Bên ngoài căn biệt thự tại số 59 Trần Hưng Đạo
Sáng 20-4, Tuổi Trẻ Online đã có mặt tại một số căn biệt thự cũ nằm trong 600 biệt thự kể trên để ghi nhận tình hình thực tế.
Tại một căn biệt thự ở số 48 Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội), theo ghi nhận, số nhà không còn rõ số, lối vào căn biệt thự trên được quây kín bởi những tấm tôn xanh, không còn người ở.
Quan sát từ bên ngoài, biệt thự này đã xuống cấp rất nghiêm trọng, vữa tường bong tróc, lộ rõ lớp gạch xây bên trong.
Bên ngoài căn biệt thự tại 48 Trần Hưng Đạo được quây kín tôn
Chị Vũ Hồng Nhung (48 tuổi, Hà Nội) cho biết từ thời ông bà, gia đình chị từng sở hữu một căn trong ngôi biệt thự kể trên. Tuy nhiên, cách đây 6 năm, các hộ dân ở đây bắt đầu bán các căn nhà trong ngôi biệt thự này. Gia đình chị cũng bán "dù rất tiếc".
"Vì nhiều người bán nên mình cũng phải bán, tiếc lắm, ở đây đi ra đi vào vui vẻ hơn. Ngày xưa các biệt thự này cũng đã xuống cấp nghiêm trọng rồi", chị Nhung nói.
Những mảng tường bong tróc, xuống cấp nghiêm trọng
Nói về lý do căn biệt thự này bị quây kín tôn, chị Nhung cho biết khi các hộ dân tại đây bán lại cho một chủ khác, họ chưa ở nên để như nhà hoang, nên chính quyền địa phương đã yêu cầu quây tôn kín vào để tránh người ngoài đi vào "phá hoại".
"Họ mua lại nhưng không bảo tồn, sửa chữa nên giờ càng ngày tòa nhà này càng xuống cấp nghiêm trọng, từng ở đây từ nhỏ nên tôi thấy xót lắm. Thi thoảng ngồi ngoài vỉa hè, lại có một mảng tường rơi bộp xuống đất", chị nói thêm.
Phần cầu thang lối lên tầng 2 tại biệt thự số 47 Hàng Bài ngổn ngang đồ đạc, nhếch nhác
Một căn biệt thự khác tại 47 Hàng Bài (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhìn từ mặt tiền vẫn khá đẹp, kiến trúc được giữ nguyên trạng.
Trái ngược với sự tinh tươm bên ngoài, bên trong căn biệt thự này vô cùng nhếch nhác. Tại phần lối lên cầu thang của tòa nhà, các vật dụng được để lộn xộn như những khu nhà kho để hoang.
Tại phần cửa sổ của một căn nhà trong biệt thự, một gia đình đã tận dụng những tấm poster cũ để căng lên thay mái hiên nhằm chống mưa, nắng.
Người dân dùng những tấm poster cũ để làm mái hiên che mưa, nắng
Tình trạng xuống cấp tại căn biệt thự ở số 59 Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm) còn nghiêm trọng hơn. Theo ghi nhận, phần mặt tiền của căn biệt thự này được người dân tận dụng để kinh doanh hàng ăn và cà phê.
Phần tường hai bên hông nhà số 59 Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm) bong tróc vữa
Phần tường hai bên hông và phía sau của căn biệt thự này gần như đã bị bong tróc vữa, trơ trọi gạch; trên tường thủng nhiều lỗ to, đồ đạc của người dân chất lộn xộn xung quanh nhà.
Vào bên trong hành lang sử dụng chung, vì diện tích hẹp, lại có 10 hộ dân chung sống, nên rất nhiều đồ đạc được bày biện tại đây, khiến cho không gian thêm phần ngột ngạt.
Chị Mai Thị Kim Oanh - chủ một căn nhà trong biệt thự ở số 59 Trần Hưng Đạo - cho biết vì ở chung với nhiều hộ dân nên phức tạp.
"Ở đây khá chật chội, một số đại gia người ta muốn mua, nhưng một số người không bán, nếu mua thì họ sẽ mua cả căn nhà này. Ở đây bây giờ có thể giá trị căn nhà rất nhiều tiền, nhưng con cháu mình cũng không thích ở vì chung đụng nhiều quá, làm gì cũng phải nhìn nhau.
Đặc biệt phía sau tòa nhà có nhà buôn bán đồng nát, đêm hôm thu mua sắt, giấy vụn, bày bừa rất bẩn. Nhiều khi mình cũng muốn bán nhà đi để chuyển đi nơi ở khác rộng rãi, sạch sẽ hơn", chị Oanh nói.
Lối đi chung trong căn biệt thự cũ tại 59 Trần Hưng Đạo
Một người dân khác sống ở tầng 2 của tòa nhà kể trên lại cho rằng vì ở đây từ bé nên chỉ muốn ở đây, không muốn đi đâu cả. Người này nhận xét: "Hà Nội phải có những tòa nhà như thế này, phải được giữ gìn và bảo tồn. Nếu cứ bán hết đi, sau đó không có chính sách bảo tồn, liệu con cháu sau này có nhận dạng ra Hà Nội không?
Hà Nội nếu toàn những nhà cao ốc thì chả khác gì những tòa nhà bê tông ở các đô thị khác, không có những nét đặc trưng riêng của thủ đô ngàn năm".
Nơi nấu ăn của một hộ dân trong khu biệt thự
Trước đó, trong buổi thông tin về công tác quản lý, sử dụng các biệt thự được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn TP Hà Nội chiều 19-4, Tuổi Trẻ Online đã đặt câu hỏi với lãnh đạo Sở Xây dựng về việc giám sát và xử phạt những trường hợp không tuân thủ quy định bảo tồn ra sao, mức phạt hiện nay đủ sức răn đe?
Tuy nhiên, lãnh đạo sở trên chưa có câu trả lời tại thời điểm họp báo diễn ra. Sau đó, chánh văn phòng UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng cho biết những nội dung này sẽ được Sở Xây dựng "trả lời bằng văn bản".
Người dân sinh hoạt trong không gian chật hẹp, nhưng nhiều người không muốn đi ở chỗ khác "vì đã ở đây từ nhỏ"
Từ bên ngoài, nhiều căn biệt thự còn khá tinh tươm
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận