Nhiều người ngạc nhiên nhưng nhiều người lại rất quen thuộc, lại nghe thấy trong đó những hừng hực, những tha thiết, những say mê, những tận hiến của tuổi trẻ mình...
Từ đám tang trò Ơn
“Ngày ấy chưa có mặt trận, chưa có Thành đoàn, cũng không biết Đảng, nhưng lòng yêu nước, tinh thần dân tộc đã ăm ắp sẵn trong lòng chúng tôi, dù cho tôi chính thức là một nữ sinh trường Tây...” - cô giáo Bình Minh mỉm cười kể, ánh mắt đã 83 tuổi lấp lánh niềm vui.
Những ngày cô nữ sinh Trường Marie Curie rồi Chasseloup Laubat (nay là Trường THPT Lê Quý Đôn - PV) đi ngang qua tòa án, khám lớn (nay là Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM - PV), Bình Minh nhìn lên những tháp canh mà nghĩ về những người yêu nước đang bị giam cầm, tra tấn bên kia bức tường.
Những người ấy có thể là bạn kháng chiến của ba - kỹ sư Nguyễn Văn Đức, có thể đã từng đến hội họp, bàn bạc, nghe hòa nhạc ở ngôi nhà của gia đình cô tại 89bis Verdun (nay là đường Cách Mạng Tháng 8 - PV).
“Đi học buộc phải nói tiếng Pháp, buộc phải học sử Pháp, chị em tôi vẫn học giỏi. Bình Thanh năm nào cũng được lĩnh phần thưởng đặc biệt dành cho học sinh giỏi nhất trường, nhưng tối về chúng tôi cứ hỏi nhau: “Tại sao là người Việt Nam mà phải nói tiếng Pháp?”. Chúng tôi theo dõi các phong trào chống Pháp của các anh chị học sinh trường bạn và tranh thủ mọi thời gian, cơ hội có được để ủng hộ. Rầm rộ nhất và ấn tượng nhất chính là đám tang trò Ơn...”.
Trong những buổi họp mặt các thế hệ học sinh - sinh viên tham gia phong trào sau này, không ai phải nhắc nhiều về đám tang chấn động mà hơn 300.000 người Sài Gòn, 1/6 dân số Sài Gòn lúc bấy giờ, đã tham dự, họ chỉ nói về những ấn tượng đã đưa đến lựa chọn, bước ngoặt cho cuộc đời mình mà việc tham dự, chứng kiến và nghe kể về “đám tang trò Ơn” mang lại.
Với cô Bình Minh, sau ngày ấy ba chị em gái đã cùng bắt tay nhau chọn con đường kháng chiến. Nhưng rồi vì cha mẹ, cô đã gật đầu “hi sinh” ở lại để hai em gái Bình Thanh, Bình Trang nhẹ lòng mang vốn tiếng Pháp, văn hóa Pháp và ngón đàn điêu luyện vào rừng theo kháng chiến.
Bình Minh tiếp tục học để làm cô giáo Trường Gia Long, hiệu trưởng Trường Đức Trí, mở công ty bảo hiểm tư nhân, và làm một cơ sở vững vàng cho cánh trí vận, giáo vận của Mặt trận dân tộc giải phóng.
Với những bà Ba, bà Bảy, bà Mười ngồi quây quần bên những chiếc bàn ghi dòng chữ trang trọng: “Ba, má phong trào” thì đơn giản hơn nhiều. “Hồi đám tang trò Ơn chúng tôi cũng ở tuổi học trò, theo ba má, lối xóm, trường học đi tham dự, nghe mọi người cảm thán nể phục các anh chị học sinh, sinh viên lắm. Họ bảo đó là “những người vì nước”.
Từ đó về sau, khi lớn lên, khi cũng đã thành ba má, ông bà rồi, chúng tôi vẫn đi theo ủng hộ phong trào học sinh - sinh viên. Họ tổ chức biểu tình ở đâu chúng tôi tới đó tiếp tế: giấy bút làm băngrôn, khẩu hiệu; chanh, khăn mặt chống hơi cay; nước uống, bánh mì, bánh bao khi bị vây thời gian dài; chỗ trú ẩn khi có người bị lùng bắt; cùng đi đấu tranh khi cần thêm lực lượng...”.
Ngồi cạnh vợ mình (là bà má phong trào Phong Thu), ông “ba phong trào” Nguyễn Tấn Thi kể: “Vợ chồng tôi cũng là người kháng chiến, sau 1954 trở vào Sài Gòn sinh sống, tìm cơ hội giúp ích cho cách mạng. Chúng tôi ủng hộ phong trào sinh viên, chỉ mong mau có hòa bình để tụi nhỏ được yên ổn ăn học, có việc làm tốt. Thế rồi chiến tranh dài quá, con gái tôi lớn lên đi học văn khoa rồi cũng đi biểu tình, đấu tranh, cũng bị bắt...”.
Lý tưởng chỉ có một
Đến với lễ kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống 9-1 sáng qua, đội múa của Ban truyền thống Thành đoàn gồm những thành viên U-70 nhưng vẫn thướt tha, vẫn yểu điệu khi hóa thân thành những cánh chim hòa bình, vẫn mạnh mẽ, quyết liệt trong các động tác thể hiện lựa chọn đứng về phía quê hương, dân tộc. “Hát cho dân tôi nghe, tiếng hát tung cờ ngày nào/... Hát cho trăm năm sau, sử vàng cũng biết môi thơm...”, không phải là góp vui, cũng không chỉ là kỷ niệm, với những người trong cuộc của phong trào học sinh sinh viên, những ca khúc, bài thơ, điệu múa này đã một thời là tâm huyết, là vũ khí, là lựa chọn, và thật sự đã được đánh đổi bằng máu xương, bằng tuổi trẻ.
“Chúng tôi là sinh viên. Để thể hiện lòng yêu nước, đấu tranh cho hòa bình của mình, chúng tôi chỉ có tri thức, có ngòi bút, có khả năng cá nhân, có tuổi trẻ rực lửa, có tình yêu đất nước, con người đến quên bản thân, và... hết” - nhạc sĩ Miên Đức Thắng tâm sự trước khi hào hứng bước lên sân khấu với những ca khúc “Hát từ đồng hoang” mà ông đã phải trả giá bằng một bản án năm năm tù. “Rồi ngày mai quê hương xanh lên màu sông núi/Vì ngày nay dân ta quyết sống vì đất này...”.
“Ở đây tuổi trẻ của chúng tôi sống dậy, và lý tưởng thì nóng lên” - bà Tư Liêm (Trương Mỹ Lệ, phó chủ nhiệm CLB Truyền thống Thành đoàn) gạt mồ hôi sau bài múa, mỉm cười. Cuộc họp mặt đông đảo hàng trăm người, mỗi người một con đường, một cuộc đời, khi gặp lại không chỉ là gặp bạn bè mà họ gặp lại tuổi trẻ của mình, lý tưởng của mình.
“Đây là bài tôi viết về thần tượng một thời của chúng ta” - ông Huỳnh Hữu Lâm khoe với bạn bè và ngay lập tức một đám đông nho nhỏ tụ lại trong đám đông lớn giữa hội trường, bài viết được chuyền tay đọc và bàn luận y như ngày những ông già tóc muối tiêu này đang còn ngồi giữa giảng đường đại học. Ông Lâm đã dùng mọi cách để ghi lại được lời kể của một nhân viên phòng khai thác và ty hoạt vụ bót Bà Hòa về bốn ngày anh Hồ Hảo Hớn (tức Hai Nghị), bí thư Khu đoàn Sài Gòn - Gia Định, bị bắt và tra tấn đến chết.
“Tôi, người cộng sản”, lời nói duy nhất mà liệt sĩ, Anh hùng LLVT Hồ Hảo Hớn đối thoại với đối phương, với dùi cui, ma trắc, chày gỗ, máy quay điện đến hơi thở cuối cùng đã làm chấn động bót Bà Hòa, lung lay những phương pháp thẩm vấn hung bạo.
“Những tấm gương như anh Hai Nghị thúc giục chúng tôi cố gắng hơn nữa, nỗ lực hơn nữa cho lý tưởng của mình” - ông Lâm kết luận. “Anh em chúng tôi mỗi người mỗi nghề, mỗi nghiệp, mỗi cuộc đời, có thăng có trầm nhưng lý tưởng thì chỉ có một” - ông Huỳnh Tấn Mẫm nói. Lý tưởng ấy là đất nước độc lập, giàu mạnh, xã hội dân chủ, phát triển, con người tự do, hạnh phúc. Lý tưởng ấy vẫn sáng rõ đến hôm nay.
65 năm vững niềm tin chung một bóng cờ * Khai mạc Đại hội V Hội Sinh viên VN TP.HCM
Khoảng 2.000 học sinh - sinh viên TP.HCM đã tham dự lễ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống học sinh - sinh viên VN (9-1-1950 - 9-1-2015) tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM sáng 9-1. Bí thư Thành đoàn - chủ tịch Hội Sinh viên VN TP.HCM Nguyễn Mạnh Cường khẳng định học sinh - sinh viên luôn một lòng theo Đảng suốt 65 năm qua, đã sẵn sàng xếp bút nghiên lên đường chiến đấu và hôm nay luôn sẵn sàng cống hiến vì một thành phố anh hùng. Cả một rừng cờ đỏ sao vàng tràn ngập không gian sân lễ kỷ niệm tại Nhà văn hóa Thanh niên, cũng là địa chỉ số 4 Duy Tân gắn liền với lịch sử phong trào đấu tranh của học sinh - sinh viên Sài Gòn năm xưa. Hôm qua, những khúc hát Dậy mà đi, Lên đàng, Xếp bút nghiên... lại được chính các học sinh - sinh viên xuống đường tranh đấu năm xưa cùng học sinh - sinh viên hôm nay cất lên. “Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM” 2014 Lê Yên Thanh (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP.HCM), “Sinh viên 5 tốt” cấp trung ương và TP.HCM - thay mặt sinh viên, học sinh TP.HCM - nói thế hệ hôm nay ghi ơn thế hệ cha anh, sẽ thi đua học tốt, tích cực rèn luyện để xứng đáng là công dân thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh - thành phố anh hùng. 105 “Sinh viên 5 tốt” và 95 “Học sinh 3 tích cực” cấp thành phố năm 2014 đã được vinh danh, khen thưởng tại lễ kỷ niệm. * Hôm nay 10-1, Đại hội đại biểu Hội Sinh viên VN TP.HCM lần V nhiệm kỳ 2015-2020 sẽ chính thức khai mạc. 445 đại biểu chính thức đại diện cho gần 450.000 sinh viên thành phố tham dự đại hội trong hai ngày tại hội trường TP.HCM. Với khẩu hiệu “Sinh viên TP.HCM phấn đấu là sinh viên 5 tốt vì thành phố văn minh, phát triển”, đại hội sẽ cùng nhìn lại kết quả của nhiệm kỳ 2010-2015, bàn thảo các nội dung quan trọng và hiệp thương ban chấp hành Hội Sinh viên thành phố nhiệm kỳ 2015-2020 trước khi bế mạc vào trưa 11-1. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận