Số lượng hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân tại TP.HCM đã tăng đột biến - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Đáng chú ý, trong số này số hồ sơ thuộc trường hợp hoàn thuế chiếm đến hơn 95% (69.228 hồ sơ).
Vì sao có tình trạng này?
Hiện nay, cách quản lý thuế đối với những người có hợp đồng lao động, làm việc tại một nơi tương đối hợp lý. Thế nhưng, với người làm việc ở nhiều nơi, không có chỗ làm việc nhất định thì khá phức tạp.
Do chưa rõ họ có thu nhập đến mức chịu thuế hay không nhưng để tránh thất thu thuế, Bộ Tài chính quy định cứ mỗi lần nhận thu nhập từ 2 triệu đồng thì những người này đều bị tạm khấu trừ 10% (áp dụng 14 năm qua). Cuối năm, nếu chưa đến ngưỡng phải nộp thuế (132 triệu đồng/năm) thì họ phải làm thủ tục hoàn thuế để lấy lại tiền đã nộp dư.
Cơ quan thuế giải thích rằng đó chỉ là tạm thu, cuối năm khi quyết toán sẽ được hoàn lại. Nhưng với cách thu như vậy, một khoản thu nhập lẽ ra dùng để chi tiêu cho bản thân và nuôi dưỡng người thân lại bị "chiếm dụng", phải đến năm sau mới được lấy lại.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, khá nhiều hồ sơ đề nghị hoàn thuế tại Cục Thuế TP.HCM chỉ có số thuế hoàn khoảng 1 triệu đồng/hồ sơ, thậm chí chỉ vài trăm ngàn đồng. Những hồ sơ có số tiền hoàn lên đến hàng chục triệu đồng chủ yếu rơi vào người nước ngoài.
Dù quy trình hoàn thuế hiện nay đã giảm bớt số chữ ký trên mỗi hồ sơ nhưng do số lượng hồ sơ hoàn quá lớn nên suốt 3 tháng Cục Thuế TP.HCM mới chỉ giải quyết được 45.295/69.228 hồ sơ thuộc trường hợp hoàn thuế.
Với tổng số tiền hoàn chỉ hơn 78,8 tỉ đồng, tính ra số tiền hoàn thuế trung bình trên mỗi hồ sơ chỉ hơn 1,7 triệu đồng. Ngoài ra, còn gần 24.000 bộ hồ sơ hoàn thuế vẫn đang chờ dù theo quy định khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan thuế phải giải quyết hoàn thuế sau 15 ngày làm việc.
Mỗi năm TP.HCM thu thuế vài trăm ngàn tỉ đồng, năm 2022 do ảnh hưởng bởi dịch bệnh số thu được giao là 270.068 tỉ đồng, tính ra số thu mỗi ngày là 740 tỉ đồng. Do vậy, số thuế thu nhập cá nhân hoàn lại chỉ hơn 78,8 tỉ đồng tính đến thời điểm này là con số quá nhỏ so với tổng số thu thuế hằng năm tại TP.HCM.
Nhưng để tránh sót lọt thuế, ngoài việc "bắt" người có thu nhập vãng lai phải chờ cả năm, cơ quan thuế phải huy động một lực lượng lớn, làm miệt mài suốt nhiều tháng, trong khi lẽ ra họ có thể tập trung làm công tác chuyên môn, thanh tra kiểm tra để thu được số ngân sách lớn hơn rất nhiều.
Trên thực tế chính cơ quan thuế cũng "kêu" về quy định bất hợp lý này trong suốt nhiều năm qua và đề xuất nâng lên mức 5 triệu đồng từ năm 2017 nhưng đến nay vẫn chưa điều chỉnh.
Theo các chuyên gia, ngành thuế nên mạnh dạn đề xuất thay đổi quy định này, không nên duy trì mãi quan điểm "thà thu lầm còn hơn bỏ sót" đã quá lạc hậu mà nên nhìn rộng hơn theo quan điểm nuôi dưỡng nguồn thu và hỗ trợ người nộp thuế trong bối cảnh khó khăn do giá cả tăng cao như hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận