Nhãn mác giả nhiều thương hiệu nổi tiếng bày bán công khai tại thương xá Đại Quang Minh, quận 5, TP.HCM (ảnh chụp ngày 29-7) - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG
Tuy nhiên các doanh nghiệp (DN) cho rằng cần phải quyết liệt và tận gốc, tránh giơ cao đánh khẽ.
DN thiệt hại lớn
Ông H.N., tổng giám đốc Công ty may M. (TP.HCM), cho biết giới DN dệt may đã nhiều lần phản ảnh chuyện này, vì hơn ai hết họ là người chịu thiệt hại nhiều nhất, nhưng rồi "đâu lại vào đấy".
Để lên đời hàng hiệu cả quốc tế lẫn nội địa, hiện chỉ cần đến với các "DN" chuyên kinh doanh nhãn là xong.
"Nguồn cung của các loại nhãn mác được cung cấp từ Trung Quốc, hoặc được sản xuất ngay tại VN. Với các thương hiệu quốc tế phổ biến, nguồn hàng thường được "đánh" trực tiếp từ Trung Quốc vì chất lượng của nhãn mác làm giả chẳng khác gì hàng chính hãng" - ông H.N. cho biết.
Theo các DN phân phối và sản xuất, nơi tiêu thụ nhiều các loại nhãn mác giả hiệu nhiều nhất thường tập trung ở các cơ sở, tổ hợp may gia đình.
Đường đi thường là các cơ sở may đi mua nhãn mác từ các chợ như thương xá Đại Quang Minh, rồi gắn vào các sản phẩm của mình, sau đó đưa ra các chợ, các shop kinh doanh hàng thời trang để bán.
Tùy theo quy mô và đẳng cấp, các tổ hợp gia đình sẽ chọn từng chủng loại sản phẩm riêng bỏ mối cho từng khu vực nhằm "tránh giẫm chân lên địa bàn của đầu nậu kinh doanh sản phẩm khác" - chị L.H., người từng làm gia công cho một "tổ hợp" sản xuất hàng may mặc giả thương hiệu có tiếng ở Q.12, tiết lộ.
Ông Hoàng Hữu Chương - chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc Tổng công ty Nguyễn Hoàng - nhận định một phần không nhỏ hàng tiêu dùng ở VN là hàng nhái, hàng giả.
"Đây mới là nguy cơ khiến hàng VN thua trên chính thị trường trong nước chứ không chỉ là hàng lậu. Đó là cái mà các DN chân chính rất lo ngại" - ông Chương nói.
Theo ông Chương, công ty của ông có lần bị một DN ở Malaysia nhái một thương hiệu, và đã phải mất 5 năm kiện tụng "đẩy được DN này ra khỏi lãnh thổ VN". Các vụ làm nhái thương hiệu khiến các DN khốn khổ.
Không thể giơ cao đánh khẽ
Để bảo vệ thương hiệu, một mặt là trách nhiệm của DN về bảo hộ trí tuệ, nhưng mặt khác ông Hoàng Hữu Chương đề nghị quản lý nhà nước cần phải ngăn chặn nạn hàng nhái, hàng giả, đẩy mạnh kiểm tra, xử lý nghiêm minh.
"Tôi có cảm giác hiện nay quản lý thị trường vẫn còn kiểm tra, xử phạt ở "vỏ ngoài" mà chưa đi sâu vào các đơn vị nhỏ, DN làm hàng nhái, làm giả" - ông Chương nói.
Ông H.N. cho rằng để chấm dứt được tình trạng mua bán nguyên phụ liệu nhãn mác công khai như hiện nay, không chỉ có quản lý thị trường, bộ, ngành công thương ở trung ương lẫn địa phương, mà còn cần cả công an kinh tế, lực lượng chống hàng gian, hàng giả làm mạnh tay hơn nữa với mức phạt phải nặng hơn so với quy định hiện nay.
"Tôi nghĩ do các biện pháp xử lý của các cấp có liên quan trong lĩnh vực này còn giơ cao đánh khẽ, chưa kể quy định xử phạt cho các mức vi phạm của hành vi này không còn phù hợp thực tế, nên DN làm ăn chân chính sẽ tiếp tục là nạn nhân của hành vi kinh doanh bất chính này" - ông H.N. bức xúc nói.
Trong khi đó ông Mark Gillin, thành viên ban lãnh đạo Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại TP.HCM (AmCham), cho rằng nạn hàng nhái, hàng giả ảnh hưởng lớn đến sự sáng tạo của các DN, làm mất uy tín các thương hiệu mà DN chân chính cực khổ dày công gây dựng.
Vấn nạn này, theo ông Gillin, giới DN Mỹ không chỉ gặp tại VN mà còn một số nước khác, và điều này nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà sản xuất.
Trong bối cảnh VN đã gia nhập nhiều hiệp định FTA, vốn có các cam kết về sở hữu trí tuệ, ông Gillin cho rằng cả người tiêu dùng, DN lẫn Nhà nước cần phải nâng cao nhận thức về điều này.
"Chống hàng gian, hàng giả hiệu quả còn là một yếu tố đánh giá môi trường đầu tư của một quốc gia" - ông Gillin nói.
Tạm giữ hơn 13.000 sản phẩm tem, nhãn
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 30-7, đại diện Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết đã tạm giữ hơn 13.000 đơn vị sản phẩm là tem, nhãn không xuất trình được hóa đơn, chứng từ sau khi kiểm tra đột xuất 4 cơ sở tại thương xá Đại Quang Minh (Q.5) ngày 30-7.
Các mặt hàng tạm giữ là tem, nhãn mác dùng để đính quần áo, túi xách, giày dép (phụ liệu may mặc) của nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng như Louis Vuitton, Gucci... không xuất trình được hóa đơn, chứng từ.
Cơ quan chức năng sẽ liên hệ với đại diện chủ sở hữu các nhãn hiệu nhằm xác định các sản phẩm và giám định trước khi tịch thu tiêu hủy và xử lý theo quy định nếu có sai phạm.
Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết sẽ tiếp tục mở rộng kiểm tra tình trạng sản xuất và tiêu thụ nhãn mác tại thương xá Đại Quang Minh và các địa điểm khác.
Nguyễn Trí
Ông LÊ NGỌC LÂM (phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH-CN):
Dùng nhãn mác giả là vi phạm
Việc sản xuất, buôn bán và sử dụng nhãn mác giả của các thương hiệu là hành vi vi phạm quyền của chủ sở hữu, và đều có quy định xử phạt hành chính.
Đối với những thương hiệu nổi tiếng của thế giới, quyền sở hữu về nhãn hiệu đều đã được xác lập. Một số hãng đăng ký trực tiếp và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu.
Đối với những thương hiệu lớn, sản phẩm của các hãng đã nổi tiếng thế giới thì ngay cả trong trường hợp không nhất thiết phải đăng ký riêng sở hữu công nghiệp nhãn hiệu tại VN vẫn được bảo vệ quyền về nhãn hiệu theo các quy định chung về sở hữu trí tuệ áp dụng trên toàn cầu mà VN tham gia.
T.Hà
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận