Sản phụ N.T.K.Đ. được các bác sĩ tại Bệnh viện Hùng Vương chăm sóc đặc biệt - Ảnh: LÊ PHAN |
Sản phụ là chị N.T.K.Đ. (33 tuổi, ở H.Củ Chi, TP.HCM) đã được các bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Q.Tân Phú, Bệnh viện Hùng Vương và Bệnh viện Nhân dân 115 cùng phối hợp hồi sức cấp cứu, phẫu thuật khẩn cấp ngay trong đêm nhờ quy trình báo động đỏ nội viện và liên viện.
Chỉ 10 tiếng sau phẫu thuật, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, đang được theo dõi, chăm sóc đặc biệt.
Giây phút sinh tử
Theo Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi, chị Đ. chuyển dạ sinh thường một bé trai nặng 2,9kg lúc 16g15 ngày 16-12. Sau sinh khoảng một giờ, tử cung của chị Đ. gò kém và bị băng huyết, mất nhiều máu.
Bệnh nhân nhanh chóng được các bác sĩ đưa vào phòng mổ cấp cứu cắt tử cung bán phần để cầm máu. Sau khi phẫu thuật, tình trạng sức khỏe của chị Đ. vẫn xấu do mất máu nhiều. Thấy chị Đ. có biểu hiện rối loạn đông máu, bệnh viện quyết định cho xe cấp cứu chuyển chị Đ. về Bệnh viện Chợ Rẫy.
Bác sĩ Huỳnh Văn Hy - phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi - cho biết khi chuyển viện chị Đ. còn tỉnh, mạch và huyết áp tương đối ổn định. Tuy nhiên, trên đường đi thì chị Đ. chuyển nặng, hôn mê và ngưng tim, ngưng thở.
Trước tình trạng nguy kịch và có thể tử vong của bệnh nhân, các y bác sĩ đưa bệnh nhân chuyển viện đã đề nghị tài xế lái xe cấp cứu chạy vào Bệnh viện Q.Tân Phú để được trợ giúp kịp thời.
Riêng bé trai con chị Đ., do mẹ phải chuyển lên tuyến trên điều trị nên hiện được chăm sóc tại phòng dưỡng nhi Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi.
“Khi xe cấp cứu vào tới Bệnh viện Q.Tân Phú, bệnh nhân đã hôn mê sâu, ngưng tim, ngưng thở. Lúc này khoảng 22g đêm 16-12. Ngay lập tức ban giám đốc bệnh viện huy động các y bác sĩ tiến hành cấp cứu cho bệnh nhân, vì chỉ chậm vài phút là bệnh nhân tử vong. Sau khoảng 30 phút hồi sức tích cực, tim và mạch bệnh nhân có trở lại nhưng rất yếu.
Tiếp đó, bệnh viện khởi động quy trình báo động đỏ nội viện đến các khoa phòng để chuẩn bị việc cứu chữa bệnh nhân. Quy trình báo động đỏ liên viện cũng được bệnh viện vận hành bằng việc gọi điện thoại ngay cho Bệnh viện Hùng Vương và Bệnh viện Nhân dân 115” - bác sĩ Đinh Thanh Hưng, giám đốc Bệnh viện Q.Tân Phú, kể.
3 bệnh viện phối hợp
Theo bác sĩ Hưng, chỉ sau khoảng 15 phút Bệnh viện Q.Tân Phú gọi hỗ trợ, các y bác sĩ của hai bệnh viện trên đã có mặt.
Đánh giá không thể chuyển bệnh nhân về Bệnh viện Hùng Vương trong tình trạng nguy kịch nên các bác sĩ của ba bệnh viện quyết định phẫu thuật cấp cứu bệnh nhân tại Bệnh viện Q.Tân Phú.
Ca mổ cắt bỏ tử cung để cầm máu cho bệnh nhân bắt đầu lúc 23g15 ngày 16-12, kết thúc lúc 1g30 ngày 17-12.
Sau mổ, tình hình bệnh nhân tạm ổn và được chuyển về Bệnh viện Hùng Vương theo dõi, điều trị tiếp.
TS.BS Nguyễn Đình Phú - phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 - cho biết khi nhận được cuộc gọi hỗ trợ, bệnh viện đã cử đội cấp cứu gồm bác sĩ Hà Thị Kim Tuyến và kỹ thuật viên Lê Trung Tín của khoa gây mê hồi sức đem theo các dụng cụ cấp cứu để hỗ trợ Bệnh viện Q.Tân Phú.
Khi bác sĩ Tuyến tới Bệnh viện Q.Tân Phú thì êkip hỗ trợ của Bệnh viện Hùng Vương với khoảng tám y, bác sĩ đã có mặt và đang mổ cầm máu cho bệnh nhân.
Lúc này bệnh nhân trong tình trạng sốc mất máu, hôn mê, thở máy qua nội khí quản, đồng tử giãn, da tím tái. Bệnh nhân được truyền tám đơn vị hồng cầu, tiểu cầu. Bác sĩ Tuyến chỉ định thêm thuốc và làm một số xét nghiệm sinh hóa, huyết học, X-quang tim phổi... cho bệnh nhân.
Sáng 17-12, Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp tục cử bác sĩ qua Bệnh viện Hùng Vương hội chẩn, để có phương án điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Trở về từ cõi chết
Sau ca cấp cứu đặc biệt, TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - giám đốc Bệnh viện Hùng Vương - cho biết ngay khi nhận cuộc gọi hỗ trợ của Bệnh viện Q.Tân Phú, êkip tham gia quy trình báo động đỏ liên viện của Bệnh viện Hùng Vương đã nhanh chóng có mặt tại Bệnh viện Q.Tân Phú để cấp cứu bệnh nhân.
Để cầm máu, các bác sĩ của bệnh viện quyết định mổ cắt bỏ tử cung của bệnh nhân. Các bác sĩ phải vừa mổ, vừa hồi sức, vừa cầm máu, vừa truyền máu cho bệnh nhân.
Sau phẫu thuật bệnh nhân qua cơn nguy kịch và đang được theo dõi chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Hùng Vương.
Chiều 17-12, TS Diễm Tuyết cho biết tuy chị Đ. đã qua cơn nguy kịch nhưng còn phải theo dõi và điều trị tình trạng suy đa cơ quan do sốc mất máu nặng.
Theo bác sĩ Tuyết, người bình thường cơ thể có khoảng 4 lít máu, nhưng chị Đ. vì băng huyết sau sinh và xuất huyết nội sau phẫu thuật cắt tử cung bán phần dẫn đến sốc mất máu, suy gan, suy thận.
Chị Đ. đã phải truyền gần 5 lít máu và các thành phần của máu trong quá trình phẫu thuật (hai lần) và cấp cứu, điều trị. Với số lượng máu và thành phần máu truyền bù cho lượng máu mất đi gần như bệnh nhân đã phải “thay máu” toàn bộ. Do vậy, vấn đề theo dõi điều trị và giải quyết các biến chứng sau sốc mất máu và truyền máu cho chị Đ. đang được Bệnh viện Hùng Vương và Bệnh viện Nhân dân 115 phối hợp hội chẩn và điều trị tích cực.
“Việc hồi sức cấp cứu và phẫu thuật kịp thời cho bệnh nhân Đ. vượt qua được cái chết là nhờ sự phối hợp của ba bệnh viện thông qua quy trình báo động đỏ liên viện và nội viện tại Bệnh viện Q.Tân Phú. Đây là trường hợp bệnh nhân thập tử nhất sinh, nhờ có quy trình báo động đỏ của Sở Y tế TP hướng dẫn nên Bệnh viện Q.Tân Phú đã phối hợp với các bệnh viện tuyến trên cứu được bệnh nhân cận kề cái chết” - bác sĩ Đinh Thanh Hưng chia sẻ.
Mong vợ mau khỏe về với các con Anh Đỗ Văn Tèo, chồng sản phụ N.T.K.Đ., cho biết hai vợ chồng lấy nhau được mười mấy năm nay, anh làm thợ xây, chị làm công nhân, hai vợ chồng có hai cháu lớn một trai một gái. Mười mấy năm hai vợ chồng ở trọ làm lụng nay dành dụm được ít tiền dự định ăn tết xong sẽ cất căn nhà nhỏ. Hôm vợ sinh, anh đang đi làm thì nghe người nhà gọi báo chị chuyển dạ nên về đưa chị đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi để sinh con. Giữa đường chị gặp sự cố anh run rẩy, bủn rủn hết tay chân. “Nghe bác sĩ nói vợ đã qua cơn nguy kịch, con ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi rất khỏe, trong lòng tôi cũng đỡ lo phần nào. Giờ chỉ mong sao vợ mau khỏe về với tôi và các con” - anh Tèo nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận