Nhu cầu mua nhu yếu phẩm của người dân tăng sau lệnh "đóng cửa" của Thủ tướng. Tuy vậy, không xảy ra tình trạng "cháy hàng" vì nguồn cung dồi dào - Video: NGUYỄN TRÍ
Gạo, dầu ăn, nước mắm được chọn nhiều.
Trưa 28-3, tại siêu thị Co.op Rạch Miễu (Q. Phú Nhuận) không xảy ra tình trạng chen lấn mua sắm vì lượng người không quá nhiều. Tuy vậy, các mặt hàng như gạo, dầu ăn, nước mắm, mì tôm... được hầu hết khách hàng chọn mua với lượng nhiều.
Tương tự, tại Bách hóa Xanh (đường Vũ Tùng, Q.Bình Thạnh), sức mua tăng do lượng khách đến đông hơn sau lệnh "đóng cửa" của Thủ tướng, nhưng không có tình trạng chen lấn mua sắm, "cháy hàng" nhờ nguồn hàng được nhân viên tại đây châm lên kệ liên tục.
Đại diện hệ thống siêu thị Bách hóa Xanh cho biết, vài ngày qua sức bán của Bách hóa Xanh tăng hơn 150% so với trước đó. Tương tự, các hệ thống như Saigon Co.op, MM Mega Market VN... cũng cho biết sức mua vài ngày đang tăng cao.
"Gạo ăn mấy tháng không hết"
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 28-3, ông Nguyễn Anh Đức - phó tổng giám đốc thường trực Saigon Co.op - khẳng định lượng gạo được đơn vị chuẩn bị đang khá nhiều, thậm chí "ăn mấy tháng không hết", các mặt hàng trứng, mì tôm, giấy vệ sinh... cũng dồi dào không kém.
Mì gói luôn hút hàng thời gian qua. Tuy vậy, lượng hàng hiện vẫn đầy kệ nhờ các siêu thị "châm" lên lên tục. Trong ảnh: Trưa 28-3, những thùng mì tôm được nhân viên tại siêu thị Co.opmart (Q.Phú Nhuận) để sẵn nhằm đưa lên kệ khi cần - Ảnh: NGUYỄN TRÍ
"Ngoài nguồn cung vào đều đặn mỗi ngày, hiện đơn vị dự trữ 11 nhóm sản phẩm thiết yếu như gạo, mì, giấy vệ sinh, nước rửa... với tổng giá trị 4.000 tỉ đồng. Ngoài ra, tổng lượng hàng tồn kho của đơn vị tại TP.HCM hiện lên đến 20.000 tỉ đồng, chiếm phần lớn sản phẩm thiết yếu", ông Đức khẳng định.
Xe hàng "đủ thứ món" của một khách hàng mua sắm tại siêu thị Co.opmart (Q.Phú Nhuận) vào trưa 28-3 - Ảnh: NGUYỄN TRÍ
Để có được sự ổn định này, ông Đức cho biết là nhờ đơn vị nhận định được vấn đề dịch bệnh nên lên kế hoạch tăng lượng hàng dự trữ ngay từ đầu tháng 2, với lượng trữ giống như cho mùa tết.
Nói về giá bán, ông Đức cho biết hiện đơn vị hầu như "không tăng một đồng" đối với phần lớn sản phẩm, thậm chí nhiều sản phẩm đơn vị chấp nhận thua lỗ để giữa giá tốt cho người dân.
Trong khi đó, để đáp ứng nhu cầu của người dân, đại diện hệ thống Bách hóa Xanh cho biết đã tính toán tăng lượng hàng mua vào từ 3-10 lần so với bình thường nên "cam kết" không thiếu hàng.
Tương tự, đại diện MM Mega Market VN cho biết ngoài lượng cung cấp ra thị trường hằng ngày, nhờ danh sách 19 mặt hàng thực phẩm thiết yếu được mua dữ trữ trước đó nên trong tháng 3 vẫn đảm bảo nguồn cung và sẽ tiếp tục có hàng để dự trữ cho tháng tới.
Theo Saigon Co.op, để tiện cho việc hạn chế việc ra ngoài của khách hàng, ngoài tăng nhân viên phục vụ kênh mua sắm online và hotline, hiện đơn vị tổ chức nhận đơn hàng qua viber và zalo và phát phiếu mua hàng tận nhà cho khách, sau đó thu lại và "ship" hàng. Ngoài ra, một số siêu thị của đơn vị như Co.op Mart, Co.opXtra, Co.op Food hoạt động tại các khu vực có nhu cầu mua sắm cao còn chủ động điều chỉnh kéo dài thêm thời gian mở cửa để người dân yên tâm mua sắm, không bị dồn vào các khung giờ cao điểm.
Nước mắm được nhân viên của một công ty đưa lên kệ tại siêu thị ở TP.HCM. Theo nhân viên này, lượng bán tăng mạnh nhưng nguồn cung luôn sẵn có - Ảnh: NGUYỄN TRÍ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận