HLV Mourinho đã đưa nghệ thuật kiểm soát trở lại tại Tottenham - Ảnh: REUTERS
Nhìn những thống kê 3 trận đấu nói trên, rất dễ khẳng định đội quân của HLV Jose Mourinho bị áp đảo. Đúng, Tottenham lép vế thật. Nhưng đó là sự lép vế "giả tạo", sự áp đảo bằng con số đó không được phản ánh vào tâm trí người xem.
Các CĐV dễ dàng nhận ra rằng Tottenham mới thực sự là đội kiểm soát cuộc chơi, kiểm soát từng khoảnh khắc trận đấu.
Ở trận gặp Man City, Tottenham chia cắt Kevin De Bruyne với các đồng đội. Đến khi đối đầu Chelsea, "gà trống" tiếp tục "giam lỏng" các tiền vệ đối thủ. Đụng độ Arsenal, các học trò HLV Mourinho đã cắt nát hàng tiền vệ đối thủ.
Trong cả ba trận đấu đó, Tottenham chỉ nhận 10 cú sút trúng đích (trung bình hơn 3,3 cú sút/trận). Chỉ số này đã nói lên sự bất lực của các đối thủ khi đương đầu với bức tường phòng ngự áo trắng.
Người ta nói về số lần tạt cánh của Chelsea và Arsenal sau hai trận cộng lại là gần 80 lần. Đó là hệ quả của việc không thể tấn công trung lộ và phải đẩy bóng ra biên.
Tuy nhiên, hiệu quả những đường tạt bóng đó mới thực sự đáng nói. Rất ít lần người ta tìm thấy điểm cắt từ những đường tạt cánh của cả Chelsea và Arsenal.
Tình huống phản công trong trận thắng Arsenal 2-0. Tottenham với 4 cầu thủ, áp đảo so với 2 của Arsenal - Ảnh chụp màn hình
Tottenham đã không để đối thủ có tư thế và khoảng trống thuận lợi để tạt bóng. Thông thường, những quả tạt muốn gây ra nguy hiểm thì cầu thủ phải chạy xuống đáy biên. Nhưng các cầu thủ Tottenham đã khóa cánh và khiến đối thủ tạt sớm nên không thể gây ra nguy hiểm.
Để có thể chơi tấn công kiểu như Man City, Liverpool chắc chắn không dễ. Tương tự, phòng thủ kiểu Tottenham cũng rất khó. Đội quân của Mourinho để đối thủ thoải mái chuyền bóng, họ không pressing quyết liệt đoạt lại bóng. Họ chỉ kiểm soát tình hình khi bóng đến gần vòng cấm của thủ môn Hugo Llorris.
Trong mắt HLV Jose Mourinho, càng cầm bóng nhiều càng dễ mắt sai lầm, không cầm bóng thì không mắc sai lầm. Và hầu hết những tình huống phản công của Tottenham đều xuất phát từ những sai lầm mất bóng hoặc chuyền hỏng của đối thủ.
Cái hay của Tottenham nằm ở chỗ họ phòng ngự 7 người (hoặc hơn) nhưng khi phản công, số lượng cầu thủ tham gia lại luôn đông hơn hậu vệ đối phương. Khả năng chuyển đổi trạng thái tấn công ấn tượng của Tottenham nằm ở cách kiểm soát không gian của cầu thủ.
Khi các cầu thủ Tottenham phòng ngự, họ cố gắng di chuyển và đứng ở vị trí thuận lợi nhất, có thể vừa phòng ngự và vừa phản công. Do đó khi trái bóng từ dưới đưa lên, có cảm giác như các cầu thủ Tottenham đã đứng chờ sẵn.
Kane và Son được nâng cấp dưới bàn tay của Jose Mourinho - Ảnh: REUTERS
Để có một cách đá như Tottenham hiện tại đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Yếu tố con người sẽ mang tính quyết định, họ phải khớp với nhau như "bánh răng" mới làm được. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn phải là các cầu thủ có chịu thu mình lại đá phòng ngự hay không?
HLV Mourinho từng bị cầu thủ phản đối khi đá phòng ngự ở Man United, Real Madrid và đó là lý do ông không thành công ở đây, bởi cầu thủ luôn muốn chơi tấn công và ghi thật nhiều bàn thắng. Tại Tottenham, dường như Mourinho đã thuyết phục được các cầu thủ "hi sinh". Nhìn hình ảnh Harry Kane ghi bàn, kiến tạo rồi lui về hỗ trợ phòng ngự là đủ hiểu.
Người ta nói rằng kiểu đá của Mourinho sẽ triệt tiêu năng lực tích cực ở các cầu thủ. Nhưng thực tế ở Tottenham đã phản bác điều đó. Harry Kane và Son Heung Min cùng được nâng tầm, Eric Dier (người xuất thân là tiền vệ phòng ngự) chơi trung vệ cực hay, Tanguy Ndombele trưởng thành vượt bậc.
Khi các cầu thủ nghe lời Mourinho và chiến thắng đến liên tục, họ sẽ càng tin vào vị HLV này. Lúc đó, ông đã kiểm soát luôn tâm trí của cầu thủ. Khi lối chơi và tâm trí cầu thủ là một, Tottenham thực sự đáng sợ!
Mourinho có lẽ đã hết thời, theo lời ai đó. Nhưng rồi khi người ta cười nhạo, chê bai ông, HLV này đã đưa nghệ thuật kiểm soát trở lại, âm thầm bước về hướng có ánh sáng vinh quang.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận