Nhiều tư liệu quý về báo chí - Ảnh: HOÀNG VÂN ANH
Trưng bày gồm hai phần nội dung: "Tiếng nói dân tộc" và "Vì nước dấn thân, vì dân cất tiếng". Trong đó, "Tiếng nói dân tộc" điểm lại những mốc son lịch sử trên chặng đường 97 năm hình thành và phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng đầu tiên vào ngày 21-6-1925, với tâm niệm viết báo là để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.
Đây cũng là lý do những người thực hiện chọn mốc sinh nhật Bác Hồ để khai mạc trưng bày.
Một người làm báo: Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trưng bày giới thiệu những tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, một người làm báo. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng trên 170 bút danh để viết trên 2.000 bài báo bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, nhiều thể loại khác nhau.
Những bài báo của Người vừa đậm tính dân tộc nhưng cũng giàu tính hiện đại; vừa mang tính chiến đấu, lại có sức cảm hóa, thuyết phục mạnh mẽ.
Giữ cho "tâm sáng, lòng trong, bút sắc" là những chỉ dạy của Bác Hồ. Điều này cũng thể hiện xuyên suốt ở các chủ đề của trưng bày, với nhiều thế hệ người cầm bút ở các tình huống đặc biệt: trong lao tù, trên chiến hào, dưới bom đạn thời chiến tranh…
Mô phỏng việc truyền báo trong lao tù của các chiến sĩ cách mạng - Ảnh: HOÀNG VÂN ANH
Có một "làng báo trong tù"
"Làng báo trong tù" là trưng bày tư liệu về các tờ báo, nhà báo là những chiến sĩ cách mạng bị bắt giam trong lao tù và những cách tác nghiệp đặc biệt trong vòng kiểm soát ngặt nghèo của nhà tù.
Những tờ báo đặc biệt được xuất bản sau song sắt được giới thiệu là Con Đường Chính, Đuốc Việt Nam, Lao Tù... do các đồng chí Trường Chinh, Lê Duẩn, Trịnh Đình Cửu thuộc chi bộ nhà tù Hỏa Lò chấp bút. Tờ báo Suối Reo của Đảng bộ nhà tù Sơn La. Nhà tù Côn Đảo có các tờ báo Phá Ngục, Văn Nghệ, Rèn Luyện, Đoàn Kết, Quyết Tâm, Tiến Lên, Niềm Tin…
Tư liệu về những tờ báo mà Bác Hồ tham gia viết- Ảnh: VĨNH HÀ
Nằm trong hoạt động tại trưng bày có các hoạt cảnh minh họa, hình mô phỏng cho cảnh tác nghiệp viết báo và truyền các bản tin đi các phòng giam cho các chiến sĩ cách mạng cùng đọc.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Thủy, trưởng Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò, những tờ báo đặc biệt được xuất bản sau song sắt đã tố cáo chế độ nhà tù hà khắc, thể hiện ý chí kiên trung, tinh thần lạc quan và niềm tin với cách mạng của các chiến sĩ.
Nhà báo Trịnh Hải, một cựu phóng viên chiến trường, ở cuộc trưng bày. Ông xúc động chụp lại nhiều tư liệu của thế hệ làm báo thời "tòa soạn sát chiến hào" - Ảnh: HOÀNG VÂN ANH
Tờ báo được Bác Hồ đặt tên
"Biết tin anh em đang tìm chữ đặt tên báo, anh Nguyễn Chí Thanh cười nói: "Mình đã xin ý kiến Bác Hồ. Bác bảo quân đội ta là quân đội nhân dân.
Tờ báo của quân đội thì lấy tên là Quân Đội Nhân Dân. Giản dị thế thôi!" - Đây là một đoạn tư liệu tại trưng bày trích trong "40 năm một chặng đường", báo Quân Đội Nhân Dân xuất bản năm 1990".
Trưng bày cũng có những tư liệu, hình ảnh về tờ báo này tại tiền phương, với 5 người trực tiếp lo việc xuất bản.
"Nơi chúng tôi làm việc chỉ cách sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ 3km. Tòa soạn tiền phương báo Quân Đội Nhân Dân tại mặt trận Điện Biên Phủ đặt dưới hầm sâu hơn bất cứ căn hầm nào ở chiến trường, đèn không dám thắp sáng vì sợ địch phát hiện.
Trong ánh sáng lờ mờ, chữ thì đen thui, việc sắp chữ vô cùng khó khăn nhưng các khâu của tòa soạn đã làm việc bằng tất cả nhiệt huyết, số nào nhanh thì 24 tiếng sau, báo đến tay người đọc" - đại tá, nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp, nguyên phóng viên chiến trường báo Quân Đội Nhân Dân, nhớ lại.
Còn trong một đoạn hồi ức, nhà báo Phạm Phú Bằng (1 trong 5 nhà báo đầu tiên) viết: "Khi tờ báo in xong, cùng với phát hành, chúng tôi đưa báo còn nóng hôi hổi chạy tỏa ra khắp mặt trận, đưa báo xuống tận đơn vị, gặp lại nhân vật mình viết để người lính đó xem, nếu họ còn sống. Nếu họ là thương binh, chúng tôi đọc cho họ nghe. Đó thật sự là những ngày tháng không thể nào quên".
Những người ngã xuống
Trưng bày giới thiệu nhiều bút tích của các nhà báo - liệt sĩ đã ngã xuống trên đường tác nghiệp trong các cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.
Nhiều người trong số họ đã hy sinh khi lao vào nguy hiểm để có được những thước phim, bức ảnh chân thực. Có người hy sinh khi trên tay còn ôm hộp phim, mắt mở to nhìn thẳng lên bầu trời đầy bom đạn.
"Anh chỉ ra đi khi trong tay anh có những thước phim tốt, có những thước phim xứng đáng đóng góp cho Tổ quốc. Anh không lên đường ra đi với bất kỳ lý do nào khác. Anh có thể ngã xuống trên mảnh đất nóng bỏng này.
Điều này em phải hiểu và thông cảm cho anh, vì anh là phóng viên chiến trường", một đoạn tư liệu tại trưng bày, trích từ bức thư gửi vợ của nhà quay phim - liệt sĩ Nguyễn Văn Giá.
Nhà quay phim Nguyễn Văn Giá hy sinh năm 1970 bên chiếc máy quay Konvat tại xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ trong một trận càn của địch.
Trưng bày "Đứng lên và cất tiếng" không chỉ thu hút nhiều cụ lão thành cách mạng, những cựu phóng viên chiến trường, mà còn có nhiều bạn trẻ tham quan. Trưng bày sẽ kéo dài đến ngày 31-12-2022.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận