Ở nơi đó, những tưởng ông quên đi nỗi nhọc nhằn chữ nghĩa, những ám ảnh văn chương. Nhưng ngược lại, ông chẳng hờ hững chút nào với những sự kiện nổi bật của văn đàn, những sự kiện văn hóa, những nỗi buồn thế sự cả trong nước và thế giới. Sự kiện nào ông cũng rành rẽ, tường minh gốc rễ của nó.
Ông thân thiết với Nguyễn Ngọc Tư từ cung cách dung dị trong cuộc sống đến những điều quái lạ trong văn chương của cô gái Nam bộ ấy. Đọc và nhớ đến chi li từng chi tiết, tình tiết trong câu chữ và tính cách nhân vật của Tư. Ông nhớ chi tiết lục bình bị nhốt mà vẫn trổ bông của Tư trong một tản văn đăng trên báo, truyện ngắn Cải cho tới tiểu thuyết Sông. Đọc Cánh đồng bất tận, ông nói “Tư viết thấy ghê” - ấy là cách nhà văn già “cảm xúc” trước tính chất dữ dội của câu chuyện và ngôn ngữ sắc lạnh của cây bút trẻ!
Còn với Alice Munro, Nobel văn chương 2013, ông có nhận xét thú vị: Bà này rất ngộ. Nhân vật của bà toàn là những thân phận nhỏ nhoi. Chi tiết của bà cũng nho nhỏ từ cuộc sống thực trong mối quan hệ gia đình. Hơi dài dòng nhưng văn bà không có câu nào dở. Câu nào cũng hai ba tầng nghĩa...
Ở nơi xa vắng, sự đọc với ông vẫn không ngừng nghỉ, ông vẫn quan sát cuộc sống mỗi ngày. Sự kiện nào với ông cũng là một liên hệ gắn bó, một chiêm nghiệm.
2. Trang Thế Hy nặng nợ với văn - chương - chữ - nghĩa từ giữa cuối những năm 1950. Ông viết không nhiều, hơn 50 truyện ngắn, vài chục bài thơ. Ông cũng viết tiểu thuyết dưới hình thức feuilletons trên báo. Say mê thơ Tagore, ông là một trong số ít người dịch thành công những tác phẩm của thi hào vĩ đại này. Với những gì còn lại và đã công bố trong những tập truyện ngắn (Nắng đẹp miền quê ngoại, Mưa ấm, Người yêu mùa thu, Vết thương thứ mười ba, Nợ nước mắt) cho thấy Trang Thế Hy đã chọn cho mình cõi riêng, một mình một phong cách, vừa nghiêm cẩn, vừa sâu lắng, sang trọng. Ông hiện lên trên các trang viết sự tinh tường, thấu hiểu và điềm tĩnh trước cuộc sống, trước thân phận con người.
Năn 2007, hơn 40 năm sau ông mới có dịp trở lại Củ Chi. Màu xanh của mảnh đất này không làm ông nguôi ngoai nỗi buồn. Tất cả những người quen cũ của ông đều không ai trở về sau cuộc chiến. Năm 1966, chiến tranh vào thời kỳ ác liệt nhất, trên đường từ “R” xuống chiến trường Củ Chi, ông đi qua nơi các đơn vị bộ đội đóng quân, chuẩn bị cho những đợt xuất kích, những huyệt mộ được đào sẵn, nhìn những hạt bụi bay mù trời, ông rùng mình và tưởng tượng biết đâu trong những huyệt mộ ấy có cái dành sẵn cho mình. Cái bi thảm và tàn khốc của chiến tranh, sự nhỏ nhoi con người đó mở đầu truyện ngắn Hạt bụi, sau này thành truyện Anh Thơm râu rồng.
Cũng từ cái nhìn ấy, mấy mươi năm sau ông đọc Nỗi buồn chiến tranh với một tâm thế sẻ chia. Vài ba lần Bảo Ninh từ Hà Nội vào tìm gặp ông sau đó, hai thế hệ nhà văn bước ra từ cuộc chiến lại cùng ngồi bên nhau bàn luận sôi nổi về Số phận con người, về bao ám ảnh mà tác phẩm của Sôlôkhôp đã mang lại cho người đọc Việt Nam.
Trang Thế Hy cũng đọc Nguyễn Huy Thiệp từ những tác phẩm đầu tiên, và dõi theo sự xuất hiện của anh sau đó. Một lần cùng nhà thơ Nguyễn Duy gặp Nguyễn Huy Thiệp, dù chỉ có 15 phút sơ giao nhưng họ vẫn kịp trao cho nhau cảm xúc về lòng tự trọng nghề nghiệp. Đối với Trang Thế Hy, nhân cách sống của con người và nhân cách văn chương là một.
3. Con đường dẫn vào nhà ông giờ được mở rộng và trải nhựa. Ông hiến tặng 500m2 đất cho dự án này. Con đường cao lên, ngôi nhà sát đường hơn nhưng thấp xuống. Có cảm giác những trận mưa bão kéo dài ngôi nhà ấy sẽ xăm xắp nước. Có hề chi, đó vẫn là điểm gặp gỡ những người bạn xa gần. Lý Lan, Minh Ngọc, Chinh Ba, Hà Dương Tuấn, Nguyễn Bá Chung, Võ Trường Chinh ở Mỹ, Pháp về; Nguyễn Trung, Mỹ Hà, Ý Nhi, Nguyễn Duy, Lê Văn Thảo từ Sài Gòn xuống; Nguyên Ngọc, Ngô Thảo, Trung Trung Đỉnh, Lê Minh Khuê từ Hà Nội vào… Căn nhà nhỏ của ông thành nơi đàm đạo văn chương. Câu chuyện nào của ông cũng có ngằn, uyên thâm đông tây kim cổ. Những bạn trẻ của ông đôi khi đến với ông cũng chỉ để nghe một câu chuyện, đôi khi bâng quơ để nghĩ rằng điều thiện sẽ phục sinh con người.
Bước vào tuổi 90 - sinh nhật 89 năm tuổi của ông vừa diễn ra cuối tháng 10-2013 ấm cúng tại ngôi nhà nhỏ đó, với bè bạn khắp nơi về. Hỏi ông đang đọc gì, ông nói đang đọc lại Nguyễn Hiến Lê với những cuốn sách dạy làm người, dạy những ứng xử với cuộc đời. Ông nhớ Trang Chu và câu chuyện người đàn ông nọ, vợ chết không khóc mà còn vỗ trống và hát. Người đàn ông giải thích rằng ông không khóc không có nghĩa là không đau buồn, vỗ trống và hát đâu có nghĩa là vui. Cái chết là một bộ phận của sự sống, của một cuộc đời khác, theo dòng bất tận của vòng luân hồi. Người đàn ông ấy bình thản đón nhận sự thật của cuộc đời như nó vốn có.
Bình thản hồn nhiên, từ lâu đã là chọn lựa cho cách sống của nhà văn Trang Thế Hy. Con người tri túc lắm mới chọn được cho mình cách sống ấy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận