23/02/2016 10:56 GMT+7

Một thầy giáo đề xuất lãnh đạo TP.HCM 6 vấn đề của giáo dục

NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG
NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG

TTO - Tham gia chuyên mục Dân đặt hàng lãnh đạo TP.HCM do báo Tuổi Trẻ làm cầu nối, thầy giáo Nguyễn Hoàng Chương đã gởi đến lãnh đạo TP.HCM 6 đề xuất về giáo dục phổ thông đầy tâm huyết.

Theo thầy giáo Nguyễn Hoàng Chương, một trong những điều cần đổi mới là bớt lý thuyết dông dài, tăng rèn luyện kỹ năng. Trong ảnh: học sinh Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (Q.12, TP.HCM) tham gia thí nghiệm tương tác - Ảnh: T.T.D.

Nhằm góp thêm tiếng nói từ người trong cuộc cũng như tạo thêm để những người có trách nhiệm tham khảo, Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu đề xuất này của bạn đọc Nguyễn Hoàng Chương.

"TP.HCM là thành phố đầu tàu của cả nước, sự phát triển kinh tế  - xã hội - văn hóa - y tế - giáo dục... của thành phố không chỉ mang lại lợi ích cho người dân tại đây mà còn có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của các tỉnh, thành phố trong cả nước.

TP.HCM luôn là điển hình, mang lại cách thức - mô hình cùng niềm tin và quyết tâm cho cả nước. Là một nhà giáo, tôi xin gửi đến lãnh đạo TP.HCM và đặc biệt đối với đồng chí Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng sáu đề xuất đổi mới giáo dục phổ thông TP.HCM.

1 -  Vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên:

a) Đội ngũ cán bộ quản lý: TP.HCM mạnh dạn tổ chức thi tuyển để chọn cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục, phòng và Sở GD-ĐT. Cán bộ quản lý có năng lực, trách nhiệm, tận tâm là điều kiện thiết yếu để thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT thành công.

b) Tuyển chọn giáo viên giỏi từ nhiều nguồn: Từ các ngành nghề khác nếu họ có nguyện vọng được về công tác trong ngành giáo dục và nguồn giáo viên giỏi từ các địa phương ngoài TP.HCM. Bảo đảm điều kiện sống cho những người ấy cùng với việc bỏ rào chắn về hộ khẩu thì chắc chắn sẽ thu hút được đội ngũ giáo viên giỏi. Điều cốt lõi luôn là có thầy giỏi thì mới có trò giỏi.

c) Luân chuyển giáo viên: Thực hiện công việc này giữa các quận, huyện và giữa các cơ sở giáo dục trên cùng một địa bàn. Chu kỳ luân chuyển có thể từ 3 năm đến 5 năm. Làm được điều này sẽ giúp học sinh vùng khó khăn, các trường chất lượng thấp có điều kiện nâng cao chất lượng dạy và học và ngay cả việc luân chuyển đổi với giáo viên các trường chất lượng cao cũng sẽ giúp cho họ có thêm kinh nghiệm, rèn luyện tay nghề.

d) Chính sách tiền lương: Giúp giáo viên đảm bảo cuộc sống, đồng thời thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi để giáo viên có nhà ở, phương tiện đi lại, giúp họ yên tâm đầu tư cho việc dạy học. Nhờ vậy sẽ hạn chế được nhiều việc dạy thêm - học thêm tràn lan.

2 - Sách giáo khoa:

Trên cơ sở chương trình do Bộ GD-ĐT ban hành, TP. HCM biên soạn sách giáo khoa dùng cho giáo viên và học sinh tại thành phố nhằm:

-  Giảm tải cho học sinh, bớt lý thuyết dông dài, tăng rèn luyện kỹ năng.

-  Kết hợp tốt giữa ứng dụng phương pháp dạy học hiện đại và phương pháp dạy học truyền thống.

-  Tiếng Anh nói riêng và ngoại ngữ nói chung, các hoạt động thể dục thể thao, nghiên cứu khoa học, các kỹ năng mềm... phải là mục tiêu cơ bản của dạy học và giáo dục trong nhà trường phổ thông và được định hướng rõ ràng trong sách giáo khoa.

3 - Đưa đón học sinh:

Tai nạn giao thông, kẹt xe có lý do từ việc phụ huynh đưa đón con em đi học và học sinh tự đi. Cần thực hiện xã hội hóa, tạo điều kiện thuận lợi để học sinh phổ thông các cấp học đi học và cả giáo viên đi dạy sử dụng xe bus.

4 - Thu học phí:

Tùy tình hình phát triển kinh tế xã hội của mỗi quận, huyện mà có mức thu học phí hợp lý và chỉ một mức thu duy nhất (đối với các trường phổ thông công lập), bảo đảm vừa sức dân, đủ để các trường chi trả cho hoạt động dạy học và giáo dục. Thực hiện điều tiết đối với các trường ở vùng khó khăn. Các khoản thu ngoài học phí phải được chấm dứt.

5 - Đánh giá giáo viên:

Kiểm tra đánh giá, thi đua khen thưởng, thi chọn giáo viên giỏi phải thực chất, cởi trói cho họ. Người giáo viên phải có niềm tin sâu sắc vào những điều mình dạy và rằng từ những điều ấy học sinh sẽ sống tốt đẹp hơn. Dạy học bằng cả sự hăng say, tích cực, chủ động, sáng tạo chứ không phải quá lo lắng, băn khoăn, ngại đổi mới... do sự săm soi của ban giám hiệu, học sinh và phụ huynh.

6 - Môi trường làm việc:

Không quá chạy theo việc trang bị các thiết bị, công nghệ “hot”, nặng nề thành tích. Nhà trường tươi vui - năng động - đoàn kết - mô phạm là mục tiêu cốt lõi. Dạy học - giáo dục đảm bảo sự phát triển của học sinh, quan tâm đến lợi ích của các em, khơi dậy ước mơ, tư vấn hướng nghiệp, sống đẹp - tích cực, thầy cô luôn là tấm gương để học sinh noi theo, một nhà trường nhân văn.

Tư duy hành động là điều kiện cần để thực hiện những đổi thay cần thiết, hiệu quả và hoàn toàn có thể làm ngay ở các lĩnh vực, các ngành và tất nhiên trong đó có GD-ĐT ở TP.HCM".

NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp