Theo báo cáo mới đây của một viện độc lập ở Anh, có đến một nửa lượng lương thực trên thế giới đang bị lãng phí.
Phóng to |
Nhiều người mua nhiều thức ăn rồi sau đó vứt vào thùng rác - Ảnh: AP |
Theo đó, có khoảng 4,4 tỉ tấn lương thực được sản xuất hằng năm, tuy nhiên có khoảng ½ trong số này không bao giờ được ăn. Lý do là chúng bị thất thoát trong quá trình thu hoạch, vận chuyển và dự trữ không hiệu quả, cũng như bị lãng phí do người tiêu dùng hay thị trường.
Nhóm nghiên cứu nói lương thực bị lãng phí cũng ảnh hưởng đến đất trồng, nguồn năng lượng và sử dụng nước.
“Mức độ lãng phí này là thảm kịch và không thể tiếp diễn nếu chúng ta muốn giải quyết thách thức về việc đáp ứng bền vững nhu cầu lương thực trong tương lai”, nhóm nghiên cứu viết.
Theo CNN, nghiên cứu được bắt đầu từ năm 2010 bằng việc kiểm tra xem người dân có phát triển đầy đủ không, chẳng hạn người dân ở châu Âu. Nhóm cũng phân tích thực tiễn sản xuất và tiêu thụ lương thực ở các nước, từ những nước như Trung Quốc đến các nước ở châu Phi.
Họ nhận thấy tình trạng lãng phí xảy ra trên toàn cầu và phổ biến hơn ở những khu vực kém phát triển. Chẳng hạn tại vùng cận Sahara châu Phi, tình trạng lãng phí xảy ra ở khâu thu hoạch, vận chuyển, dự trữ…
Tại các nước phát triển như Anh, nông dân có biện pháp canh tác hiệu quả hơn, vận chuyển, dự trữ và chế biến tốt hơn. Tuy nhiên, lương thực vẫn bị lãng phí ở các cấp độ bán buôn và bán lẻ, khi khách hàng thường vứt đi một nửa những gì họ mua.
Thị trường cũng lãng phí lương thực. Chẳng hạn việc các siêu thị lớn không chấp nhận rau quả từ các trang trại chỉ vì chúng không đáp ứng tiêu chuẩn về mặt kích thước và vẻ bề ngoài đã khiến 30% rau củ ở Anh không được thu hoạch.
Thêm vào đó, các chương trình khuyến mãi đã “thường xuyên khuyến khích người tiêu dùng mua hàng quá nhiều” nhưng họ lại không ăn, gây ra lãng phí.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận