Phóng to |
Các cựu nữ TNXP qua các thời kỳ vui mừng gặp lại nhau tại buổi họp mặt sáng 31-7 - Ảnh: Minh Đức |
“Các đồng chí ơi, tôi không xin vải dù, tôi không xin lương khô, tôi không xin bông băng, thuốc đỏ. Tôi chỉ xin một cục xà bông thơm, à không, nửa cục xà bông thôi cũng được” - tiếng anh Tân vang lên giữa tiếng đạn bom, giữa tiếng ầm ào của đoàn xe ra trận.
Rạng sáng hôm sau, anh ấy khua kẻng gọi chúng tôi dậy. Chúng tôi tưởng anh ấy gọi ra ngoài trực chiến. Nhưng không phải. Anh ấy đưa cục xà bông Bến Thành ra và nói: “Nào, mời các cô đi tắm suối”. Đó là năm thứ tư của chiến tranh ác liệt. Lần đầu tiên các cô gái TNXP được gội đầu bằng cục xà bông thơm Bến Thành. Tóc của những cô gái làm đường tung bay trong gió...
Chương trình giao lưu “Một thời sáng mãi niềm tin” do báo Phụ Nữ TP.HCM tổ chức được mở màn bằng trích đoạn trong vở kịch Thời con gái đã xa - một vở kịch nổi tiếng viết về các nữ TNXP ra đời cách đây đã 15 năm. Trong kịch, nghệ sĩ Kim Xuân và Đàm Loan hết khóc lại cười. Dưới khán phòng, những hình mẫu thật của nhân vật trong kịch lặng lẽ đưa tay lau nước mắt.
“Không để vết thương anh rỉ máu hai lần...”
Ban tổ chức chương trình đã dành tặng mười sổ tiết kiệm tổng trị giá 100 triệu đồng cho mười cựu nữ TNXP có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, ban tổ chức cũng tặng quà và tiền mặt cho 300 đại biểu tham dự chương trình với tổng số tiền 200 triệu đồng. |
Cực khổ như vậy mà hết lớp này đến lớp khác, các nữ TNXP vẫn xung phong ra tuyến đầu Tổ quốc. Năm 1966, mới tròn 16 tuổi, chị Đào Thị Hồng Đào đã gia nhập TNXP. Chị kể: “Năm đó, vừa đọc được lá thư Bác Hồ gửi thanh niên cả nước là tôi xung phong đi ngay. Thời kỳ này miền Bắc có phong trào Ba sẵn sàng, miền Nam có phong trào Năm xung phong. Đi bộ 79 ngày đêm ròng rã, từ Cà Mau chị tới được Tân Biên, Tây Ninh. Sống trong rừng nhiều lúc đói phải ăn lá cây nhưng chị em không ai chịu về hậu cứ, dù hậu cứ có cơm ăn, hậu cứ ít bom rơi”.
Chị Đào sôi nổi kể: “Mỗi một trận đánh từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc, chúng tôi không có phút nào ngơi nghỉ. Trước trận thì tải đạn, tải pháo. Sắp đến giờ G thì đào hầm, đào công sự. Khi súng đã nổ, hễ có lệnh “Chuyển thương” là chị em chúng tôi lại lao ra, cúi rạp người, đi xuyên giữa những làn đạn đang cày nát đất đá xung quanh mình. Cái chết sát một bên nhưng không ai sợ. Ngày đó, chúng tôi có phong trào “Không để thương binh bị thương lần thứ hai” nên phải tìm mọi cách để bảo đảm an toàn cho thương binh. Đồng đội tôi lấy thân mình che cho các anh và hi sinh nhiều lắm”.
Có lần đơn vị chị Đào vừa mới tải pháo 105 li cho một đơn vị pháo binh, khi quay trở ra thì toàn đơn vị pháo binh bị trúng bom hi sinh hết. Chị nghẹn giọng: “Vừa mới làm quen, chưa kịp nhớ hết tên nhau mà phút chốc 12 người trong đội đã chết hết. Đau đến không khóc được. Chỉ biết mình phải có thêm sức mạnh để sống cho cả những người nằm xuống”.
Bức huyết thư
Khuôn mặt đã sạm đen vì nắng gió, mái tóc đã mất vẻ óng ả của tuổi xuân thì nhưng chị Mai Xuân Phượng, TNXP tổng đội 4, liên đội cơ động 2, vẫn thích để tóc mình xõa dài như ngày còn con gái. Thời con gái của chị là những năm tháng sống và chiến đấu ở chiến trường Tây Nam. Chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, chị Phượng cùng mười chị em khác đã trích máu mình viết huyết thư tình nguyện ra chiến trường. Chị nhớ lại: “Nhóm tụi tui gồm 11 chị em gái, tuổi chừng mười chín, đôi mươi. 11 người trích máu ở ngón tay, hòa thành mực rồi dùng bút lá tre viết thư gửi lãnh đạo Thành đoàn cho ra chiến trường”. Và chị Phượng đã toại nguyện khi cả 11 người được nằm trong lứa TNXP đầu tiên có mặt ở mặt trận Tây Nam của Tổ quốc.
Chị Lê Thị Gái, TNXP liên đội Trung Kiên, kể: “Những năm tháng ở chiến trường Tây Nam, mỗi nữ TNXP chúng tôi được phát hai quả lựu đạn. Đó là vật bất ly thân để nếu bị Pol Pot bắt thì chúng tôi sẽ cùng chết với chúng, quyết không để mình bị ô nhục. Mỗi khi trời vừa sập tối, mấy chị em gái không dám ngủ trong nhà dân hay nấp trong hầm mà phải tản mác ra các bụi cây, các giao thông hào để đề phòng Pol Pot đột ngột ập tới. Chị em thay phiên nhau canh, giấc ngủ chập chờn, chỉ mong trời mau sáng”.
Còn chị Nguyễn Kim Hoàng thì nhớ như in những giếng nước nhuốm mùi tử khí: “Ở đất bạn, có những vùng phải đào giếng sâu đến 25m mới có nước. Chúng tôi lấy nước giếng nấu cơm. Nước giếng có mùi lờ lợ. Đến khi giếng gần cạn mới thấy ở đáy giếng là những xác chết hay một mái tóc xõa bồng bềnh trong nước”. Một cuộc sống vất vả, khủng khiếp mà chị chưa từng hình dung. Có lần chị Hoàng bị đỉa rừng cắn, hành sốt li bì. Trong cơn mê, chị nhớ nhà, nhớ má, nhớ em đến cồn cào. Sáng hôm sau, khi mọi người ngừng tay nghỉ trưa, chị đã ôm balô vào lòng định bỏ trốn. Nhưng rồi nhìn gương mặt của mấy chị em đồng đội đang thiếp đi sau một buổi lao động mệt nhọc, chị lại thấy ân hận, quay vào lán cất balô.
Ngày nghe tin các đồng đội nữ bị Pol Pot hãm hiếp rồi giết chết, mấy chị em trong đội của chị Hoàng sợ lắm. “Nhưng cũng thật kỳ lạ là nỗi sợ hãi chỉ thoáng qua. Mỗi ngày, những khó khăn, nguy hiểm vẫn chờ đợi chúng tôi ở phía trước và chúng tôi học cách chấp nhận để bình thản vượt qua” - chị nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận