03/01/2012 01:01 GMT+7

Một phần lịch sử không thể lãng quên của Campuchia

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TT - Ngày 2-1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Chính phủ hoàng gia Campuchia Hun Sen đã tham dự lễ khánh thành khu di tích lịch sử địa điểm thành lập Đoàn 125 - tiền thân lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Campuchia - tại xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai.

Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ôn lại lịch sử gần 34 năm trước đây, vào ngày 12-5-1978, với sự giúp đỡ nhiệt tình, vô tư của Đảng, Nhà nước, Quân đội Việt Nam và quân dân tỉnh Đồng Nai, hơn 200 cán bộ, chiến sĩ Campuchia đã tập hợp nhau lại lập nên Đoàn 125. Sự kiện thành lập Đoàn 125 đã đáp ứng yêu cầu tất yếu của lịch sử, tạo ra sự chuyển biến mang tính bước ngoặt trong cuộc đấu tranh của nhân dân Campuchia nhằm xóa bỏ chế độ diệt chủng Pol Pot.

Ngay từ khi ra đời, lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Campuchia đã sát cánh cùng quân tình nguyện Việt Nam, lập nên những chiến công oanh liệt, góp phần thiết thực làm nên chiến thắng lịch sử ngày 7-1-1979, đem lại sự hồi sinh cho dân tộc Campuchia và vĩnh viễn ngăn ngừa chế độ diệt chủng quay trở lại. “Lật đổ chế độ Pol Pot, đưa dân tộc Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng là mong muốn cháy bỏng và nguyện vọng thiết tha của nhân dân hai nước Campuchia và Việt Nam, phù hợp với lương tri của nhân loại và luật pháp quốc tế” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Trong phát biểu của mình, Thủ tướng Hun Sen nhắc lại việc chế độ diệt chủng Pol Pot hình thành ở Campuchia vào năm 1975, rồi đến một đêm cuối tháng 6-1977 ông phải rời bỏ quê hương, rời xa người vợ đang mang thai 5 tháng để sang Việt Nam tìm kiếm sự giúp đỡ.

Thủ tướng Hun Sen xúc động kể lại: “Trước tình hình đất nước và nhân dân Campuchia lâm vào thảm họa, bản thân tôi không có sự lựa chọn nào khác ngoài hai phương án: Thứ nhất, đứng lên đấu tranh vũ trang chống lại chế độ Pol Pot với lực lượng khoảng 2.000 người, nhưng cuộc nổi dậy này khó có thể cầm cự được trong vòng một tháng và sẽ bị Pol Pot dìm trong biển máu. Thứ hai, tôi phải ly khai chạy sang Việt Nam và đề nghị Việt Nam giúp đỡ tổ chức phong trào kháng chiến giải phóng đất nước. Tôi nghĩ lựa chọn phương án hai thật sự tốt hơn. Mặc dù khác nhau về sắc tộc và bản thân chúng tôi là những người vượt biên trái phép, người dân Việt Nam cũng chưa biết chúng tôi là người tốt hay xấu nhưng họ đã thể hiện tấm lòng nhân ái, tính nhân văn, tôn trọng nhân quyền. Tôi coi Việt Nam là một quốc gia kiểu mẫu”. Thủ tướng Hun Sen khẳng định: “Đây là một phần lịch sử không thể nào lãng quên để nhắc nhở cho các thế hệ mai sau”. Thủ tướng Hun Sen cũng bày tỏ: “Chân thành cảm ơn Đảng, Chính phủ, quân đội và nhân dân Việt Nam đã chia ngọt sẻ bùi giúp đỡ chúng tôi về mọi mặt để chúng tôi có được ngày hôm nay”.

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp