24/10/2019 11:05 GMT+7

Mũ rơm, tem phiếu và câu chuyện thăng trầm của Hà Nội

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Nếu bây giờ phải tìm đọc một câu chuyện nào để thấy được phần lớn diện mạo của Hà Nội từ chiến tranh vắt sang thời hậu chiến, đó chính là Hà Nội mũ rơm và tem phiếu - thiên bút ký đậm tính hồi ức của tác giả Trung Sỹ.

Mũ rơm, tem phiếu và câu chuyện thăng trầm của Hà Nội - Ảnh 1.

Sách do Sống và NXB Lao Động ấn hành - Ảnh: L.ĐIỀN

Trung Sỹ viết câu chuyện như của riêng mình, khiến người đọc cảm thấy cả sự nghẹn ngào run rẩy của tác giả khi phải chứng kiến những trận cuồng phong quét qua Hà Nội.

Người đọc tự nhiên thấy mình bị cuốn theo cách nhìn tinh tế như của một tay bút lão luyện: "Những ngày mùa xuân trời ẩm mù, con phố dài xộc xệch, méo đi trong mưa bụi". Phải nói là rất lâu rồi mới bắt gặp một câu văn viết về phố lạ mà hay đến vậy.

Không chỉ có thế, trong thời cả thủ đô oằn mình dưới bom Mỹ, tác giả khi ấy là cậu học trò cùng đám bạn trú bom trong hầm đã để tâm trí mình hằn ghi một hình ảnh: khi máy bay vụt qua, tiếng rít khiến lũ bò buộc dưới rặng xoan gần đó lồng lên chạy, và thằng bạn tên Hinh cùng lớp quên cả sợ hãi, nhảy lên chạy đuổi theo bò, gọi lạc cả giọng "Ơ... Mò... ơ... Mò... ơi".

"Cả lớp thảng thốt nhìn theo bóng nó xa dần, khuất trong cánh đồng lúa chín. Tiếng gọi bò lạc giọng, chìm lỉm trong tiếng máy bay". Độ tin cậy của trang viết đến với người đọc bằng những câu chuyện thật đến nhói lòng như vậy.

Đến thời tem phiếu, không gian sống của người Hà Nội trở thành một cung bậc kỳ dị mà nhiều người trong cuộc cũng không ngờ nổi.

Câu chuyện của Trung Sỹ giờ trở thành chứng nhân mà bạn trẻ ngày nay chưa chắc đã kịp tìm hiểu: "Tin cá bể tươi về xôn xao hàng phố. Ra nhanh kẻo hết! Các bà nội trợ nhớn nhác cắp rổ đi như chạy ra gian chợ, vừa rảo chân vừa thông báo với nhau mậu dịch hôm nay cắt ô số 14-15 phiếu ND, mỗi phiếu nửa cân. Những người đi chợ bao giờ trên tay cũng cầm một tập phiếu, bởi chẳng ai hay hôm đó mậu dịch có bán những thứ gì, cắt ô phiếu nào, nên tốt nhất là mang đủ".

Nhưng có lẽ, nỗi đau đớn đặc thù của Hà Nội là những thân phận trí thức tiểu tư sản trôi dài qua chiến tranh. Từ xuất thân gia đình "tư sản dân tộc", tác giả dành những trang viết ngấn nước mắt về người tiểu tư sản.

Như trường hợp cậu Nhân: mê sách, mê nghệ thuật hội họa, làm thơ hay mà học hành dang dở. Cậu rơi ngay vào thảm trạng của thời cuộc khi khái niệm hiền tài còn bị bỏ quên và "nguyên khí quốc gia" đang được định nghĩa lại.

Cứ thế, cậu Nhân và bao thân phận trí thức Hà Nội trôi trong quên lãng qua hết thời chiến tranh. Chỉ tác giả Trung Sỹ còn nhẩn nha chép lại những vần thơ như thốt lên nuối tiếc: "Bởi thiếu màu tươi trên giá vẽ/ Nên không họa nổi cảnh huy hoàng/ Những ngày tươi đẹp trời trong sáng/ Bức họa đời ta bỏ dở dang...".

Qua lời thuật trần trụi về những chuyển động dích dắc của thời trước, người ta vừa mường tượng ra cái bóng sừng sững của người và đất Hà Nội một thời thâm hậu, hào hoa; vừa lý giải được nhiều hiện trạng ngày nay theo quan hệ nhân quả.

Và gấp lại hơn 260 trang sách, vẫn thấy ám ảnh về Hà Nội một thời thật đáng tiếc: "Công cuộc công hữu hóa tư sản hoàn thành. Các hiệu buôn lớn phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Đồng Xuân... cửa khép im ỉm. Buôn bán nhỏ vẫn được duy trì để gắng thỏa mãn những nhu cầu tối thiểu của người thành thị... Bà tôi đóng cửa hiệu buôn".

Đau thương mà anh dũng, Hà Nội sẽ vẫn còn được kể tiếp chứ, phải không?

Hà Nội mũ rơm và tem phiếu là tác phẩm thứ hai của Trung Sỹ (tên thật là Xuân Tùng, chàng trai Hà Nội từng tham chiến ở Campuchia), chọn góc nhìn từ câu chuyện dòng họ, gia đình mình để thuật lại những biến động thăng trầm của Hà Nội trong thời hiện đại.

Không chỉ có anh dũng, và cũng không chỉ có đau thương theo cách người này viết về người khác để làm nên diện mạo "Hà Nội của ta". Đọc Trung Sỹ, thấy nhiều chiều kích, góc khuất và cả chuyện riêng tư của một "Hà Nội của tôi".

Câu chuyện chia ly của 'Những chiếc mũ rơm' Câu chuyện chia ly của "Những chiếc mũ rơm"

TT - Trong tám năm Mỹ gây chiến tranh phá hoại (1964-1972), mỗi kilômet vuông ở miền Bắc phải chịu 6 tấn bom, mỗi đầu người dân miền Bắc chia 45,5kg bom.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp