên địa bàn TP.HCM như chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), Phú Nhuận (Q.Phú Nhuận), An Đông (Q.5)... vẫn ế ẩm.

Bà N.T.N. (tiểu thương chợ Bà Chiểu) cho biết dù hết dịch nhưng vẫn vắng khách. Có những ngày chỉ bán được vài chục ngàn, chủ yếu là khách quen. "Nghe nói sẽ được miễn giảm thuế nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa thấy gì, hằng tháng vẫn phải trả từ 500.000 - 600.000 đồng tiền phí cho sạp, cao hơn mức phải đóng trước đó" - bà N. cho biết.

Tại chợ Phú Nhuận, nhiều gian hàng ở khu vực bán quần áo phía trong chợ đến nay vẫn đang bỏ trống, cửa khóa then cài. Theo bà M.L. - tiểu thương chợ này, dù buôn bán ngày càng ế ẩm do "dư âm" của dịch Covid-19 nhưng tiểu thương vẫn phải trả phí gần 1 triệu đồng/tháng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Trần Thị Thu Thùy (chủ sạp D.11 chợ An Đông, Q.5) cho biết dù buôn bán ế ẩm nhưng có đến 75-80% trong hơn 2.300 sạp tại chợ phải đóng đủ thuế, phí từ tháng 2 đến tháng 5 với mức trung bình 5-6 triệu đồng/sạp, trong đó khoảng 500.000 - 600.000 đồng là tiền phí các loại.

Theo bà V. - một tiểu thương tại đây, việc miễn giảm thuế phí với điều kiện làm đơn nghỉ do liên quan đến COVID-19 nhưng mức miễn, giảm thực tế cũng giống như không có dịch. Thậm chí dù đã làm đơn xin nghỉ, chẳng kinh doanh gì, tiểu thương vẫn phải đóng 50% các loại phí (điện, nước, vệ sinh...) cho ban quản lý chợ.

Một số tiểu thương tại chợ Tân Định (Q.1) cho hay đã tạm đóng cửa một thời gian trong tháng 4-2020 sau khi được ban quản lý chợ vận động nhưng vẫn phải đóng thuế nguyên tháng 4. Có hộ chỉ bán 10 ngày vẫn phải đóng thuế. Chỉ có hộ nào nghỉ nguyên tháng 4 mới được miễn thuế.

Nhiều hộ kinh doanh khác tại chợ này cho biết trước đó đã làm đơn miễn giảm thuế nên chưa đóng mà đợi phản hồi từ cơ quan quản lý. Tuy nhiên, sau khi nhận được thông báo "nếu không đóng sẽ bị phạt", những hộ này buộc phải đóng hết số thuế còn nợ trong những tháng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 dù kinh doanh rất ế ẩm.

"Cách đây vài ngày chúng tôi được phát 1 tờ biên bản đề nghị giảm thuế và được yêu cầu ký vào để giảm thuế, nhưng mức đề nghị giảm lại để trống. Nên chúng tôi ký mà không biết mình sẽ được giảm thuế bao nhiêu. Chúng tôi vẫn đang chờ kết quả từ cơ quan thuế" - bà H., tiểu thương tại chợ Tân Định, nói.

Mua bán ế ẩm vẫn chưa được miễn giảm thuế, phí - Ảnh 2.

Nhiều sạp tại các chợ lớn ở TP.HCM vẫn đang đóng cửa, thậm chí phải tìm người thuê mới sau khi tiểu thương trả lại sạp - Ảnh: NG.TRÍ

Cứ kinh doanh là phải nộp thuế, phí?

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 19-6, ông Huỳnh Anh Tuấn - phó chủ tịch UBND P.1, Bình Thạnh - cho biết phường và quận cũng đã triển khai đến các ban quản lý chợ về việc rà soát, lập danh sách những tiểu thương bị ảnh hưởng trực tiếp do dịch COVID-19 trong vòng 3 tháng.

Đến nay, ban quản lý chợ đã thống kê xong và lập danh sách tất cả những tiểu thương bị ảnh hưởng trực tiếp vì dịch COVID-19 không buôn bán được hoặc dừng kinh doanh, tuy nhiên vẫn chưa có thông báo mới. "Khi chi cục thuế có thông báo, phường sẽ nhanh chóng triển khai việc hỗ trợ các tiểu thương bị ảnh hưởng của dịch COVID-19" - ông Tuấn nói.

Trong khi đó, ông Huỳnh Thanh Trường - trưởng ban quản lý chợ Bà Chiểu - cho biết ngay sau khi nhận được chỉ thị về việc hỗ trợ các tiểu thương không buôn bán được do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ban quản lý đã lập danh sách tiểu thương không buôn bán được trong tháng 3 và tháng 4, danh sách đã được nộp lên cơ quan thuế. 

"Các tiểu thương cũng thường xuyên phản ảnh về việc hỗ trợ nên ban quản lý phải liên tục tổ chức các buổi hội họp để giải thích" - ông Trường cho biết.

Cũng trong chiều 19-6, ông Vũ Dương Lâm - phó ban quản lý chợ An Đông - cho biết chợ này vừa đưa thông báo về việc hỗ trợ tiểu thương bị ảnh hưởng do dịch. 

Theo đó, miễn 100% giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng (với mức 200.000 đồng/sạp) trong tháng 4 và tháng 5 cho tất cả các sạp. Ngoài ra, một số phí khác trong tháng 4 cũng được giảm 50-100% như máy lạnh, vệ sinh, quét dọn...

"Những hộ kinh doanh đã thanh toán các khoản nêu trên, chợ sẽ khấu trừ lại vào chu kỳ tiếp theo, nghĩa là sẽ không thu tháng kế tiếp", ông Lâm khẳng định. Tuy vậy, một số khoản không miễn, giảm và phải thu lại bình thường từ tháng 5 trở đi. 

"Dù hoạt động kinh doanh ế ẩm nhưng từ tháng 5-2020, chợ đã hoạt động lại đồng nghĩa với việc bật đèn, sử dụng máy lạnh, quét dọn... nên chúng tôi buộc phải thu các khoản phí để có cái chi" - ông Lâm nói.

Với tiền thuế, theo ông Lâm, các sạp làm đơn nghỉ sẽ được miễn. Tuy vậy, nhiều sạp không nghỉ hết tháng, hoặc trong tháng đó xuất hóa đơn trong tháng (đồng nghĩa việc nghỉ không thực tế) nên vẫn bị thu thuế bình thường. Trong khi đó, những hộ còn kinh doanh nhưng doanh thu giảm hoặc thiệt hại do COVID-19, chợ vẫn chưa nghe thông báo miễn hay giảm thuế.

Lãnh đạo chi cục thuế cũng cho biết trên địa bàn có đến 3.620 hộ kinh doanh đề nghị miễn giảm thuế, gồm cả tiểu thương tại chợ, trung tâm thương mại lẫn hộ kinh doanh đường phố. 

"Cơ quan thuế đã làm việc với các hộ kinh doanh tại chợ, đang chờ thông qua hội đồng tư vấn thuế phường, xã trước khi thẩm định và ra quyết định. Sau đó sẽ làm việc với các hộ kinh doanh tại đường phố" - vị này nói.

Mua bán ế ẩm vẫn chưa được miễn giảm thuế, phí - Ảnh 3.

Sau một thời gian dài mở cửa hoạt động trở lại, tình hình kinh doanh tại chợ An Đông (Q.5, TP.HCM) vẫn đang rất ế ẩm - Ảnh: NG.TRÍ

Thu nội địa giảm hơn 10.000 tỉ đồng

Theo số liệu của Cục Thuế TP.HCM, có đến 47.561 hộ gia đình, cá nhân kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm nghỉ do dịch COVID-19, thuộc diện được hỗ trợ kinh doanh theo nghị quyết số 42 của Chính phủ.

Trong đó, hơn 2.000 cá nhân kinh doanh đã gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ, cơ quan thuế đã thẩm định 1.409 hồ sơ và xác định 1.001 hồ sơ thuộc diện được hỗ trợ.

Cũng theo Cục Thuế TP, tổng thu nội địa 5 tháng đầu năm nay mới chỉ đạt 101.992 tỉ đồng, 35,07% dự toán năm 2020, giảm 12,55% so với cùng kỳ năm 2019.

Kết quả thu nội địa (trừ dầu thô) 5 tháng đầu năm 2020 giảm do ảnh hưởng từ COVID-19 là 10.040 tỉ đồng, trong đó khu vực sản xuất kinh doanh giảm 6.300 tỉ đồng; thu thuế giá trị gia tăng giảm 2.000 tỉ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp giảm 2.500 tỉ đồng, thuế tiêu thụ đặc biệt giảm 1.800 tỉ đồng.

Nguyên nhân là do thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 22 ngày kể từ ngày 1-4-2020 để phòng dịch dẫn đến nhiều doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh phải tạm thời đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng. Việc này đã tác động mạnh đến thu ngân sách trên địa bàn.

Vì sao chậm giảm thuế cho hộ kinh doanh?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một số chi cục thuế cho biết vẫn chưa thực hiện theo đề xuất của tiểu thương về việc miễn giảm thuế trong 6 tháng do ảnh hưởng bởi dịch, vì đang chờ hướng dẫn từ Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dù các hộ kinh doanh kiến nghị từ mấy tháng qua nhưng đến nay vẫn chưa được giảm thuế là do theo quy định, mức khoán thuế với các hộ kinh doanh phải ổn định trong vòng 1 năm.

Chỉ khi doanh thu của hộ kinh doanh sụt giảm trên 50% mới được xác định lại mức thuế khoán, nhưng cơ quan thuế cũng phải tiến hành khảo sát theo quy trình, rất mất thời gian.

Để tháo gỡ khó khăn cho các hộ kinh doanh, Cục Thuế TP cũng đã đề nghị UBND TP kiến nghị Bộ Tài chính điều chỉnh ngay theo tỉ lệ giảm thực tế, không bắt buộc phải từ 50% trở lên so với doanh thu thực tế với trường hợp có căn cứ xác định doanh thu thay đổi. Tuy nhiên đến nay, đề xuất này vẫn chưa nhận được phản hồi hay hướng dẫn.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng: Khẩn trương giảm thuế, nuôi dưỡng nguồn thu Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng: Khẩn trương giảm thuế, nuôi dưỡng nguồn thu

TTO - Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết đang phải chịu áp lực rất lớn trong việc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách năm 2020, nhưng Chính phủ triển khai nhiều biện pháp nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, kích thích tăng trưởng kinh tế.

NGUYỄN TRÍ - THU HIẾN - ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp