Một ca khám mắt của bác sĩ Bệnh viện Mắt trung ương - Ảnh: THÚY ANH
Bệnh nhân là Nguyễn Ánh D., thời điểm nhập viện chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT. Trước khi nhập viện 2-3 tháng, bệnh nhân bị viêm kết mạc dị ứng, tự ra hiệu thuốc mua loại thuốc tên To... về nhỏ.
Ban đầu, bệnh nhân thấy thuốc quả là "thần kỳ", do khi nhỏ xong, thấy những phần đỏ trên mắt hết hẳn, phần tròng trắng của mắt trắng lại như cũ, mắt hết ngứa.
Sau đó, bệnh nhân có làm thêm một đợt tự điều trị tương tự, cũng bằng loại thuốc này.
Lọ thuốc thay đổi cuộc đời
Trong khoảng 2 tháng, nữ sinh Ánh D. đã dùng 3 lọ thuốc.
Nhưng sau này cô gái trẻ không thấy đỡ bệnh khi nhỏ mắt nữa. Mắt bệnh nhân vẫn đỏ ngầu sau nhỏ. Mắt nhìn mờ dần, giác mạc đục như cùi nhãn, có cảm giác đau như bị bóp ở mắt.
Gia đình đã đưa D. sang Singapore nhưng các bác sĩ cho biết thời gian mắc bệnh không dài, nhưng bệnh nhân đã bị glôcôm ở giai đoạn gần mù.
Gia đình đưa bệnh nhân trở lại Bệnh viện Mắt T.Ư, các bác sĩ đã phẫu thuật cấp cứu nhưng thị lực của bệnh nhân chỉ còn ở mức đếm ngón tay.
Gần đây có bác sĩ từ Mỹ sang hội chẩn, Bệnh viện Mắt T.Ư đề nghị bác sĩ Mỹ xem xét trường hợp này nhưng hiệu quả cũng không tiến triển. Chưa kể vẫn còn những biến chứng của việc dùng thuốc tùy tiện.
"Lọ thuốc đã làm thay đổi cuộc đời cháu D.. Các thầy cô tạo điều kiện để cháu thi tốt nghiệp THPT, nhưng con đường vào đại học thì gập ghềnh hơn rất nhiều" - bác sĩ điều trị cho D. chia sẻ.
Theo bác sĩ Hoàng Cương - Bệnh viện Mắt T.Ư, do các thuốc kháng sinh, chống viêm dùng cho mắt (và các kháng sinh khác) vẫn có thể được mua tự do tại các cửa hiệu thuốc. Việt Nam lại là nước có khí hậu ẩm và ô nhiễm, bệnh về mắt tương đối phổ biến, tuy nhiên ngoài nước muối sinh lý và thuốc sát trùng nhẹ có thể tra và nhỏ mắt hằng ngày, thì rất nhiều người đang tự mua nhiều loại thuốc nhỏ mắt về tra, dẫn đến hậu quả rất nặng nề.
Trong đó, hậu quả nặng nề nhất hiện nay là ở nhóm bệnh nhân sử dụng tùy tiện thuốc có thành phần cortizol (gồm dexamethazone và nhiều hoạt chất khác), cụ thể là các biến chứng glôcôm do dùng thuốc, nhiễm nấm, đục thủy tinh thể, loét hoại tử hay thủng nhãn cầu.
Do thuốc này chỉ được chỉ định trong điều trị một số bệnh, người có bệnh lý do vi khuẩn, virút hay chưa rõ căn nguyên cần thận trọng trong sử dụng thuốc chứa cortizol. Nhiều người bệnh tự mua thuốc sử dụng, không biết những khuyến cáo này và tai biến xảy ra.
Dùng 1-2 lọ thuốc, có thể đã tai biến
Có không ít bệnh nhân trẻ như D., dùng chỉ 1 hoặc 2 lọ thuốc đã bị glôcôm mãn tính, góc mở. Bệnh gây mù lòa từ từ, không thấy đau hoặc ít đau nhức khiến biểu hiện bệnh không rõ, bệnh nhân đến viện muộn, không thể vãn hồi được thị lực. Một nhóm bệnh nhân khác sẽ phải đi mổ thể thủy tinh sớm do dùng thuốc bừa bãi.
Ban đầu, bệnh nhân thấy khó nhìn vào ban ngày, rồi đục lan ra vỏ và nhân thể thủy tinh gây mù lòa thực sự nếu không mổ thể thủy tinh và đặt thể thủy tinh nhân tạo. Loét giác mạc do vi khuẩn mủ xanh, cầu khuẩn, virút Herpes hay do nấm cũng không hiếm gặp trên bệnh nhân dùng các thuốc nhỏ mắt kiểu tương tự.
Hoạt chất này gây giảm miễn dịch tại chỗ, làm chậm quá trình liền sẹo nên vi khuẩn, virút hay nấm thường lọt qua các hàng rào bảo vệ tại mắt, gây bệnh cho giác mạc, thậm chí cho môi trường nội nhãn.
"Đừng ngại đến bác sĩ khám khi thấy ngứa, khó chịu ở mắt hoặc có bệnh lý bất kỳ"- bác sĩ Cương khuyến cáo.
Mỗi năm VN ghi nhận hàng ngàn tai biến do dùng thuốc, nhiều tai biến bất ngờ. Cách đây hai tuần, bác sĩ Hoàng Công Tình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, thông báo có cháu bé đã tiêm 6 mũi thuốc không sao mà đến mũi thứ 7 (vẫn là thuốc đã tiêm trong 6 ngày trước) lại dẫn đến tai biến suýt tử vong. Nếu dùng thuốc tùy tiện, nguy hiểm còn cao hơn nhiều.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận