01/09/2017 18:49 GMT+7

Một người già gầy gò mà có nụ cười sao thương thế...

KIỀU MAI SƠN
KIỀU MAI SƠN

TTO - Với người nữ chiến sĩ cảnh vệ đã có 5 năm bảo vệ trực tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh, kỷ niệm về Bác là những câu chuyện đời thường rất nhỏ, mà mỗi lần nhắc lại bà vẫn rơi nước mắt.

Một người già gầy gò mà có nụ cười sao thương thế... - Ảnh 1.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cán bộ bảo vệ và giúp việc trên đường đi công tác từ Đèo Khế - Thái Nguyên sang Tuyên Quang năm 1947. Cụ bà Trần Thị Thái là nữ chiến sĩ duy nhất - Ảnh tư liệu

Có thể ví cụ bà Trần Thị Thái (SN 1925), người nữ chiến sĩ cảnh vệ đã có 5 năm bảo vệ trực tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Hà Nội lên An toàn khu (ATK) Việt Bắc, như vạt nắng ấm cuối trời còn sót lại.

Nhớ lại kỷ niệm xưa, thời gian hai ông bà làm nhiệm vụ bảo vệ Chủ tịch nước giữa lúc thế nước hiểm nguy, ngàn cân treo sợi tóc, dòng ký ức cứ lần lượt nối nhau tràn về.

Mứt dứa Bác chê nhưng đẽo guốc Bác khen

Những kỷ niệm về 5 năm làm cận vệ cho Bác của bà Thái là tình cảm của chiến sĩ với lãnh tụ, là tình cảm cha con. Song tính vốn khiêm nhường nên ít khi bà chia sẻ. Tôi may mắn được con trai trưởng của ông bà giới thiệu nên bà mới nhận lời tiếp chuyện.

Vậy mà bà vẫn cẩn thận dặn dò: Chuyện bà kể là chuyện đời thường, vài mẩu chuyện trong quá trình công tác, mà trong công tác thì người ta ai cũng có ưu, khuyết điểm. Bà e nếu người viết thêm mắm thêm muối thì "thành tích bằng trời". Vì thế ban đầu bà chỉ muốn kể chuyện chứ không muốn viết lên báo.

Nhưng bà vẫn kể say sưa: "Không chỉ với riêng tôi, mà đối với anh em phục vụ, Bác coi ai cũng như con. Thế nhưng có một vài việc tôi thấy là vinh dự khi được Bác khen. Ví dụ việc làm đôi guốc cho ông cụ. Ông cụ có vẻ thích lắm".

Chả là khi thấy đôi dép cao su của Bác đi lâu đã mòn vẹt, hũm vào ở giữa khiến nước đọng, nhiều lần Bác bị nước ăn chân, kẽ chân đỏ tấy. Bà Thái nghĩ phải đẽo cho Bác đôi guốc mới.

Đúng hôm nhà hàng xóm hạ một cây xoan, bà Thái liền xin một mẩu gỗ xoan, tranh thủ vài buổi nghỉ trưa kì cạch đẽo thành đôi guốc. Sẵn cái lốp xe đạp cũ đi xin được, bà xẻ thành quai guốc. Rồi bà chờ đến phiên chợ để mua đinh đóng cho xong đôi guốc.

"Lúc đưa đôi guốc lên, ông cụ đi vừa vặn nên thích lắm. Bác báo 'cô nấu mứt dứa thì Bác chê nhưng cô làm guốc thì Bác khen đấy’", bà Thái kể.

Cha bà Thái vốn là thợ mộc nên bà dù là con gái cũng biết làm những việc đơn giản. Chỉ cần con dao trong tay, bà Thái làm đôi guốc không khó khăn gì.

Bà xúc động nhớ lại chuyện ngày ấy: "Tôi chỉ làm một việc nhỏ là đẽo cho Bác đôi guốc vừa chân. Không phải là mình tự hào được Bác khen đâu. Một người già như thế, gầy gò, mà có cái nụ cười sao mà thấy thương thế, thấy thương thế!"

Nhưng kể đến chuyện "mứt dứa" thì bà cười sảng khoái. Một hôm, bà Thái xin được từ bà Khuất Thị Vĩnh vợ ông Hoàng Quốc Việt một ít đường, nhà còn một ít bột khoai tây, được bà con cho một quả dứa, bà quyết định trổ tài làm mứt dứa như cách Bác từng kể: Đổ đường vào dứa, đun cho đến khi khô.

"Tôi đun dứa mãi, đường vàng khé rồi mà không khô, tôi đành đổ vào bát. Lúc bấy giờ chẳng biết, cứ thế bưng cả bát lên mời Bác. Bác cười, hỏi vui: 'Bác tưởng cô nấu canh?'", bà Thái vừa cười vừa kể.

Một chuyện bà Thái cũng không thể quên là lần Bác Hồ cứu bà khỏi bị rắn độc cắn.

Chuyện là, để có thêm dinh dưỡng, đội cảnh vệ bàn nhau nuôi gà để lấy trứng. Một hôm, bà Thái ra chỗ gà đẻ trên cao, định thò tay vào lấy trứng. Bỗng thấy Bác giật cánh tay bà xuống. Bà còn chưa hiểu thì Bác nói: "Lúc gà ấp, rắn hay vào ăn trứng gà, cô thò tay thế có bận rắn cắn chết".

Quả nhiên, lúc kéo ổ trứng xuống thì có con rắn nằm gọn, nó đã cắn chết gà mẹ.

"Phủ chủ tịch" ở chiến khu

Ở chiến khu, mỗi khi Bác viết thư gửi đồng bào các địa phương, Bác hay hỏi ý kiến các chiến sĩ cảnh vệ. Dịp đó, Bác định tặng đồng bào miền Nam 4 chữ "Thành đồng Tổ quốc". Khi chiến sĩ cảnh vệ tề tựu đông đủ, Bác đọc "các cô các chú nghe xem có góp ý gì không nhé".

Nghe Bác đọc đầy đủ cả số công văn, ngày tháng năm, rồi có chữ "Phủ chủ tịch", bà Thái bật cười. Bác hỏi: "Sao cô Thái lại cười". "Thưa Bác, Phủ chủ tịch ạ". "Thế gọi là Lều chủ tịch à?", Bác hỏi vui lại bà Thái.

Hòa bình lập lại, bà Trần Thị Thái trở về Cục Cảnh vệ công tác. 15 năm qua nhanh, tháng 9-1969, bà đang đi sơ tán ở Tuy Lai thì nhận được tin Bác mất.

"Tôi sững lại rồi ngồi sụp xuống. Chân tay như là không còn gân nữa. Tôi khóc không ra tiếng mà nước mắt cứ trào ra. Bây giờ thỉnh thoảng nghĩ lại lúc bấy giờ nước mắt vẫn trào", bà nghẹn ngào kể.

"Tôi về Hà Nội, ngồi suốt đêm để đợi đến lượt vào viếng Bác. Trong khi đợi, tôi cứ nghĩ lan man đi đâu ấy, tôi không nghĩ là đi viếng Bác. Đến lúc đi vào, có người cứ khóc nức nở, còn tôi không hiểu sao lúc đấy lại không khóc".

Viếng Bác xong, về rồi mà bà cứ thẫn thờ, nhớ đến những chiều ở ATK Việt Bắc, những bữa cơm thiếu thốn về vật chất mà ấm tình cha con, những khi đốt lá tránh muỗi, những giờ đọc báo nâng cao trình độ…

"Tôi nhớ những đêm Bác không ngủ, cứ nằm bên cánh võng thao thức…", bà Thái cứ thế chìm trong dòng suy tưởng của mình.

Cụ ông, Thiếu tướng - Anh hùng LLVTND Hoàng Hữu Kháng (1912-1993), Cục trưởng Cục Cảnh vệ (Bộ Công an), là người cận vệ gần gũi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những ngày đầu tiên cho đến khi Người qua đời.

Cụ bà Trần Thị Thái cũng tham gia đội bảo vệ trực tiếp của Bác từ năm 1945. Năm 1950, trong tình hình mới, bà chuyển sang công tác tại Chi điếm mậu dịch đặc biệt A - cơ quan cung cấp Trung ương.

Năm 1954, bà về Hà Nội làm việc tại Cục Cảnh vệ - Bộ Công an công tác, cho đến khi nghỉ hưu năm 1980.

KIỀU MAI SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp