Thống kê hiện nay, trung bình mỗi ngày tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng vận chuyển từ 2.500 - 3.000 lượt hành khách và tăng hơn hai lần dịp cuối tuần.
Tận dụng đủ các kênh số hóa
Lâu không đi đường sắt, anh Nguyễn Đình Tuyến (Hà Nội) cho hay bất ngờ sau khi được giới thiệu đặt mua vé để đi tuyến đang "hot" hiện nay là Hà Nội - Hải Phòng. Vào website của Tổng công ty Đường sắt, anh lựa chọn ga đi và đến, ngày sẽ đi.
"Không khác gì hàng không, khá tiện dụng. Tại đây, du khách có thể lựa chọn vị trí toa, ghế ngồi theo nhu cầu rồi thanh toán không tiền mặt với đủ các hình thức, từ thẻ Visa tới các ví điện tử. Nhờ chuyển đổi số, đầu tư kênh bán hàng online, tôi thấy có lại niềm tin vào đường sắt" - anh Tuyến nói.
Điểm qua tình hình kinh doanh trong 5 tháng đầu năm 2023, ông Trần Văn Hạnh - giám đốc chi nhánh vận tải đường sắt Hải Phòng - phấn khởi cho biết lượng hành khách đi tuyến Hà Nội - Hải Phòng đạt tới trên nửa triệu (cụ thể là 554.126), tăng trưởng tới 190% so với cùng kỳ năm 2022. Nếu so với 5 tháng đầu năm 2019 (trước dịch), lượng khách và doanh thu đã gấp đôi.
Lượng hành khách tăng kéo theo doanh thu vận tải hành khách tuyến này tăng 205% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, riêng dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, lượng khách đạt kỷ lục với hơn 37.000 lượt chỉ trong sáu ngày.
"Chúng tôi phải huy động trung bình mỗi ngày bốn đôi tàu (tám chuyến) chạy liên tục, mỗi đoàn tàu kéo tối đa đến 18 toa. Có ngày lượng hành khách đăng ký đặt vé quá đông nên chi nhánh đưa thêm một đoàn tàu nữa vào hoạt động mới đủ đáp ứng nhu cầu" - ông Hạnh chia sẻ.
Để có được những kết quả tích cực trên, ông Hạnh cho biết là cả quá trình phối hợp giữa đơn vị với Sở Du lịch Hải Phòng phát hành bản đồ ẩm thực và đội ngũ nhân viên luôn sẵn sàng hướng dẫn miễn phí, kết nối với điểm ăn, nghỉ cũng như dịch vụ cho thuê xe... với giá cả và chất lượng đảm bảo.
"Chúng tôi thành lập các nhóm Zalo, khi khách có nhu cầu thuê xe hoặc chỗ nghỉ ngơi... sẽ kết nối để du khách tiếp cận với những cơ sở uy tín tại Hải Phòng, du khách xuống ga sẽ không còn phải lo lắng đến nơi sẽ phải làm thế nào" - ông Hạnh nói.
Nói thêm về sự đổi mới để tăng sức hấp dẫn, ông Đặng Tiến Mạnh - trưởng ga Hải Phòng - cho biết đã tôn tạo không gian nhà ga. Các toa tàu chất lượng cao được nâng cấp hệ thống ghế ngồi, máy lạnh và cả WiFi cho khách.
Phương thức bán vé cũng tập trung bán online, hành khách được chủ động chọn toa, ghế ngồi online từ trước theo nhu cầu. Có những gia đình chọn ngồi cùng bàn trên toa tàu để nói chuyện trong suốt chuyến đi mà không làm phiền người khác.
Theo ông Mạnh, tàu hỏa không được cơ động như ô tô nhưng ưu điểm là xuất phát cũng như đến đích luôn đúng giờ, trừ trường hợp đặc biệt.
Sau thời gian chủ động đổi mới, ga Hải Phòng nhận được những phản hồi tích cực của hành khách, thậm chí đã trở thành điểm "check-in".
Trải nghiệm mới lạ
Nói về lý do lựa chọn tàu hỏa làm phương tiện đi du lịch Hải Phòng, chị Nguyễn Thị Nhật Linh (34 tuổi, Gia Lâm, TP Hà Nội) cho biết cả gia đình chọn đi tàu hỏa vì muốn các con có thể ngắm phong cảnh dọc đường từ tàu.
Chi phí thấp, an toàn, không say xe, thuê phương tiện để đi lại sau khi xuống tàu rất thuận tiện... cũng là lý do nhiều người chọn đường sắt đi từ Hà Nội đến Hải Phòng để vui chơi, tắm biển.
Trần Văn Tùng (21 tuổi, quê Phú Thọ) cho biết được người quen chia sẻ đi tàu về Hải Phòng để trải nghiệm tour ẩm thực và nhận thấy đi tàu không rầy rà như vẫn nghĩ, có thể mang theo nhiều hành lý. Ga Hải Phòng nằm ngay trung tâm thành phố nên rất thuận tiện di chuyển tới các quán ăn.
Ông Vũ Huy Thưởng - phó giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng - cho biết đơn vị xây dựng kế hoạch để phát triển sản phẩm foodtour, kết hợp chặt chẽ với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để mở tuyến xe lửa thuận tiện từ Hà Nội xuống Hải Phòng.
"Chúng tôi đã phát hành bản đồ món ngon để thúc đẩy du lịch ẩm thực trở lại và nhận được những tín hiệu rất khả quan" - ông Thưởng cho hay.
Nhiều tuyến đường bộ cũng kết nối với ga Hải Phòng. Ông Hà Duy Hưng - giám đốc Công ty TNHH vận tải Thịnh Hưng - cho biết trước khi khai trương tuyến xe buýt số 14 trên đảo Cát Bà, công ty đã làm việc với ga Hải Phòng để kết nối, giúp khách đi tàu hỏa đến với Cát Bà thuận tiện. Tuyến xe buýt số 16 (bến xe Thượng Lý đi bến phà Gót) giúp hành khách qua ga Hải Phòng kết nối với tuyến xe số 14 trên đảo Cát Bà.
Theo Trưởng ga Hải Phòng Đặng Tiến Mạnh, sự phối hợp đồng bộ gắn với phát triển du lịch Hải Phòng và công tác bảo đảm an toàn, an ninh được triển khai hiệu quả là động lực để đường sắt Hải Phòng phát triển.
Số hóa để khách yên tâm
Hiện nay, Sở Du lịch Hải Phòng đã xây dựng bản đồ số "Hải Phòng City Tour" sử dụng nền tảng Google Maps, cung cấp các gợi ý cho du khách về điểm đến. Theo đó, du khách có thể truy cập: https://haiphongcitytour.vn/ để tra cứu, tìm kiếm thông tin, chỉ đường tới các quán ăn, điểm check-in, khách sạn... tại Hải Phòng.
Bản đồ này còn nhận đánh giá trực tiếp của du khách về chất lượng dịch vụ cũng như mức độ hài lòng sau khi trải nghiệm thực tế. Ngoài ra, du khách có thể tùy chỉnh hành trình tour và chia sẻ với bạn bè, người thân.
Nhân rộng ra tuyến khác
Ông Nguyễn Viết Hiệp - tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội - cho biết lượng hành khách đi tàu trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng tăng trưởng tốt do ngành đường sắt nâng cấp toa xe, chính sách giá vé phong phú. TP Hải Phòng cũng tăng truyền thông về các dịch vụ, trải nghiệm du lịch bằng đường sắt.
Hiện các tuyến đường sắt cự ly ngắn như Hà Nội đi Lạng Sơn ngày càng vắng khách do không cạnh tranh được với đường bộ. Tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng cũng bất lợi khi có cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nhưng vẫn hút được khách là điều khá lạ.
"Từ thành công trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng, chúng tôi đang tìm cách nhân rộng các tuyến khác. Kinh nghiệm cho thấy có sự ủng hộ của địa phương trùng với ý tưởng của đường sắt mới dễ thành công" - ông Hiệp nói.
TUẤN PHÙNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận