Phóng to |
Ra tòa, nhiều người gọi bị cáo là “người điên”.
Tòa Hà Nội hôm ấy đưa ra xét xử bị cáo Nguyễn Văn Thức (28 tuổi, huyện Sóc Sơn) về tội giết người. Thức đứng trước vành móng ngựa, cơ thể bé nhỏ, những lời khai cũng nhỏ nhỏ, đều đều. Có lúc lời khai ấy thể hiện sự ngớ ngẩn làm nhiều người phải nén cười.
Hồ sơ vụ án thể hiện Thức kết hôn với chị Nguyễn Thị L. năm 2011. Cuộc sống túng quẫn khiến hai vợ chồng nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Đặc biệt là từ khi chị L. có thai. Lời khai của Thức tại cơ quan điều tra thể hiện từ khi biết vợ có thai, Thức nghĩ gia đình mình khó khăn thì sinh con ra sẽ càng khó khăn thêm nên có ý định sẽ giết chết vợ và tự tử. 1g sáng 25-3-2012, tại phòng ngủ nhà mình, Thức ngồi dậy ôm chặt vợ và cầm chiếc kéo đâm vào bả vai vợ. Chị L. vùng dậy kêu cứu, Thức dùng kéo đâm thêm một nhát nữa vào lưng vợ rồi vứt kéo chạy đến Công an huyện Sóc Sơn đầu thú.
“Giết vợ để chữa bệnh”?
Tòa hỏi bị cáo sao lại giết vợ khi vợ đang mang giọt máu của mình, có phải là vì cuộc sống túng quẫn rồi tính giết vợ con sau đó tự tử như lời khai trong các bút lục hay không? Bị cáo bảo không phải: “Có con bị cáo mừng lắm. Bị cáo thường bị đau đầu, người mệt lắm, nghe tiếng gì ồn ào là đều thấy đau, mà nghe tiếng máy cưa suốt ngày bị cáo không chịu được. Bị cáo không mâu thuẫn gì với vợ, có lúc bị cáo đang làm mà có người đến làm phiền thì bị cáo thấy tức tối. Có hai người đàn ông cùng làng cứ hay cười đùa bắt nạt bị cáo. Họ thấy bị cáo nghèo khổ lại có bệnh nên thường trêu chọc và coi thường bị cáo”.
Tòa hỏi tiếp vậy tại sao lại dùng kéo đâm vợ? Bị cáo bảo: “Tự nhiên nó đâm thôi. Bị cáo đâm vợ như vậy mong chữa bệnh cho mình, vì bị cáo chữa bệnh nhiều nơi không khỏi”. Tòa tiếp tục hỏi tại sao đâm vợ rồi lại đến cơ quan công an đầu thú? Thêm một câu trả lời của bị cáo làm nhiều người phì cười: “Bị cáo lên công an để công an huyện chữa bệnh cho bị cáo vài năm rồi về, hơn là bị cáo chết không rõ lý do”.
Sau những câu trả lời không đâu vào đâu của bị cáo, hội đồng xét xử đọc kết quả giám định. Năm 2009, bị cáo đi làm thuê ở Campuchia bị một người đánh vào đầu phải đi cấp cứu. Biên bản giám định pháp y tâm thần của Viện Giám định pháp y tâm thần trung ương kết luận: “Bị can Nguyễn Văn Thức bị bệnh tâm thần, bệnh rối loạn cảm xúc thực tổn. Theo phân loại bệnh quốc tế lần 10 -1992 về các rối loạn tâm thần và hành vi bệnh có mã số F06.3. Trước, trong và sau khi thực hiện hành vi phạm tội, bị can có mắc bệnh nêu trên. Bị can đủ khả năng nhận thức, hạn chế khả năng điều khiển hành vi”.
Tòa gọi vợ bị cáo đứng lên. Chị khai trước khi đến với nhau, hai người cũng có tìm hiểu. Khi chị thông báo với chồng mình có thai, anh cũng rất mừng. Trước ngày xảy ra sự việc, anh thường kêu đau đầu, thái độ nóng tính. Tòa hỏi chị có yêu cầu, đề nghị hình phạt gì với bị cáo hay không? Mặc dù trong hồ sơ vụ án, chị đề nghị xử lý nghiêm hành vi phạm tội của bị cáo và yêu cầu bồi thường 32 triệu đồng nhưng khi được hội đồng xét xử hỏi, chị nói: “Tôi không yêu cầu bồi thường gì. Xin tòa giảm án cho bị cáo mức án nhẹ nhất và xử cho tôi và bị cáo ly hôn”.
Tòa gọi thêm bố bị cáo, anh trai, anh họ bị cáo là những người đã làm chung với bị cáo ở Campuchia. Bố bị cáo cho biết: “Từ khi bị đánh ở Campuchia về, nó không được bình thường. Tôi đẻ ra nó nhưng nhiều khi nó hỏi tôi “ông có muốn chết không?”, và còn dọa bóp cổ mẹ nó. Trước khi sự việc xảy ra khoảng 15 ngày, tự nhiên nó tự cắt cổ đến gần đứt cổ họng, tôi phải đưa đi cấp cứu...”.
Một tiếng “vợ”
“Mẹ ơi cho con gặp L. một tí” - bị cáo ngoảnh xuống nói với mẹ vợ trong giờ nghị án. L. bước tới ngồi chung ghế với chồng trước vành móng ngựa. Chị nói với chồng: “Em viết đơn gửi ra tòa xin ly hôn rồi. Cái thai cũng đã bị hỏng từ hôm đó...”. Một thoáng im lặng, bị cáo nhìn L. rồi nói: “Thôi, việc anh làm anh chịu, vợ gửi đơn rồi anh cũng không biết làm thế nào...”. L. ngồi với chồng một chút rồi trở về chỗ của mình. Chị nói với mẹ: “Anh ấy vẫn cứ gọi con một vợ, hai vợ...”.
Bố bị cáo thẫn thờ nói: “Nhà nghèo quá, năm 2009 nó cùng anh em sang tận Campuchia để đi làm thuê tít trong rừng. Làm được thời gian, tôi nghĩ nhà mình nghèo nên gọi nó về sớm gả vợ để nó ổn định cuộc sống. Nó nghe lời xin nghỉ làm để về quê cưới vợ. Nhưng khổ quá, xin về người ta không cho, người ta đòi giữ lương, rồi người ta đánh nó tới nỗi phải đi cấp cứu. Bao nhiêu tiền lương đều đổ vào chữa bệnh cả”.
Thức về quê, cưới vợ rồi mở xưởng mộc ở quê nhà. Ngoài những lúc điên khùng như mọi người nói, Thức vẫn chăm chỉ ở xưởng mộc để lo cho gia đình. Từ khi ở Campuchia trở về, gia đình cũng không đủ tiền để đưa Thức đi chữa bệnh thêm một lần nào.
Sau khi tòa tuyên án bị cáo phải lãnh 12 năm 6 tháng tù, vợ bị cáo cùng mẹ ruột vội vã ra về. Vợ bị cáo năm nay mới 19 tuổi. Từ ngày bị chồng đâm, chị đã về sống ở nhà mẹ ruột. Mẹ chị khoe từ ngày chị về, có nhiều người thích và đến tìm hiểu lắm nhưng vì chưa ly hôn được nên chị chưa dám đến với ai.
Gia đình bị cáo nán lại ngồi với bị cáo sau phiên xét xử. Anh em, họ hàng của bị cáo ngồi quanh bị cáo, mỗi người kể cho bị cáo nghe một câu chuyện ở nhà. Một người họ hàng nói với bị cáo: “Mày bị bắt được một tháng thì mẹ mày xót con quá, với làm nhiều quá dẫn đến bị tai biến mà mất hồi tháng 4 năm ngoái rồi. Đến tháng 11 em trai mày mất vì tai nạn giao thông. Tao đã nói với bố mày là nhà có hạn, phải đi cúng đơm, giải hạn cho mày mà bố mày không chịu nghe”. Bố bị cáo nhìn con bảo: “Bao nhiêu chuyện xảy ra, năm ngoái bố tưởng không vượt qua được, thôi con cũng phải cố gắng...”.
Một người khác nhanh miệng nói với bị cáo: “Vợ mày sắp lấy chồng rồi. Cái thai ấy là do nó bỏ đi, chứ không phải hỏng. Nó không muốn liên quan gì đến nhà mình nữa thì đành chịu”. Bị cáo nghe nói thế cứ ngồi lặng thinh, rồi bất chợt hai giọt nước mắt chảy tràn trên má. Ai bảo người điên không biết khóc?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận