Sách Catherine cô bé đeo mắt kính, Patrick Modiano, Hoàng Nhụy dịch - Ảnh: Hữu Thuận |
Từ thăm thẳm lãng quên, Ở quán cà phê tuổi trẻ lạc lối, Phố của những cửa hiệu u tối, Để em khỏi lạc trong khu phố, Những đại lộ ngoại vi hay Quảng trường ngôi sao là những cuộc truy tìm không ngừng nghỉ những căn cước cá nhân, xuyên qua chằng chịt những tương quan đời sống.
Đó là những chuyến đi thăm thẳm về quá khứ (Patrick Modiano thường dừng mốc hậu Chiến tranh Thế giới thứ 2) bằng rất nhiều phương tiện, từ biên bản, điều tra đến hư cấu, tưởng tượng chủ quan cốt để lần ra dấu vết những phận người trôi dạt, mờ ảo...
Tính chất “mờ ảo” ấy tưởng chừng được buông bỏ trong một cuốn truyện mỏng dành cho thiếu nhi. Nhưng không. Ngay từ hai trang đầu, cuốn sách dựng nên không gian một lớp múa trên phố 59, New York trong ngày tuyết rơi để rồi đi vào ký ức Catherine - người phụ trách lớp múa ấy - trở về những ngày tuổi thơ của cô nơi thành phố Paris... với biết bao điều khó minh định.
Vẫn là một chuyến đi ngược thời gian, không xuyên qua tầng tầng lớp lớp những mối quan hệ trong đời sống như những cuốn tiểu thuyết cho người lớn, thế nhưng người đọc vẫn dễ dàng nhận ra trong một dung lượng rất mỏng, khi mọi thứ cần đạt đến độ cực thiểu thì Patrick Modiano vẫn “cài đặt” lên đó những lớp “mã” đầy thách thức.
Được sinh ra từ tình yêu lạ lùng giữa cô vũ công người Mỹ với anh chàng bô trai vô công rồi nghề phải xin vào sân khấu Casino de Paris làm diễn viên phụ, kiếm thêm thu nhập, cô bé Catherine, trong căn cước đã báo trước những điều kỳ lạ, khó giải thích.
Khi người mẹ chán cảnh sống Paris trở về New York, cha con Catherine bên nhau nhưng cô con gái không hiểu cụ thể công việc của cha mình là gì.
Việc chuyển những thùng hàng về văn phòng rồi chở những thùng hàng đi được cho là mờ ám đó, có lẽ là một bí mật chỉ có người cha và bác Casterade (người đối tác) được biết.
Casterade lại là một nhân vật “không bình thường”: một kẻ mê thơ, làm thơ, từng dạy văn chương lại bị cuốn vào một cuộc hùn hạp làm ăn đầy khó hiểu. Ông ta ưa triết lý và giáo điều nhưng lại nương theo cuộc sống thật giả bất phân minh.
Một chi tiết gần như ẩn dụ, làm sợi dây ý niệm xuyên suốt từ đầu tới cuối tác phẩm: Catherine mê học múa và đeo mắt kính.
Mắt kính sẽ làm cho thế giới rõ ràng hơn, nhưng có vẻ như cô gái nhỏ lại thích nhìn thế giới theo một cách khác, không cần độ sắc nét của thực tế. Từ đó, cô không phải truy vấn bác Casterade, người đàn ông có tâm hồn lãng mạn và đời sống có bề khắc kỷ ấy là ai, cô giáo dạy múa Galina Dismaïlova có chất giọng đậm âm sắc Nga là ai, gốc gác từ đâu đến...
Tâm hồn tuổi thơ như thể khước từ mọi sự rạch ròi lý tính để cuộc sống được trở nên lung linh và lạ hóa. Kể cả buổi tiệc giới thượng lưu ở sân thượng của nhà người bạn trong lớp múa mà cha con cô đã từng được dự phần và trải nghiệm sự lạc lõng nhưng vì mọi thứ mờ ảo dịu dàng, nên không mảy may đem về cảm giác tủi thân của người đẳng cấp thấp...
Tất cả được ngưng tụ ở mức lưng chừng, mờ nhòe giữa thực tế và mơ mộng, giữa rõ ràng và mờ ảo, giữa... đeo kính và không đeo kính, giữa không nhảy múa và nhảy múa tạo nên bầu khí quyển lung linh, thi tính của tác phẩm.
Những khốc liệt của cuộc sống đang ở rất xa khi tính thơ vẫn ngập tràn trong cái nhìn và trái tim của cô bé Catherine: “Và thế giới của múa không phải là thế giới thật, mà là thế giới ở đó ta nhảy lên, ta đập gót trên không thay vì đơn giản là bước đi. Phải, một thế giới trong mơ như cái thế giới mờ ảo và êm ái tôi vẫn thấy khi không đeo kính” (trang 39).
Cuốn sách mỏng với phần minh họa thú vị của Jean-Jacques Sempé dĩ nhiên là món quà ý nghĩa cho tuổi thơ. Điều quan trọng, cuốn sách nói với ta, đừng quên rằng trong mỗi người lớn lý tính từng có một Catherine không thích đeo mắt kính!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận